Nghe âm thanh bài viết tại đây qua giọng đọc PTV Hải Yến:
|
Thăng Long Hà Nội qua những trang viết
Cuốn sách mới nhất về Hà Nội “Thăng Long Kinh Kì – Kẻ Chợ: Hà Nội thời cận đại” vừa ra mắt, khép lại bộ Thăng Long Kinh Kì – Kẻ Chợ gồm ba tập, khắc họa bức tranh Hà Nội xuyên suốt từ thời Lê – Trịnh, thời Tây Sơn và nhà Nguyễn, cho đến thời Cận đại – dưới ách đô hộ của thực dân Pháp.
Với lối viết ngắn gọn, đặc tả các sự kiện hoặc nhân vật lịch sử gắn với Thăng Long – Hà Nội trong giai đoạn từ thế kỉ XVI - đầu thế kỉ XX, bộ sách đã góp phần phục dựng hình ảnh Thăng Long – Hà Nội với những nét giao thoa tinh tế giữa chất kinh kì và chất Kẻ Chợ. Những bức tranh sống động, về văn hóa - phong tục - lịch sử - con người Hà Nội xưa, được thể hiện qua các khía cạnh đời sống xã hội và dân sinh theo biến thiên của thời cuộc.
“Bắc Kỳ – Phong cảnh và ấn tượng” là cuốn bút kí đượm chất thơ, ghi lại hình ảnh miền Bắc Việt Nam những năm 40 của thế kỉ XX dưới góc nhìn của một cô gái người Pháp.
Cuốn sách đưa người đọc quay trở lại Bắc Kỳ cách nay gần một thế kỷ, đắm chìm trong những âm thanh đặc trưng của công việc lao động, đêm tối, tiếng động, tiếng ru hời; và tìm hiểu tâm lí, phong tục, tín ngưỡng, cách ăn chốn ở của người dân Hà Nội nói riêng và xứ Bắc Kỳ nói chung.
Những trang viết đượm chất thơ và giàu xúc cảm của tác giả Hilda Arnhold giúp độc giả khám phá và cảm nhận “chất” Bắc Kỳ đầu thế kỉ XX với hình ảnh, âm thanh, mùi hương đầy tinh tế.
“Chuyện cũ Hà Nội” là tập kí sự về Hà Nội của nhà văn Tô Hoài: “Tôi sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, mọi chuyện chính yếu của đời tôi đều xảy ra ở nơi này và tôi viết bằng hồi ức về Hà Nội xưa cũ, tuổi trẻ của mình. ‘Chuyện cũ Hà Nội’ tôi viết từ năm lên mười tới lúc già.”. Trong tác phẩm, sự hiểu biết của Tô Hoài về Hà Nội thời Pháp thuộc rất phong phú, đặc biệt, sự quan sát tinh tế, văn chương hóm hỉnh, các mẩu chuyện trong tác phẩm như một bức kí hoạ về một con người, một hoàn cảnh... khiến người đọc rung động vì những tình cảm chân thành, nhân hậu.
“Hà Nội băm sáu phố phường” của Thạch Lam là một trong những cuốn sách nổi tiếng nhất viết về Hà Nội, đặc biệt là nghệ thuật ẩm thực của người Hà Nội. Thạch Lam đã đặt vào cuốn sách tình yêu của ông với đất kinh kỳ và dẫn dắt người đọc bước vào hành trình hiểu và yêu mảnh đất này.
Hà Nội trong những bức ảnh và tranh vẽ
Từ những trang viết, độc giả có thể chuyển sang ngắm nhìn những bức tranh kí họa về một trong những đặc sản văn hóa không thể trộn lẫn của Hà Nội thông qua cuốn sách “Hàng rong và tiếng rao hàng Hà Nội”.
Cuốn sách tựa như một bộ sưu tập, một cuốn album sống động và giá trị với những bức kí họa và tranh màu nước về Hà Nội đầu thế kỉ XX, với những hình ảnh thường ngày quen thuộc, nhưng vô cùng độc đáo: những gánh hàng rong, những tiếng rao ê a đầy nhịp điệu. Cuốn sách dẫn dắt người đọc bước vào chuyến hành trình tìm hiểu quá khứ, được thể hiện tài tình qua những bức ảnh, những nét kí họa của các họa sĩ hàng đầu Đông Dương như Tô Ngọc Vân, Lê Phổ, Lưu Văn Đệ, Mai Trung Thứ...
Ấn tượng Hà Nội – Từ kí họa những công trình thời Pháp tuyển chọn gần 150 bức tranh minh họa độc đáo bằng nhiều chất liệu khác nhau của các tác giả, kiến trúc sư, họa sĩ chuyên và không chuyên có chung một tình yêu nồng nàn với Hà Nội.
Không chỉ thế, cuốn sách còn ghi chép lại những nghiên cứu, khảo cứu của nhiều giáo sư, tiến sĩ, kiến trúc sư và những chuyên gia, học giả hàng đầu Việt Nam về một giai đoạn lịch sử của Hà Nội gắn liền với những công trình kiến trúc thời Pháp. Cuốn sách là tác phẩm của Kí hoạ đô thị Hà Nội (Urban Sketchers Hanoi) - nhóm tác giả được trao tặng giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội năm 2019.
“Hà Nội ngàn năm kí ức” là cuốn sách pop-up 3D thú vị về Hà Nội. 11 danh lam thắng cảnh của thủ đô mến yêu, những di tích đã trở thành biểu tượng của Hà Nội sẽ được tái hiện trong cuốn sách qua nghệ thuật pop-up dựng hình 3D độc đáo, mang tới cho bạn đọc những trải nghiệm hình ảnh vô cùng sống động.