Chiều nay (6/6), tại Nhà Quốc hội, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh đăng đàn trả lời chất vấn trước Quốc hội về việc triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia; thu hút nguồn lực hỗ trợ đầu tư phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; việc giải quyết khó khăn về đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc.
Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh, Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách nhằm tạo sự phát triển cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó có các Chương trình mục tiêu quốc gia. Chương trình được thiết kế với nhiều dự án thành phần, đã được triển khai trên 51/63 tỉnh, thành.
Các đại biểu tham dự phiên họp chiều ngày 6/6/2023. Ảnh: quochoi.vn |
Về huy động nguồn vốn cho chương trình, Bộ trưởng cho biết Ủy ban Dân tộc đã tham mưu Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội để bố trí đủ vốn là 104.000 tỷ đồng (4,4 tỷ USD) cho giai đoạn từ nay đến 2025, đó là nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước. Ngoài ra, còn một số nguồn vốn khác, như: vốn tín dụng, vốn địa phương đối ứng; huy động vốn ngoài ngân sách…Theo Bộ trưởng, việc bố trí nguồn vốn đã đủ để triển khai theo nghị quyết Quốc hội phê duyệt.
Liên quan đến bố trí đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc, Bộ trưởng cho biết hiện nay, các địa phương đang tập trung giải quyết đất đai cho các hộ dân chưa được cấp đất lần nào. Ngoài ra, một số trường hợp hộ đồng bào đã được cấp đất nhưng lại chuyển nhượng, mua bán, cho tặng...Trách nhiệm của địa phương trong vấn đề này là phải rà soát để đảm bảo công bằng trong chính sách.
Về phía Uỷ ban dân tộc, Bộ trưởng cho biết: "Trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Ủy ban Dân tộc cũng đã kiến nghị về cấp đất cho đồng bào dân tộc. Chúng tôi đề nghị 2 khoản: cần có chính sách về đất ở, đất sinh hoạt cho đồng bào dân tộc phù hợp phong tục tập quán từng vùng và có chính sách cho đồng bào dân tộc được có đất để sản xuất nông nghiệp, sinh hoạt."
Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh trả lời chất vấn trước Quốc hội Ảnh: quochoi.vn |
Trước thực tế việc phân loại xã, thôn đồng bào dân tộc miền núi, khiến nhiều đồng bào không thuộc diện nhà nước mua bảo hiểm y tế, Bộ trưởng Hầu A Lềnh khẳng định: "Có 2,1 triệu người không được Nhà nước tiếp tục hỗ trợ bảo hiểm. Đây là vấn đề rất lớn. Chính phủ đã giao Bộ Y tế sửa quy định, bổ sung các nhóm dân tộc thiểu số khó khăn tiếp tục được hưởng chính sách Nhà nước mua bảo hiểm y tế. Riêng chính sách giáo dục, nông nghiệp, lao động việc làm, các bộ ngành đang sửa để trình Chính phủ."
Cũng tại phiên chất vấn, Bộ trưởng Hầu A Lềnh cho rằng, chính sách của nhà nước triển khai ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số chỉ thực sự hiệu quả khi đồng bào hiểu rõ, nhận thức đúng và ủng hộ. Trong bối cảnh 15% đồng bào dân tộc thiểu số không biết chữ như hiện nay, Uỷ ban dân tộc sẽ có những giải pháp để giảm tỷ lệ này.