Trường Pháp ở Việt Nam 1945-1975: Từ sứ mạng khai hóa đến ngoại giao văn hóa

Thu Hồng
Chia sẻ
(VOV5) - Đây là một trong hai tác phẩm của Nguyễn Thụy Phương vừa nhận được giải Sách hay 2022.
Nghe âm thanh bài viết tại đây qua giọng đọc PTV Thành Tuấn:

Trường Pháp ở Việt Nam 1945-1975: Từ sứ mạng khai hóa đến ngoại giao văn hóa - ảnh 1

Tác phẩm “Trường Pháp ở Việt Nam 1945-1975: Từ sứ mạng khai hóa đến ngoại giao văn hóa bắt nguồn từ luận án Tiến sĩ của tác giả Nguyễn Thụy Phương, Tiến sĩ Giáo dục học, hiện đang sống và làm việc tại Pháp. Tác phẩm đã làm sống lại thiên truyện về nền giáo dục Pháp tại Việt Nam trong ba thập niên bản lề của lịch sử đất nước, 1945-1975.

Nhân dịp ra mắt tác phẩm Trường Pháp ở Việt Nam 1945-1975, Viện Pháp tại Hà Nội và Công ty Cổ phần sách Omega Việt Nam (Omega Plus Books) tổ chức tọa đàm “Trường Pháp ở Việt Nam 1945-1975: Từ sứ mạng khai hóa đến ngoại giao văn hóa” vào sáng 8/10 tại Hà Nội. Sự kiện có sự tham gia của các diễn giả: tác giả Nguyễn Thụy Phương, ông Arnaud Pannier, tùy viên hợp tác giáo dục, Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam, Tiến sĩ, nhà phê bình văn học Mai Anh Tuấn.

Công trình của Tiến sĩ Nguyễn Thụy Phương đã làm sáng tỏ những số phận, những tuổi thơ, những khám phá và những phát kiến mới về bản sắc, và cả những lập trường phức tạp, thường trái chiều, so với những gì mà độc giả có thể mong đợi. Một trong nhiều điểm giá trị trong công trình đầy sức thuyết phục của Tiến sĩ Nguyễn Thụy Phương là soi tỏ những nẻo đường khác nhau của những ngôi trường này và rất nhiều ngôi trường khác bằng cách lồng nó vào bối cảnh đất nước bị chia cắt thành hai miền Nam - Bắc.

Trường Pháp ở Việt Nam 1945-1975: Từ sứ mạng khai hóa đến ngoại giao văn hóa - ảnh 2

Tại tọa đàm, khán giả được lắng nghe Tiến sĩ Nguyễn Thụy Phương chia sẻ về ý tưởng chính của cuốn sách, sự lựa chọn phạm vi 1945-1975 và những thách thức trong khi triển khai nghiên cứu; và phần chia sẻ của ông Arnaud Pannier về chính sách ngoại giao và chính trị của Pháp thông qua trường học, những kế thừa từ trường Pháp tại Việt Nam giai đoạn 1945-1975 và hoạt động của các trường Pháp tại Việt Nam từ sau năm 1975, đặc biệt là hiện nay.

Những chủ đề tiêu biểu được thảo luận trong tọa đàm về: Vấn đề “ngoại giao văn hoá” là gì? Bối cảnh và điều kiện nào để giáo dục Pháp có thể đảm nhận vai trò, sứ mệnh đó? Những chia sẻ về di sản của giáo dục Pháp tại Việt Nam trước và sau năm 1945 và ảnh hưởng cho đến ngày nay. Đồng thời, cũng có những chia sẻ về phương pháp tiếp cận lịch sử với những “ký ức thông qua lời kể” của Tiến sũ Nguyễn Thuỵ Phương, về quá trình giải thuộc địa ở Việt Nam và sự trỗi dậy của cảm thức “hoài nhớ” văn hoá Pháp, giáo dục Pháp trước 1945.

Là tiến sĩ Giáo dục tại Đại học Paris Descartes năm 2013, chuyên về lịch sử giai đoạn thực dân văn hóa, giáo dục thuộc địa và hậu thuộc địa, Tiến sĩ Nguyễn Thụy Phương đồng thời cũng là phó giám đốc Mạng lưới Giáo dục (EduNet), giám đốc Vietnam Education Symposium, thuộc Tổ chức Khoa học và Chuyên gia Việt Nam Toàn cầu (AVSE Global) và là chuyên gia tư vấn, thẩm định và hợp tác các dự án trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo tại Pháp.

“Trường Pháp ở Việt Nam 1945-1975: Từ sứ mạng khai hóa đến ngoại giao văn hóa” và “Giáo dục Việt Nam dưới thời thuộc địa – Huyền thoại đỏ và huyền thoại đen” của Tiến sĩ Nguyễn Thuỵ Phương là hai tác phẩm vừa nhận được giải Sách hay 2022, hạng mục Phát hiện mới, do Viện Giáo dục IRED, Dự án Khuyến đọc Sách hay và Sáng kiến OpenEdu công bố. 

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu