Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Là xã vùng sâu của huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk, Cư Drăm là vùng đất có địa hình, điều kiện tự nhiên không thuận lợi. Nhưng chính quyền và người dân nơi đây đã biến những bất lợi đó thành lợi thế để phát triển kinh tế. Với sự hỗ trợ vốn từ ngân hàng chính sách, người dân xã Cư Drăm đã tích cực chuyển đổi cây trồng để nâng cao hiệu quả kinh tế.
Nhiều triền đồi dốc đầy đá sỏi ở Cư Drăm đang được phủ xanh bởi các vườn dứa ở nhiều độ tuổi khác nhau. Ảnh: VOV |
Nhanh tay thu hoạch những quả dứa to, tròn, chắc nịch để chở ra cho thương lái, chị Trần Thị Lan, ở thôn 2, xã Cư Drăm, huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk cho biết gần 4 năm qua, cây dứa trở thành cây trồng chủ lực đem lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình chị.
Từ 12 ha đất sản xuất trước đây chỉ độc canh cây cà phê, cách đây 5 năm, chị Lan đã vay 50 triệu đồng (2.100 USD) từ ngân hàng chính sách xã hội huyện Krông Bông để chuyển sang trồng 7ha dứa mật giống Cayenne.
Sau năm đầu tiên, chị đã thu về gần 300 triệu đồng (gần 13.000 USD). Trồng dứa có hiệu quả, chị dần trả hết nợ và tiếp tục vay thêm vốn để chuyển đổi 5ha đất còn lại sang trồng dứa: "Trước đây, tôi trồng cây cà phê. Sau đó, cây cà phê chăm sóc nhiều công quá nên tôi chuyển sang cây dứa. So với cây khác thì cây dứa ít công, ít vốn hơn, phân gio ít hơn, hiệu quả mang lại cao hơn cây cà phê. Tôi vay Ngân hàng chính sách với lãi suất thấp để đầu tư trồng dứa.”
Ở xã Cư Drăm, nhiều triền đồi dốc đầy đá sỏi đang được phủ xanh bởi các vườn dứa. Lo ngại về đầu ra sản phẩm khi diện tích tăng nhanh, dẫn đến tình trạng được mùa, rớt giá, người dân địa phương đã nghĩ đến hướng chăm sóc để dứa cho thu hoạch nhiều vụ nhằm giữ giá cả ổn định. Chị Nguyễn Thị Kim Yến, ở thôn 2, xã Cư Drăm, cho biết: “Ở đây chủ yếu là trồng dứa vì thấy phù hợp hơn tất cả các cây khác. Trồng dứa này đơn giản, cây dứa cũng dễ phát triển. Ở Cư Drăm rất nhiều dứa, cho nên bắt buộc phải cho ra trái vụ. Mình phải chia vụ ra, mỗi lần mình làm ít thì mình bán được nhiều lần hơn, giá sẽ tốt hơn.
Vay vốn để chăn nuôi bò sinh sản cũng là hướng chuyển đổi kinh tế tại huyện vùng sâu Krông Bông. Ảnh: VOV |
Cùng với cây dứa, người dân ở xã Cư Drăm phát triển thêm nhiều loại cây trồng khác phù hợp với thổ nhưỡng, như: keo lai, điều, cây ăn quả, đồng thời phát triển chăn nuôi dưới tán rừng. Theo thống kê, xã Cư Drăm hiện có hơn 700 ha cây keo lai, 800 ha dứa đồi, 120 ha cây ăn quả như sầu riêng, vải thiều, nhãn lồng, cam, quýt,…
Là địa bàn vùng sâu với hơn 2.000 hộ, trên 10.000 nhân khẩu, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm hơn 80%, xã Cư Drăm được bố trí nhiều nguồn lực để hỗ trợ phát triển sản xuất. Trong đó, nguồn vốn vay ưu đãi từ ngân hàng chính sách xã hội là kênh vốn được nhiều người dân lựa chọn sử dụng vì lãi suất thấp, thủ tục đơn giản, dễ tiếp cận. Ông Trần Đức Ánh, tổ trưởng tổ vay vốn thôn 2, xã Cư Drăm cho biết: “Tổ thôn 2 thì có 52 hộ vay và hiện tại dư nợ là 2 tỷ (86 nghìn USD). Đối với địa bàn này thì họ thường vay về để chăn nuôi và trồng trọt. Các thành viên trong tổ đã sử dụng vốn vào đúng mục đích đi vay.”
Theo bà Nguyễn Thị Thanh Huyền, Phó giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Krông Bông, đến nay, dư nợ vay tại xã Cư Drăm là trên 30 tỷ đồng (khoảng 1,3 triệu USD), chủ yếu bà con đầu tư chăn nuôi bò sinh sản và trồng trọt.
Không chỉ tại xã Cư Drăm, nguồn vốn vay chính sách từ các chương trình cũng được phân bổ thông qua nhiều kênh cho vay tại huyện Krông Bông để người dân dễ dàng tiếp cận và sử dụng. Từ đó nâng cao hiệu quả đầu tư sản xuất, kinh doanh. Bà Nguyễn Thị Thanh Huyền cho biết: “Chúng tôi đang cho vay theo 12 chương trình, nhưng tập trung chủ yếu là 3 chương trình: hộ nghèo, hộ cận nghèo; hộ mới thoát nghèo và hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn. Việc đầu tư vốn thông qua tổ trưởng tổ vay vốn và các hội, đoàn thể. Người dân rất chịu khó nên họ sử dụng vốn đúng mục đích xin vay.”
Việc nhiều người dân ở xã vùng sâu Cư Drăm chủ động chuyển đổi cây trồng, vật nuôi kết hợp với việc sử dụng nguồn vốn vay ưu đãi của ngân hàng chính sách đã, đang mang lại hiệu quả trong phát triển kinh tế gia đình và góp phần phát triển kinh tế địa phương.