Chiều 30/5, Quốc hội nghe Tờ trình về dự thảo Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn (sửa đổi) - Ảnh: VGP |
Chiều 30/5, các đại biểu tham dự kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, nghe Tờ trình dự thảo Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn (sửa đổi).
Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh cho biết: "Việc xây dựng dự thảo Nghị quyết nhằm kịp thời thể chế hóa chủ trương, đường lối của Bộ chính trị về công tác cán bộ và việc lấy phiếu tín nhiệm đối với chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị. Đảm bảo tính đồng bộ của hệ thống pháp luật trong bối cảnh những năm gần đây Quốc hội đã sửa đổi, bổ sung 1 số luật có nội dung liên quan đến lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm tại Quốc hội và Hội đồng nhân dân. Do đó, việc xây dựng dự thảo Nghị quyết xem xét, cho ý kiến và thông qua tại kỳ họp thứ 5 là rất cần thiết, nhằm kịp thời triển khai công tác lấy phiếu tín nhiệm tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV và kỳ họp cuối năm 2023 của Hội đồng nhân dân các cấp".
Về căn cứ đánh giá mức độ tín nhiệm, Dự thảo nghị quyết quy định chi tiết nội dung các tiêu chí đánh giá phù hợp và bổ sung nội dung trách nhiệm của người được lấy phiếu tín nhiệm; kết quả giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực, phạm vi phụ trách; tôn trọng, lắng nghe và nghiên cứu để giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân; kết quả thực hiện cam kết và lời hứa (nếu có).
Tại buổi thảo luận ở tổ về dự thảo nghị quyết, các đại biểu Quốc hội bảy tỏ sự đồng tình với những nội dung sửa đổi, bổ sung để đảm bảo hiệu quả trong việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm.