Tiếng núi – những suy tư của buổi xế chiều

Hà Thu
Chia sẻ
(VOV5) - Đặc trưng trong sáng tác của Kawabata Yasunari nằm ở những mỹ cảm đậm đà văn hóa Nhật Bản. 

Tiểu thuyết “Tiếng núi” - một trong những tác phẩm tiêu biểu của Kawabata Yasunari, được đánh giá là một tác phẩm đỉnh cao của nền văn học Nhật Bản sau Thế chiến thứ hai.

Xoay quanh những ẩn ức của một người đàn ông tới tuổi xế chiều về sự sống - cái chết, những nuối tiếc muộn màng trước cuộc đời đang dần rơi rụng, Kawabata đã dùng những mỹ cảm tinh tế để vẽ nên một bức tranh gia đình đậm chất Nhật. Cuốn sách nhanh chóng nhận được nhiều giải thưởng quan trọng, trong đó phải kể đến Giải thưởng văn học Noma vào năm 1954, Giải thưởng Sách Mỹ hạng mục Văn học dịch năm 1970.

Tiếng núi – những suy tư của buổi xế chiều - ảnh 1

Kawabata Yasunari bắt đầu sáng tác thơ và truyện ngắn từ rất sớm, khi ông mới chỉ là một học sinh trung học. Nhưng phải đến sau Thế chiến thứ hai, sự nghiệp sáng tác tiểu thuyết của ông mới nở rộ. “Tiếng núi” là tiểu thuyết ra đời vào giai đoạn này.

Bản thân Kawabata có một tuổi thơ cơ cực và cô đơn, mới lên hai đã mồ côi, lên bảy thì bà ngoại qua đời, lên chín thì mất chị. Chính vì vậy, các tác phẩm của ông thường tràn ngập nỗi u buồn và suy tư hiện sinh. “Tiếng núi” phản ánh cuộc sống của người Nhật hậu chiến và những suy tư của con người ở tuổi xế chiều. Nhân vật chính của tiểu thuyết là một người đàn ông ngoài sáu mươi tuổi, có tên Shingo. Tuổi già đã chạm đến cửa nhà, lẩn khuất trong cuộc sống thường nhật của Shingo, chực chờ nhắc nhở ông về cái chết.

Cái chết hiện hữu giữa vùng ký ức rơi rụng

Bước vào tuổi xế chiều, Shingo, một người đàn ông ngoài sáu mươi chống chếnh trước chứng sa sút trí tuệ. Chứng bệnh đãng trí len lỏi vào cuộc sống thường nhật, trùm lên đời sống của ông một màu ảm đạm.

Cái chết bỗng dưng chạm mặt ông lão nhiều hơn. Tin tức về tang ma báo tới ông hình như nhiều hơn trước. Không chỉ ban ngày, đến cả trong cơn mơ, những người đã mất cũng hiện về trò chuyện với Shingo, khiến ông lão không khỏi tự hỏi liệu đây có phải những dấu hiệu cho thấy cái chết đang đến gần với số phận mình.

Và tiếng núi là một trong những dấu hiệu rõ ràng nhất với ông. Trong những đêm thao thức khó vào giấc, bên cạnh người vợ đã say ngủ từ lâu, Shingo nghe thấy “tiếng núi”. Một tiếng động “như thể sương đêm đang rơi từ phiến lá này xuống phiến lá khác”, “giống như tiếng gió ở xa, nhưng lại mang một sức mạnh ngầm, sâu thẳm tựa như tiếng đất rền”. Tiếng động ấy, “tiếng núi” ấy bao bọc lấy Shingo bằng nỗi sợ khi ông nghĩ rằng tiếng động ấy mách cho ông biết về ngày tận số của mình.

Sự sụp đổ của trật tự gia đình

Văn hóa sống của người Nhật cũng là một chủ đề mà Kawabata khai thác rất sâu. Trong tiểu thuyết “Tiếng núi”, người đọc có thể cảm nhận rõ nét văn hoá ấy trong một gia đình người Nhật nhưng ở trong một bối cảnh đặc biệt hơn: khi trụ cột gia đình dần trở thành cây cao bóng cả, còn lớp con trẻ nay đã trưởng thành và mang đầy những ưu phiền của cuộc đời.

Shingo lần lượt xem xét lại mọi mối quan hệ của mình với các thành viên khác trong gia đình và suy sụp vì những điều ông nhận ra: cuộc hôn nhân kéo dài hơn ba mươi năm luôn làm ông hối hận, đoạn tình cảm với người chị gái đã mất của vợ mình nay bỗng trỗi dậy, sự xa cách và thiếu cảm thông với chính con gái ruột và nỗi niềm tự trách bản thân vì nỗi bất hạnh của người con dâu khi con trai ông ngoại tình. Trật tự gia đình của ông lão lục tuần dần sụp đổ.

Trong khi lần về những ký ức xưa cũ, thay vì ôm ấp những mộng tưởng dĩ vãng hay tiếp tục kết án bản thân vì những lỗi lầm và buông bỏ tương lai của gia đình mình, Shingo tìm về bản chất của mọi sự và ở cái tuổi xế chiều, ông dần học cách chấp nhận gia đình mình, cuối cùng là chấp nhận bản thân.

Nhưng đoạn kết của Shingo có vẻ không được êm đềm cho lắm. Thế giới chung quanh ông, được tuần tự hé lộ theo thời gian của tiểu thuyết, cứ dần dà sụp đổ, bởi những đổi thay của hoàn cảnh cũng có, nhưng chủ yếu là bởi những mâu thuẫn ngấm ngầm đã bị che giấu bấy lâu nay.

Dư âm của chiến tranh

Kawabata khởi thảo cuốn sách vào năm 1949, tức là bốn năm sau khi Thế chiến thứ hai kết thúc với sự thảm bại của Nhật Bản, để lại cho người Nhật nỗi ê chề cay đắng cùng sự sụp đổ của nhiều giá trị. Chiến tranh không được đề cập trực tiếp trong Tiếng núi, nhưng những dấu vết của nó, cái bóng nó hắt xuống đời sống thời bình thì chẳng thể rõ hơn.

Chiến tranh chạm đến Shingo cận kề nhất là qua anh con trai Shuichi. Tác giả không kể nhiều về quá khứ của nhân vật này, chỉ biết anh đã từng đi lính. Những chấn thương tinh thần của nhân vật này được hé lộ rải rác và rất khéo trong sách. Chiến tranh vừa khiến Shuichi thực tế hơn, vừa khiến anh trở nên nghiệt ngã, theo một lối mà con người thuộc thế hệ cũ như Shingo, với ký ức về vinh quang từ cuộc chiến Nga Nhật, thì không thể hiểu được.

Sự tự hủy hoại của Shuichi, và của người con rể Aihara, chính là phản chiếu trung thực những bệnh hoạn trong tâm hồn của người Nhật sau Thế chiến thứ hai. Shuichi bảo cha mình: “Biết đâu đã có một cuộc chiến mới đang đeo bám chúng ta trong hiện tại, và biết đâu cuộc chiến cũ trong chúng ta vẫn đang đeo bám chúng ta như những hồn ma.”

Cái đẹp thuần khiết

Ông lão Shingo còn có một cuộc chiến đã đeo đẳng từ thủa thanh niên: tình yêu với người chị dâu xinh đẹp nhưng đoản mệnh. Người chị dâu phảng phất trong cuốn sách như một hồn ma, một điểm mốc trong quá khứ là nguyên nhân cho mọi hành động trong đời Shingo, và bởi vậy cũng là nguyên nhân cho khúc mắc của ông trong hiện tại. Ta không hề biết tên của người chị dâu, cũng như tên người anh rể, chỉ biết họ thuộc một thế giới tót vời, không thể chạm đến.

Cuộc đời Shingo là hành trình không ngừng tìm kiếm trở lại hình bóng người chị dâu đã khuất. Rõ hơn cả, mà bất cứ độc giả nào cũng có thể nhận ra, đấy là mối quan hệ giữa Shingo và người con dâu Kikuko. Cha chồng và con dâu dường như gắn bó với nhau một cách vô cùng khắng khít. Ông không ngừng nhìn cô con dâu như một hình ảnh trong sáng, ngây thơ, một cái đẹp chưa từng bị vẩn đục, cái đẹp đã một đi không trở lại trong cuộc đời ông.

Đặc trưng trong sáng tác của Kawabata Yasunari nằm ở những mỹ cảm đậm đà văn hóa Nhật Bản. Có thể nói nét đẹp của văn hoá Nhật đã thấm đượm trong từng câu chữ trong tiểu thuyết của Kawabata, đem đến cho người đọc những xúc cảm đẹp đẽ và tinh tế nhất. Không nằm ngoài nét đặc trưng ấy, tiểu thuyết “Tiếng núi” cũng mang vẻ đẹp tĩnh tại bên ngoài, ẩn chứa những cảm xúc hiện sinh cuộn trào bên trong. 

Kawabata Yasunari (1899 - 1972) là một trong những tác gia lớn nhất của văn học Nhật Bản thế kỷ XX. Nhận giải Nobel Văn học năm 1968, ông là nhà văn Nhật Bản đầu tiên và là người châu Á thứ ba nhận được giải thưởng cao quý này.

Các tác phẩm của Kawabata đã được Nhã Nam xuất bản tại Việt Nam: Hồ; Những người đẹp say ngủ; Đẹp và buồn.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu