Tọa đàm với chủ đề “Nhà báo Phan Quang với báo chí cách mạng Việt Nam” vừa diễn ra tại Hà Nội. Sự kiện do Hội Nhà báo Việt Nam và Đài Tiếng nói Việt nam phối hợp tổ chức. Nhà báo Phan Quang, nguyên Thứ trưởng Bộ Thông tin; nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội; nguyên Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam; và từng nắm giữ nhiều trọng trách khác, là người đã có đóng góp to lớn đối với sự nhiệp báo chí cách mạng Việt Nam; cũng là một trong những nhà báo tiêu biểu hàng đầu qua lịch sử 70 năm xây dựng và phát triển Hội Nhà báo Việt Nam.
Tọa đàm tri ân những cống hiến của nhà báo Phan Quang với báo chí cách mạng Việt Nam. - Ảnh: Thái Minh/daibieunhandan.vn |
92 năm qua, dù ở cương vị nào, ông cũng luôn miệt mài lao động, sáng tạo, cống hiến bền bỉ. Ông đã viết hàng ngàn phóng sự điều tra, bút ký, tùy bút, truyện ngắn, truyện vừa, tản văn, chuyên luận, nghiên cứu, dịch thuật…
Phát biểu tại buổi tọa đàm, PGS - TS Nguyễn Thế Kỷ- Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Lý luận- phê bình nghệ thuật Trung ương bày tỏ: “Nhà báo, nhà văn Phan Quang đã kế thừa một cách sáng tạo sự nghiệp “khai sơn phá thạch” đài phát thanh quốc gia thành ngành phát thanh Việt Nam. Tiếp tục xây dựng và phát triển Đài Tiếng nói Việt Nam với cơ sở hạn tầng từng bước hiện đại. Đội ngũ phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên được đào tạo bài bản hơn, có trình độ tác nghiệp khá, giỏi và rất năng động. Đổi mới các hệ, kênh phát thanh của Đài, tạo đà cho các lãnh đạo Đài kế tiếp củng cố, phát triển hệ thống các kênh phát thanh quốc gia có tính chuyên biệt.”
Từ lúc cậu thanh niên Phan Quang Diêu (tên khai sinh của ông) rời ghế nhà trường ở làng Thượng Xá, bên bến sông Nhùng của đất Quảng Trị sỏi đá và nắng lửa, để bước vào con đường hoạt động báo chí cho đến lúc về hưu, như ông Phạm Quang Nghị - Nguyên Bí thư thành ủy Hà Nội nhấn mạnh trong cuộc tọa đàm: "Nhắc đến anh mọi người biết đến anh là một nhà báo Phan Quang. Đấy không phải là chức danh mà là nghề, là người, là nghiệp, là thiên chức anh đã mang trên vai suốt đời. Có lẽ đó cũng là lĩnh vực anh bắt đầu sớm nhất và thủy chung cho tới ngày hôm nay hơn 70 năm có lẻ. Anh viết 70 năm không nghỉ mà lại viết hay, viết tài, viết khỏe thì là rất hiếm. Trong bài viết về anh hôm nay tôi lại cũng dùng 2 chữ “thủy chung” để nói với anh về nghề báo. Chính sự tận tâm, chung thủy lao động hiến dâng hết mình đã đem lại cho anh niềm vinh quang để lại tên tuổi nhà báo Phan Quang đồng hành cùng với non sông đất nước. Tác giả Phan Quang với rất nhiều bài báo, truyện ngắn, bút ký, chuyên luận, tiểu luận… lĩnh vực nào, thời kỳ nào anh viết cũng đều hấp dẫn, gợi cho người đọc cảm xúc và suy tư…"
Nhà báo Phan Quang tại cuộc tọa đàm - Ảnh: TTXVN |
Cuộc tọa đàm có gần 20 bài tham luận về cuộc đời hoạt động báo chí của nhà báo Phan Quang như: “Phan Quang- sức sáng tạo thanh xuân” của nhà báo Hồ Quang Lợi, “Nhà báo Phan Quang- cây viết uyên bác, đa tài” của nhà báo Nguyễn Uyển, “Nhà báo Phan Quang và những bài học về nghề báo” của PGS TS Đặng Thị Thu Hương…
Theo Phó Giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Hồng Vinh thì để có sự nghiệp đáng nể trọng ấy thì ngay từ những ngày đầu cầm bút chàng thanh niên trẻ Phan Quang Diêu luôn ý thức được trách nhiệm của một người làm báo: "Với chiếc ba lô trên vai anh đã ra với các ngư dân ở tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, vào vùng giới tuyến biên giới Vĩnh Linh Quảng Trị phản ánh cuộc sống của người dân sống ở đôi bờ. Đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh ra miền Bắc, anh lại vào đường 9 Khe Sanh. Ngày hiệp định Pa-ri được ký kết ông được qua sông Bến Hải viết những bút ký xúc động về tình người ở đôi bờ tạm bị cắt chia… Rồi anh đi dọc các tỉnh Khu 5 dằng dặc khúc ruột miền Trung với những dòng tin, phóng sự ghi vội ở những điểm dừng chân phơi phới niềm vui chiến thắng khi đất nước hoàn toàn giải phóng. Những cuộc đoàn tụ đi liền với nỗi đau mất mát được Phan Quang ghi chép, miêu tả tràn đầy tính nhân văn và lạc quan cách mạng. Và như lời ông bộc bạch: “Tình nhà, tình nước thấm vào máu thịt tôi làm nên con người, con chữ không thể hờ hững trước sự hi sinh mất mát của con người…”. Cái tên Phan Quang ngày càng được nhiều người biết tới với những bài báo đầy nhuệ khí…"
Trong cuốn sách “Tác phẩm và Dư luận” của GS - Nhà giáo nhân dân Hà Minh Đức, gồm 35 bài viết của ông về một thế hệ vàng của nền báo chí, văn học cách mạng Việt Nam, trong đó nhà báo Phan Quang. GS - Nhà giáo nhân dân Hà Minh Đức đánh giá cao: “Nhà báo Phan Quang là con nước chảy giữa báo chí và văn chương: "Sự đóng góp, tìm tòi và những suy nghĩ của anh về chất lượng văn hóa, văn nghệ là hết sức lớn. Gọi anh là nhà báo vì anh viết mấy trăm bài báo, phóng sự có sức ảnh hưởng. Anh là nhà văn vì anh viết truyện ngắn, truyện vừa, bút ký, tản văn. Đặc biệt các bút ký anh viết về nước người rất hay. Anh là một dịch giả vì dịch nhiều. Các tác phẩm vô cũng chất lượng. Anh là nhà lý luận với những công trình nghiên cứu lý luận về một số ngành quan trọng. Anh làm nhiều nghề, biết nhiều ngành nhưng điều quan trọng là chất lượng như thế nào. Tôi cho rằng cái quan trọng nhất của anh Phan Quang là trí tuệ, là vốn hiểu biết, là nền văn hóa vững chắc. Điều đó đã giúp đỡ và nâng cao các hoạt động mà Phan Quang đã đảm trách."
Nhà báo Phan Quang đã có lần tâm sự “Báo chí và văn học là hai thể loại rạch ròi, nhưng là con cùng một mẹ, nghề báo, nghiệp văn luôn gắn bó với nhau, trong báo có văn và trong văn có báo…” Trong lĩnh vực văn chương, Phan Quang đã có không ít truyện ngắn, truyện vừa, truyện dài. Truyện ngắn “Lửa hồng” là tác phẩm đầu tiên được ông viết trong một đêm để kịp đăng trên báo Cứu Quốc Liên khi IV khi tròn 20 tuổi. Tiếp đó là các tác phẩm: “Chiếc khăn tang”, “Vô du khích”, “Đất rừng”… Mảng dịch thuật có “Nghìn lẻ một đêm” của Ả Rập (tái bản đến 40 lần), “Nghìn lẻ một ngày” của Ba Tư (tái bản 17 lần), một số truyện dân gian các châu lục …
Nhà thơ Trần Đăng Khoa- Phó chủ tịch Hội Nhà văn cho rằng nói tới Phan Quang mà không nhắc tới mảng sáng tác và dịch thuật thì sẽ là thiếu sót: "Ở mảng dịch thuật thì bác Phan Quang dịch “Nghìn lẻ một đêm”. Và cho tới tận bây giờ đã có mấy chục người dịch rồi, nhưng chưa có bản dịch nào vượt qua được Phan Quang. Một bản dịch nữa là “Những ngôi sao ban ngày” của Ôn-ga-béc-gôn. Đây là tập sách hơn 200 trang được xem là những áng thơ. Và nếu không có tài văn thì không thể nào chuyển ngữ được. Ở mảng sáng tác thì Phan Quang là người sáng tác rất sớm. Truyện “Lửa hồng” viết từ năm 1940. Khi ấy ông khoảng 20 tuổi. Truyện này rất khó viết, bởi nội dung không có gì để viết. Câu chuyện chỉ về một anh bộ đội đi công tác sớm và ghé qua bếp lửa của một nhà dân, nghỉ chân chốc lát rồi lại ra đi. Ở đây Phan Quang đã dựng được thành một truyện ngắn và mang đầy đủ những chất liệu để tạo thành một tác phẩm lớn. Nếu không có tài văn thì không thể viết nổi, đọc xong cứ bâng khuâng mãi. Bởi truyện đã làm sống dậy một thời kỳ lửa đạn đã đi qua…"
Cuộc đời làm nghề của Phan Quang có thể khái quát bằng mấy chữ “Nhà” tiêu biểu: nhà báo, nhà văn, nhà dịch giả, nhà văn hóa, nhà chính khách… Công chúng yêu mến Phan Quang và tác phẩm của ông ở cái tâm, cái tầm, cái tài, sự lao động bền bỉ, nghiêm túc, sáng tạo và cả sự khiêm nhường của một cây bút tài hoa