Phục trang truyền thống: Sợi dây nối liền quá khứ và tương lai

Chia sẻ
(VOV5) - Với đam mê và sự sáng tạo của những nhà thiết kế trẻ, những bộ trang phục truyền thống của hàng trăm năm trước đã được hồi sinh. 

Trong sự phát triển mạnh mẽ của internet và hội nhập quốc tế, vẫn có không ít bạn trẻ luôn giữ đam mê với những giá trị truyền thống của dân tộc Việt Nam, như các bộ trang phục truyền thống. Qua tìm tòi nghiên cứu và đôi bàn tay tài hoa, những chiếc áo dài, áo viên lĩnh, giao lĩnh, nhật bình của thế hệ cha ông với nhiều màu sắc, họa tiết, hoa văn tinh xảo... đã được các bạn trẻ hồi sinh trong xã hội đương đại.

Nguyễn Đức Lộc, chàng trai có niềm say mê tìm hiểu văn hóa nghệ thuật truyền thống, phục dựng trang phục xưa, đồng thời là nhà sáng lập công ty cổ phần Ỷ Vân Hiên, dựa trên nền tảng nghiên cứu các lĩnh vực nghệ thuật như âm nhạc, kiến trúc, điêu khắc, hội họa, trang phục, ẩm thực và các nghi lễ truyền thống trong cung đình cũng như trong dân gian, từ đó phục dựng, nhằm phục vụ phổ quát cho du lịch và cộng đồng.

Phục trang truyền thống: Sợi dây nối liền quá khứ và tương lai - ảnh 1 Nguyễn Đức Lộc, chàng trai mê cổ phục Việt. -Ảnh: Ỷ Vân Hiên

Trong một năm qua, nhà thiết kế Nguyễn Đức Lộc đã thiết kế phục trang cho dự án phim cổ trang Phượng Khấu, thiết kế phục trang cho MV ca nhạc cho nhiều ca sỹ, tổ chức một triển lãm ảnh cưới cổ trang, bên cạnh đó là nhiều buổi workshop khác để chia sẻ thông tin, lan tỏa tình yêu, niềm đam mê cổ phục của mình với cộng đồng. Trên thị trường, thương hiệu “Ỷ Vân Hiên” do Đức Lộc thành lập có chỗ đứng khá vững chắc trong số những công ty chuyên thiết kế trang phục truyền thống.

Nguyễn Đức Lộc cho biết trong khoảng 2 năm trở lại đây, trang phục truyền thống đang trở thành xu hướng trong giới trẻ: "Rất mừng là hiện nay phong trào về cổ phục đã tạo ra một hiệu ứng nhất định, ảnh hưởng đến xã hội thông qua rất nhiều hoạt động và sản phẩm giải trí, thực sự đã tạo thành một xu hướng. Công chúng đã quan tâm tìm hiểu đến trang phục truyền thống nhiều hơn, nhất là các bạn trẻ."

Với những bạn trẻ đam mê trang phục truyền thống, không chỉ có hình tượng chiếc áo dài mà còn là một hệ thống nhiều loại trang phục khác nhau, mỗi triều đại phong kiến trong lịch sử thì lại có những loại trang phục không hề giống nhau. Nhà thiết kế Nguyễn Đức Lộc cho biết thêm: "Các cụ xưa dùng từ Hán “Quốc phục” không phải để chỉ riêng một loại trang phục nào, mà để chỉ chung toàn bộ hệ thống trang phục từ của Vua, Chúa từ trong cung đình đến bên ngoài, từ tiền triều đến nội cung, tức là toàn bộ hệ thống trang phục của quốc gia đó để so sánh với hệ thống trang phục của quốc gia khác."

Phục trang truyền thống: Sợi dây nối liền quá khứ và tương lai - ảnh 2  Trang phục áo Nhật Bình, dành cho các phi tần trong cung triều Nguyễn được Ỷ Vân Hiên phỏng dựng. - Ảnh: Ỷ Vân Hiên

Xuất phát từ Đại Việt Cổ phong, một nhóm trên facebook gồm những bạn trẻ yêu thích các vấn đề lịch sử, rất nhiều bạn trẻ khác đang say mê tìm hiểu và ứng dụng cổ trang cho các mẫu trang phục ngày nay. Trần Thị Trang và Nguyễn Thị Kiều Linh là những người như thế. Một người học Đại học Dược Hà Nội, một người học thiết kế thời trang, nhưng cùng chung đam mê trang phục truyền thống, 2 cô gái trẻ có ý định cùng nhau mở cửa hàng kinh doanh.

Ý tưởng ban đầu của cả 2 chỉ là tự làm những bộ trang phục cho mình, nhưng rồi được ủng hộ nhiều, nên quyết dành toàn bộ tâm huyết đam mê cho lĩnh vực này: "Ở bên Trung Quốc em thấy người ta rất phát triển về cổ trang, cổ phục. Mình cũng thích mặc những đồ đấy mà lúc đó thì chưa có bên nào làm. Thế là bọn em mon men nghiên cứu, tìm hiểu, thấy nhiều người ủng hộ nên bọn em có cú hích để phát triển đến giờ."

Năm 2018, tôi định may một cái áo Nhật Bình cho bản thân để đi chơi Tết và quyết định in màu lên vải. Tuy nhiên in sẽ tốn nhiều tiền nếu chỉ in một cái, vì vậy thừa ra 20 cái. Tôi đăng lên trang Đại Việt Cổ phong và nhanh chóng bán hết. Lúc đó thấy nhiều người mua và cùng sở thích, nên nảy ra suy nghĩ vậy tại sao mình không làm để kinh doanh.

Từ một, hai thành viên và nhóm khởi xướng, đến nay, trào lưu mặc trang phục truyền thống lan rộng, không chỉ các bạn trẻ mà những người lớn tuổi hơn cũng bắt đầu quan tâm và thử mặc: "Tôi nghĩ rằng những bộ trang phục truyền thống đẹp như thế này thì sẽ mặc vào những dịp như ngày lễ, tết, những dịp liên quan đến văn hóa, những ngày trọng đại của gia đình, đất nước. Tôi mặc thấy khá thoải mái và cũng thấy mình dịu dàng theo và cảm thấy mình như một con người mới.""Tôi nghĩ rằng những bộ trang phục truyền thống có thể mặc trong những dịp quan trọng. Tôi cũng mong là tính ứng dụng của những bộ trang phục này, để chúng tôi có thể mặc đi chơi hoặc trang phục hằng ngày."

Với đam mê và sự sáng tạo của những nhà thiết kế trẻ, những bộ trang phục truyền thống của hàng trăm năm trước đã được hồi sinh. Trào lưu mặc trang phục truyền thống đang được các bạn trẻ hưởng ứng để thêm hiểu, thêm yêu nét văn hóa đặc sắc của dân tộc Việt Nam.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu