Nhận lời mời của Thủ tướng Quốc vụ viện nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa Lý Cường, Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Hợp tác tiểu vùng Mekong mở rộng lần thứ 8 (GMS 8), từ ngày 5 đến 8/11, tại Trung Quốc. Là quốc gia thành viên gắn chặt với lợi ích của cơ chế hợp tác này, Việt Nam luôn nỗ lực tích cực thúc đẩy hợp tác, nhằm xây dựng một tiểu vùng Mekong hòa bình, ổn định và phát triển thịnh vượng.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự trực tuyến Hội nghị Thượng đỉnh Hợp tác tiểu vùng Mekong mở rộng (GMS) lần thứ 7 năm 2021 - Ảnh: Dương Giang/TTXVN |
Tiểu vùng sông Mekong có giá trị địa-chiến lược đặc biệt quan trọng. Tuy nhiên, bên cạnh những lợi thế sẵn có, hiện nay, tiểu vùng cũng phải đối mặt với không ít những thách thức trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực luôn xuất hiện nhiều yếu tố phức tạp, khó lường. Vì vậy, tại các hội nghị lần này, Thủ tướng Việt Nam cùng các nhà lãnh đạo các nước thành viên cùng nhau xác định và triển khai các dự án ưu tiên của tiểu vùng trong một loạt các lĩnh vực, nhằm hiện thực hóa tầm nhìn trở thành một tiểu vùng thịnh vượng, hội nhập và hài hòa.
Tìm giải pháp phát triển bền vững tiểu vùng sông Mekong
Chương trình hợp tác tiểu vùng Mekong mở rộng (GMS) được thành lập vào năm 1992, theo sáng kiến của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), bao gồm 6 thành viên: Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái Lan và hai tỉnh tự trị của Trung Quốc (Quảng Tây và Vân Nam).
22 năm kể từ cơ chế hợp tác GMS ra đời, với nỗ lực của tất các nước GMS và sự giúp đỡ của ADB và các nhà tài trợ, các quốc gia tiểu vùng Mekong và Trung Quốc đã đạt được nhiều thành quả. Nổi bật là lĩnh vực kết nối kết cấu hạ tầng với các dự án hợp tác lớn cho từng vùng, tuyến hành lang kinh tế, như Hành lang kinh tế Bắc - Nam (NSEC), Hành lang kinh tế Đông - Tây (EWEC), Hành lang kinh tế phía Nam (SEC)... Bên cạnh đó, hợp tác kinh tế GMS thu hút được một khối lượng vốn cho các dự án. Hợp tác ngành trong GMS trong nhiều năm qua cũng ghi nhận kết quả tích cực nổi bật trên các lĩnh vực, như: năng lượng, môi trường, du lịch, bưu chính viễn thông, thương mại, đầu tư, phát triển nguồn nhân lực, nông nghiệp và phát triển nông thôn, phát triển đô thị dọc các hành lang kinh tế…
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, hợp tác kinh tế GMS vẫn tồn tại nhiều thách thức, như: xuất phát điểm về phát triển của các nước GMS còn thấp, nguồn vốn đầu tư cho phát triển còn hạn chế.. Ngoài ra, các thách thức mới về biến đối khí hậu, môi trường, an ninh lương thực, năng lượng đang ngày càng ảnh hường nghiêm trọng đến mục tiêu phát triển bền vững của các quốc gia thành viên. Do vậy, tại GMS 8, lãnh đạo các nước sẽ tiếp tục phối hợp và điều chỉnh chính sách hợp tác ở tầm vĩ mô, kêu gọi hợp tác từ các đối tác phát triển trong hỗ trợ tài chính, chính sách, xây dựng năng lực, hỗ trợ kỹ thuật, chia sẻ kinh nghiệm và kiến thức, giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu, phát triển nguồn nước tổng hợp tại khu vực hạ lưu sông Mekong, an ninh lương thực, năng lượng tái tạo, phát triển nguồn nhân lực…
Việt Nam nỗ lực xây dựng Chiến lược cho sự phát triển GMS đến năm 2030
Việt Nam tham gia tích cực Chương trình hợp tác GMS ngay từ khi Chương trình này được thành lập vào năm 1992. Sự tham gia của Việt Nam mang nhiều kết quả tích cực về phát triển kinh tế và xóa đói giảm nghèo cũng như góp phần gia tăng liên kết kinh tế khu vực. Việt Nam hiện là mắt xích quan trọng trong việc hình thành và phát triển 3 hành lang kinh tế quan trọng của GMS: hành lang Bắc Nam, hành lang Đông Tây và hành lang ven biển phía Nam. Với sự hỗ trợ của quốc tế và sự đóng góp của Việt Nam, cho đến nay, nhiều dự án hạ tầng quan trọng đã được hoàn thành, trong đó có các tuyến giao thông huyết mạch đã được đưa vào sử dụng, tạo thuận lợi cho đi lại, vận chuyển hàng hóa trong GMS.
Việt Nam đang cai tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh hợp tác tiểu vùng Mekong mở rộng lần thứ 6 (GMS6) năm 2018 - Ảnh: TTXVN |
Với lợi thế về mọi mặt và sự nỗ lực hợp tác của mình, Việt Nam ngày càng có vị trí nổi bật trong việc kết nối các quốc gia trong GMS, đồng thời là thành viên tích cực trong nhóm cơ chế hợp tác với đối tác bên ngoài khu vực. Việt Nam cũng đóng vai trò quan trọng trong phát triển mạng lưới sản xuất và các chuỗi giá trị gia tăng trong GMS.
Trên cơ sở đó, tại Hội nghị lần này, Việt Nam tiếp tục tích cực đề xuất các nội dung hợp tác cụ thể, xuất phát từ những lợi thế và khả năng của Việt Nam để tham gia tích cực vào các chương trình, lĩnh vực cụ thể của GMS nói chung, với các nước thành viên nói riêng. Trong đó, ủng hộ việc chia sẻ thông tin và điều phối sử dụng nước sông Mekong, giảm khai thác tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ rừng, giảm phát thải khí nhà kính, khuyến khích sử dụng các chế phẩm sinh học… Đặc biệt, Việt Nam sẽ cùng các nhà lãnh đạo GMS thông qua Chiến lược đổi mới cho sự phát triển GMS đến năm 2030, nhằm tăng cường hiệu quả hợp tác hơn, vì mục tiêu khu vực tiểu vùng Mekong phát triển bền vững.
Nhân dịp này, Thủ tướng cũng tham dự Hội nghị cấp cao chiến lược hợp tác kinh tế Ayeyawady-Chao Phraya-Mekong lần thứ 10 (ACMECS 10); Hội nghị cấp cao hợp tác Campuchia-Lào-Myanmar-Việt Nam lần thứ 11 (CLMV 11). Đây là dịp để Thủ tướng Việt Nam cùng các nhà lãnh đạo các nước cùng nhau thảo luận, thúc đẩy hợp tác song phương, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, mở rộng cơ hội việc làm và thu hẹp khoảng cách thu nhập giữa các quốc gia.