Bà Rịa-Vũng Tàu 30 năm hình thành và phát triển – Tầm nhìn và cơ hội mới

Chia sẻ
(VOV5) - Bà Rịa Vũng Tàu phấn đấu đến năm 2025 trở thành địa phương đứng trong top đầu cả nước về Chỉ số Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP).

Năm 2021 đánh dấu chặng đường 30 năm tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu hình thành và phát triển (8/1991-8/2021). Những năm qua, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu luôn duy trì đà phát triển, khẳng định vai trò là một cực tăng trưởng quan trọng của cả nước. Trong giai đoạn phát triển mới, Bà Rịa-Vũng Tàu tiếp tục định hướng trở thành tỉnh mạnh về công nghiệp, cảng biển, du lịch và nông nghiệp công nghệ cao, phấn đấu đến năm 2025 trở thành địa phương đứng trong top đầu cả nước về Chỉ số Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP).

Nghe âm thanh bài viết tại đây: 
 Vượt qua nhiều khó khăn của những ngày đầu thành lập, bằng những quyết sách kịp thời, sự năng động sáng tạo, với tinh thần đổi mới, đoàn kết của chính quyền và nhân dân, 30 năm qua, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã vươn lên trong tất cả các lĩnh vực, giành được những thành tựu to lớn, tăng trưởng không ngừng về quy mô kinh tế, giữ vị thế quan trọng trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Ông Trần Văn Khánh, nguyên Bí thư tỉnh ủy tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, chia sẻ: "Cán bộ lãnh đạo và người dân đều rất mừng khi thành lập tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu và đoàn kết cùng nhau với mong ước xây dựng tỉnh phát triển thật tốt."

Được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn, chiếm tỷ trọng hơn 58% trong cơ cấu kinh tế của Bà Rịa – Vũng Tàu, trong 30 năm qua, ngành công nghiệp có bước phát triển nhanh, tạo được nhiều sản phẩm mới giá trị cao. Tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu luôn thực hiện nhất quán quan điểm phát triển công nghiệp theo chiều sâu, có chọn lọc. Nhờ đó, công nghiệp tiếp tục duy trì vai trò là ngành động lực, đóng góp lớn nhất trong cơ cấu kinh tế, từng bước đưa Bà Rịa – Vũng Tàu trở thành tỉnh kiểu mẫu về phát triển công nghiệp gắn với bảo vệ môi trường.

Bà Rịa-Vũng Tàu 30 năm hình thành và phát triển – Tầm nhìn và cơ hội mới - ảnh 1Diện mạo TP Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu
ngày càng văn minh, hiện đại

Qua hơn 30 năm thu hút đầu tư FDI, lũy kế đến nay tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu có 429 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 29,4 tỷ USD. Các dự án này thường có quy mô và suất đầu tư lớn, ít thâm dụng lao động, tập trung chính vào các lĩnh vực du lịch, cảng biển, sản xuất công nghiệp chất lượng cao. Trong 8 tháng đầu năm 2021, Tỉnh đã thu hút mới được 17 dự án FDI với tổng vốn đăng ký 216,9 triệu USD.

Tỉnh đẩy mạnh thu hút đầu tư, chú trọng các dự án có quy mô lớn, đồng thời ưu tiên thu hút phát triển các lĩnh vực công nghệ cao. Nhờ đó, đến nay nhiều tập đoàn kinh tế, công nghiệp lớn trên thế giới, như: Kyoei, Nippon, Sumitomo, Itochu, Mitsubishi, Posco, ACDL, CJ, Lotte, BP, SCG, Hyosung... đều đã có mặt tại đây.

Hiện, quy hoạch, không gian các Khu công nghiệp được điều chỉnh phù hợp với mục tiêu phát triển ngành công nghiệp của tỉnh, trong đó các Khu công nghiệp được điều chỉnh cho phù hợp với xu thế phát triển, hoàn thiện hạ tầng và thu hút được nhiều dự án công nghệ hiện đại, năng lượng sạch, thân thiện với môi trường. Ông Lê Văn Dỹ, nguyên Bí thư tỉnh ủy tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, cho biết:

"Tôi cho rằng việc xác định được cơ cấu kinh tế-xã hội của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu gắn với khu vực trọng điểm phía Nam là hết sức quan trọng. Cho nên qua từng năm, từng kỳ Đại hội Đảng bộ, tỉnh đã xây dựng phát triển tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu."

Bà Rịa-Vũng Tàu 30 năm hình thành và phát triển – Tầm nhìn và cơ hội mới - ảnh 2Bà Rịa - Vũng Tàu thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp phát triển. Ảnh minh họa/ Báo đầu tư

Cùng với đó, định hướng làm giàu từ cảng biển và dịch vụ hậu cảng trong tương lai có thể thay thế lợi ích từ khai thác dầu khí cũng đang phát triển mạnh mẽ. Tính đến nay, toàn tỉnh có 47 cảng đang hoạt động với tổng công suất khoảng 137,4 triệu tấn/năm. Để có nền kinh tế phát triển bền vững, Bà Rịa-Vũng Tàu tập trung đẩy mạnh 4 trụ cột kinh tế là công nghiệp, cảng biển, du lịch và nông nghiệp công nghệ cao. Trong đó, du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, phát triển theo hướng bền vững, chất lượng cao. Tăng trưởng du lịch tác động tích cực đến phát triển kinh tế - xã hội, tới nhiều ngành khác.

Ông Nguyễn Tuấn Minh, nguyên Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, nhấn mạnh: "Sự đồng tâm hiệp lực, sự nhất trí, quyết tâm của hệ thống chính trị, sự đồng thuận của nhân dân đó là yếu tố quyết định sự thành công; quyết định sự tăng trưởng liên tục, phát triển mạnh mẽ của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu trong 30 năm qua.

Năm 2020, GRDP bình quân đầu người của BR-VT đạt 11.375 USD/ người, gấp 12 lần so với năm 1992 (968USD/người). Từ khoảng năm 2000 đến nay, Bà Rịa - Vũng Tàu luôn giữ vị trí là địa phương có Chỉ số Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân đầu người cao nhất cả nước (tính cả dầu khí và không tính dầu khí). Cùng với đó, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã đạt những thành tựu to lớn về giảm nghèo. Đầu năm 2001, BR-VT có hơn 15.000 hộ nghèo chiếm tỷ lệ gần 9% trên tổng số hộ dân nhưng đến cuối năm 2020 toàn tỉnh còn hơn 2.000 hộ nghèo, hộ cận nghèo. Đồng thời, tỉnh cũng đẩy mạnh hoàn thiện mạng lưới cơ sở y tế; chất lượng khám, chữa bệnh từng bước được nâng lên.

Ông Nguyễn Hồng Lĩnh, nguyên Bí thư tỉnh ủy tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, nhấn mạnh: "Bên cạnh phát triển kinh tế, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu tiếp tục phát triển 12 vấn đề quan trọng để nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Chất lượng cuộc sống người dân không chỉ là thu nhập bình quân đầu người; thu nhập của các hộ nghèo; mà chúng ta phải cung cấp những dịch vụ tốt nhất để cuộc sống của người dân được nâng cao hơn.

Những thành quả đạt được trong nhiệm kỳ vừa qua tạo thêm thế và lực mới, mở ra thời cơ, vận hội mới để tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu phát triển đi lên. Với đà tăng trưởng sẵn có và những thế mạnh của địa phương, tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu sẽ có những bứt phá trong thời gian tới.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu