Biên đạo múa, nghệ sĩ Tuyết Minh, tổng đạo diễn vở ballet Kiều. |
Lần đầu tiên truyện Kiều được thể hiện bằng ngôn ngữ ballet, nghệ thuật múa kinh điển, ở sân khấu Nhà hát Lớn thành phố Hồ Chí Minh ngày 20/6, và Nhà hát Lớn Hà Nội ngày 15/8 tới.
Chuyển thể và tổng đạo diễn cho vở ballet Kiều, là biên đạo múa, thạc sĩ Tuyết Minh, một trong những tên tuổi đáng kể của sân khấu múa Việt Nam hiện nay. Những vở diễn lớn do nghệ sĩ Tuyết Minh dàn dựng từ đầu những năm 200 như Carmen, Don Quyxote đều gây được tiếng vang. Nữ biên đạo tài năng này đã luôn theo con đường kiên trì sáng tạo tác phẩm múa Việt Nam mang văn hóa Việt, mang bản sắc Việt.
Biên đạo múa Tuyết Minh chuyển thể Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du từ năm 2018, được đầu tư sáng tác từ đầu năm 2019, và qua quá trình tập luyện của các nghệ sĩ Nhà hát Nhạc vũ kịch Thành phố Hồ Chí Minh, khi đến với khán giả, Kiều sẽ là vở diễn kết hợp được kỹ thuật nền tảng của ballet đương đại với nghệ thuật truyền thống Việt Nam. Nghệ sĩ Tuyết Minh chia sẻ với VOV5 về vở diễn đáng được kỳ vọng này.
Vở ballet Kiều đã ra đời như thế nào thưa chị?
Từ năm 2015 Tuyết Minh bắt đầu viết những cảnh đầu tiên của Kiều nhưng sau đó cảm thấy chưa hiểu hết được những thông điệp cụ Nguyễn Du đã dày công truyền tải, nên mình đã dừng lại và làm vở nhạc kịch Mỵ phỏng theo "Vợ chồng A Phủ" (của nhà văn Tô Hoài). Đến năm 2018 Tuyết Minh mới hoàn thiện kịch bản này. May mắn trong một trại sáng tác ở Nha Trang, khi trình bày kịch bản Kiều Tuyết Minh được sự ủng hộ rất cao của Hội nghệ sĩ Múa Việt Nam. Hội đặt hàng ballet Kiều để chào mừng và hướng tới Đại hội Hội nghệ sĩ múa Việt Nam vào tháng 7/2020. Vì vậy có một năm từ 2018 đến 2019 để Minh cùng với toàn bộ êkíp nghệ thuật (biên đạo múa Phúc Hùng, Phúc Hải, nhạc sĩ Việt Anh, nhạc sĩ Chinh Ba cùng với các anh chị em nghệ sĩ) chuẩn bị để ra mắt vở.
Các nghệ sĩ đang tập vở ballet Kiều. |
Những vở ballet thu hút khán giả đều có những đặc trưng riêng, thậm chí thành biểu tượng. Trong nghệ thuật biểu diễn của ballet Kiều, điều gì sẽ hấp dẫn khán giả?
Lúc đầu Tuyết Minh cùng với ê kíp cũng tìm rất nhiều thủ pháp, kể cả những thủ pháp kết hợp với công nghệ rất mới, nhưng cuối cùng đã lựa chọn hướng kết hợp những gì là bản sắc văn hóa, gần gũi nhất. Với ballet Kiều Tuyết Minh nhấn mạnh vào từng trường đoạn để tìm ra nét đặc sắc. Ví dụ trường đoạn Kiều bị rơi vào lầu xanh, Tuyết Minh đã nghiên cứu từ ngôn ngữ tuồng truyền thống Việt Nam, kể cả tính bạo liệt trong tuồng, để thổi hồn vào nhân vật Tú Bà, Sở Khanh. Khi nhân vật bước ra, mặc dù ngôn ngữ múa là kỹ thuật ballet, nhưng cách diễn phải chảy từ truyền thống của mình, từ nét mặt đến tư thế có những động tác đặc trưng, để khán giả khi xem chỉ cần thấy cách đi đấy, cách lấy tay vẹt mép nhai trầu ấy, sẽ nhận ra đấy là Tú Bà trong ballet Kiều.
Sự ngẫu hứng, thể hiện những nét tính cách nhân vật điển hình, thể hiện những trường đoạn bạo liệt, những cái rất đời thì ballet cổ điển Châu Âu không có như tuồng. Nên chính những nét đời ấy đưa vào ballet Kiều và mang ra thễ giới sẽ có sự đặc sắc riêng của Việt Nam.
Công nghệ hologram đưa vào đủ để truyền đạt thông điệp của vở múa. |
Hoặc hai đại cảnh mở đầu, kết thúc của vở, khi Kiều gặp hồn ma Đạm Tiên ở dưới đáy sông Tiền Đường. Ở thời đại công nghệ này, nếu sử dụng công nghệ quá nhiều thì nghệ thuật cổ điển sẽ bị nuốt mất, nhưng nếu biết tiết chế hợp lý, thì lại là yếu tố phụ trợ tuyệt vời, nên Tuyết Minh cùng ê kíp đã quyết định dùng công nghệ hologram cho vở diễn. Tuyết Minh yêu cầu diễn viên diễn vai Thúy Kiều và vai Đạm Tiên phải múa dưới nước, phải lặn xuống độ sâu để máy quay bắt được toàn hình. Khi quay xong, cảnh múa này được dàn dựng để trình chiếu theo công nghệ hologram ngay trên sân khấu. Kiều và Đạm Tiên diễn trên sân khấu sẽ tương tác trực tiếp, để tạo ra một cảnh ảo giữa cõi tâm linh với hình ảnh thật. Đấy sẽ là một trường đoạn rất đắt giá và ảo diệu.
Được biết là với ballet Kiều, ngoài tuồng thì chị và ê kip còn sử dụng cả âm nhạc của hát xẩm, ca trù nữa?
Âm nhạc là linh hồn của múa. Vì thế với ballet Kiều, Tuyết Minh và nhạc sĩ Việt Anh, nhạc sĩ Chinh Ba phải giải mã đầu tiên từ âm nhạc. Vì âm nhạc phải sống động với từng hoàn cảnh, đi theo từng biến cố trong suốt những chặng đường đời của Kiều, để bật lên tư tưởng của câu chuyện.
Tôi cũng nghĩ đến việc kết hợp quá nhiều vào trong một tác phẩm thì sẽ như thế nào, vì có thể nhiều thì người xem cũng sẽ cảm thấy lôi cuốn, không có thời gian để nghĩ, nhưng nếu nhiều quá lại thiếu đi sự tinh tế. Với những tác phẩm âm nhạc lớn như của Tchaicovxki hay Vivaldi…, người xem luôn cảm thấy màu âm nhạc rất tinh. Vì thế đây gần như sự đối thoại giữa một bên là những khúc thức, quy chuẩn đã có với một bên là phải sáng tạo, phải làm sao để có được tâm hồn, bản sắc của Việt Nam, mà hài hòa, mà thực sự hấp dẫn.
Ê kíp giải quyết vấn đề đó bằng cách nào?
Giữa những đại nhạc cảnh lớn, giữa những khúc thức rất quy chuẩn thì người nhạc sĩ phải biết cách để làm nổi lên được nét đặc sắc của nghệ thuật truyền thống. Ví dụ, nhạc sĩ Chinh Ba không chỉ là người viết nhạc, soạn nhạc cho tác phẩm, mà còn làm ca sĩ. Anh có một giọng hát giả nữ giả thanh rất cao. Trong những đoạn nhạc nối giữa các cảnh, những màn như bóng ma Đạm Tiên gặp Kiều, tiếng hát của Chinh Ba, dù chỉ phảng phất từ làn điệu ca trù, từ những câu lẩy Kiều, nhưng lại như một giọng vocal cao bay trên dàn nhạc giao hưởng, tạo được một cái một cảm giác khác về âm thanh rất hay, nhưng không xa rời cách phối khí giao hưởng, không làm mất đi sự tinh tế của dàn nhạc giao hưởng. Tất cả phần phối khí của nhạc sĩ Việt Anh theo khúc thức của giao hưởng. Chúng tôi và những người nhạc sĩ phải tìm cách để làm sao cho cách lẩy Kiều ấy, những giai điệu của ca trù đó ăn được vào dàn nhạc như là những giọng vocal lớn trong opera.
Vở ballet được chuyển thể, sáng tạo trong ý tưởng gần như sự đối thoại hài hòa, hấp dẫn giữa một bên là những khúc thức, quy chuẩn đã có của ballet cổ điển với một bên phải làm sao để có được tâm hồn, bản sắc của Việt Nam. |
Thực sự kỳ vọng rất nhiều, tuy nhiên đây là một tác phẩm mới. Đối với những tác phẩm ballet kinh điển người xem thấy hoàn thiện, vì nó đã trải qua hàng trăm năm, đã được sửa sang, bồi đắp và phần âm nhạc là những tác phẩm rất nổi tiếng rồi. Nhưng Tuyết Minh cũng kỳ vọng ballet Kiều sẽ xây dựng như vậy, cũng sẽ dần dần mỗi một thời kỳ lại tiếp tục phát triển thêm, sau tôi có những biên đạo khác tiếp tục làm dày thêm để vở diễn tinh tế hơn nữa, và có thể trở thành một vở ballet không chỉ của Việt Nam mà có thể đóng góp vào trong khu vực, như ASEAN chẳng hạn. Kỳ vọng còn ở phía trước, nhưng những nghệ sĩ chúng tôi, với kiến thức về nghệ thuật cổ điển châu Âu và kiến thức cũng như trách nhiệm với nghệ thuật truyền thống, sẽ cố gắng hết sức để nâng cao giá trị nghệ thuật truyền thống của Việt Nam.
Đã có nhiều tác phẩm sân khấu chuyển thể Truyện Kiều. Nhưng nếu những loại hình nghệ thuật khác còn có ngôn từ để thể hiện, thì múa lại chỉ có nghệ thuật chuyển động cơ thể và diễn xuất của diễn viên. Chị chọn một kiệt tác về ngôn ngữ tiếng Việt để chuyển thể sang ngôn ngữ ballet chắc chắn không hề dễ dàng?
Rất khó và áp lực. Khó nhất, là làm sao thoát được việc mô phỏng lại 15 năm lưu lạc của Kiều với bao nhiêu sự biến, cùng những tuyến nhân vật chính diện, phản diện đồ sộ, để thành một tác phẩm đẹp nhất mà ngôn ngữ múa có thể chuyển tải được? Cộng với áp lực bởi sự kỳ vọng của cả Hội nghề nghiệp, cũng như áp lực trước khán giả nữa. Vì khán giả đã quen với những tác phẩm ballet kinh điển, là tinh hoa của thế giới suốt bao nhiêu thế kỷ nay cả về âm nhạc, cả về vũ đạo. Chúng tôi mong muốn xây dựng một vở diễn mới, mang tâm hồn bản sắc của Việt Nam nhưng cũng phải đạt quy chuẩn thế giới, như phải được diễn tấu trên dàn nhạc giao hưởng lớn với những khúc thức riêng biệt của loại hình ballet cổ điển Châu Âu. Làm sao nghệ thuật của mình vừa tôn vinh được tác phẩm văn học lớn ấy nhưng lại phải đạt được những tiêu chuẩn nhất định của loại hình, cũng lại là một áp lực rất lớn.
Để giải mã những áp lực như thế, Tuyết Minh phải giải quyết từ khi xây dựng kịch bản. Múa là tổng hợp của các loại hình nghệ thuật biểu diễn, nên phải nghiên cứu để đưa được những cái đẹp nhất của các loại hình nghệ thuật khác phụ trợ, tương tác được nhiều nhất với nghệ thuật múa, và tôn vinh tính dân tộc lên. Từ khâu kịch bản tôi đã quyết định chọn trường đoạn đắt giá nhất, trường đoạn mở đầu và kết thúc, khi Kiều trầm mình xuống sông Tiền Đường, giữa sự sống và cái chết Kiều đã gặp hồn ma của Đạm Tiên. Không gian ấy, thời gian ấy sẽ bật lên điều Kiều muốn kể, là 15 năm truân chuyên lưu lạc, được hình dung qua bốn lần Kiều đánh đàn, với bốn cuộc gặp quan trọng nhất thể hiện toàn bộ những biến cố và những tính cách nhân vật điển hình nhất.
Lần thứ nhất Kiều gặp Kim Trọng, lần thứ hai là Kiều với Tú Bà với Mã Giám Sinh trong lầu xanh, lần thứ ba là Kiều gặp Thúc Sinh để dẫn đến cơn ghen của Hoạn Thư, và lần thứ tư là cuộc gặp giữa Kiều và Từ Hải. Tuyết Minh không mô tả Kiều đánh đàn mà mô tả là tiếng đàn đó, nghệ thuật đó ảnh hưởng đến tâm thế của con người như thế nào. Kiều gặp Đạm Tiên, không phải chỉ là gặp linh hồn của ca nương mà Kiều đồng cảm mà chính là gặp lại con người thứ hai bên trong nàng, tìm ra bản ngã của mình để có sức mạnh vươn lên, đấu tranh vượt qua nghịch cảnh. Đó là những cái khó nhất.
Vớ ballet Kiều, điều lớn nhất là mình đặt trách nhiệm của một người nghệ sĩ trong bối cảnh xã hội đương đại, khi rất nhiều thể loại nghệ thuật mới du nhập vào, mà mình vẫn phải làm được tác phẩm tôn vinh được những giá trị cốt lõi của nghệ thuật múa. Vì thế Tuyết Minh chọn ballet kinh điển, mặc dù kinh điển thì rất tốn kém cả về kinh phí và áp lực về con người. Áp lực về người nghệ sĩ trình diễn cho vở là rất lớn, khi đi tìm ở đâu? Đây cũng là một cách nhìn nhận lại những giá trị, khi theo cái mới thì mình không nên quên đi những cái đã gây dựng được, mà chỉ làm dầy nó lên và tiếp thu những cái mới.
Áp lực về nghệ sĩ trình diễn, cụ thể là như thế nào?
Khán giả biết đến Tuyết Minh với vai trò là biên đạo múa, đạo diễn các chương trình nghệ thuật, giám khảo các cuộc thi tìm kiếm tài năng trên toàn quốc vv… nhưng khán giả rất ít biết đến công việc mà tôi rất tâm huyết, là một chuyên viên của Cục Nghệ thuật biểu diễn, Bộ Văn hóa, Thể thao và du lịch. Với nhiệm vụ của tôi thì phải theo dõi, cùng các nhà hát trên toàn quốc định hướng con đường nghệ thuật cũng như tìm nguồn lực là các nghệ sĩ cho nhà hát.
Hầu như mỗi nhà hát đều có những tên gọi, định hướng về nghệ thuật riêng. Nhưng vì đã là nghệ sĩ thì ai cũng muốn tìm tòi, cũng như yêu cầu thưởng thức cái mới của xã hội, của khán giả khi đến với một tác phẩm biểu diễn, nên các nhà hát đều phải tìm cái mới, và có sự nở rộ về diện rộng trên tất cả các loại hình nghệ thuật. Chúng ta đã mất gần 20 năm để đi tìm cái mới. Nhưng ngược lại, khi chúng ta chỉ có số lượng nghệ sĩ nhất định, mà lại bung ra để chạy theo, tìm kiếm, thử thách mình ở những thể loại mới, thì phải biến đổi mình. Như vậy gốc gác dù ballet hay dân gian, thì không những không có đủ thời gian để được tiếp tục đào tạo, mà còn nhạt phai không ít thì nhiều.
Nghệ thuật múa hiện nay dù đi vào mọi nơi chốn, mọi doanh nghiệp, bộ ngành...thì tình trạng lại gần như nghệ thuật quần chúng hơn là nghệ thuật chuyên nghiệp. Gần đây khi các tỉnh có những đơn vị chuyên nghiệp bị sáp nhập vào những trung tâm văn hóa, nguồn lực con người tiếp tục bị san sẻ và chuyên môn chính của họ cũng không được đầu tư sâu.
Vì thế khi dựng Kiều là ballet cổ điển Châu Âu, tìm nguồn diễn viên đủ cho một hệ thống nhân vật nhiều như trong tác phẩm của cụ Nguyễn Du quả là quá khó. Nhìn mãi cũng chỉ có hai nhà hát chính theo dòng cổ điển châu Âu. Rất may mắn cho Tuyết. Minh cùng ê kíp nghệ thuật khi đoàn múa của Nhà hát nhạc Vũ kịch thành phố Hồ Chí Minh còn giữ được một lứa nghệ sĩ trẻ, đẹp đúng độ tuổi để có thể bay nhảy được trên sân khấu ballet, đủ sức gánh những vai diễn lớn như NSƯT Trần Hoàng Yến, NSƯT Phi Điệp, NSƯT Đức Nhuận... cũng như loạt biên đạo trẻ đồng thời là nghệ sĩ biểu diễn rất ấn tượng như Sùng A Lùng, Minh Tâm, Minh Hiền, những nghệ sĩ đi học ở Nga về như Minh Tú, Thúy Vy, Khang Ninh... Đặc biệt Nhà hát nhạc vũ kịch TPHCM có hai biên đạo Phúc Hùng, Phúc Hải dã làm được những điều đáng kể. Dù trong thời kỳ xã hội hóa về nghệ thuật, chạy theo kinh tế thị trường, nhưng Nhà hát luôn luôn đỏ đèn bằng tác phẩm lớn như Hồ Thiên Nga, Carmen...vv và rất nhiều dự án cộng tác cùng nước ngoài. Các chuyên gia nước ngoài trở về Nhà hát nhạc vũ kịch thành phố Hồ Chí Minh rất nhiều, nên đội ngũ diễn viên được đào tạo, được tiếp biến nhưng không xa rời nghệ thuật nguyên gốc, không xa rời tên gọi Nhà hát.
Chùm ảnh do biên đạo Phúc Hải thực hiện, ghi lại những khoảnh khắc các diễn viên tập ballet Kiều (chưa sử dụng phục trang):
|
Vở ''Kiều'' do Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam chỉ đạo nội dung. Chỉ đạo nghệ thuật: NSND Chu Thúy Quỳnh, NSND Ứng Duy Thịnh. Biên đạo múa: Tuyết Minh - Phúc Hùng. Âm nhạc: Việt Anh - Chinh Ba. |
|
Vở diễn thể hiện Truyện Kiều qua hai trường đoạn Kiều gặp Đạm Tiên và 4 lần Kiều đánh đàn. Qua đó làm nổi bật giá trị đạo làm người mà đại thi hào Nguyễn Du muốn gửi gắm. |
|
Ê kíp sáng tạo đã đầu tư thời gian và công sức để kết hợp hài hòa giữa kỹ thuật ballet cổ điển phương Tây với phong cách múa dân gian, múa truyền thống và văn hóa, bản sắc Việt Nam. |
|
Bên cạnh âm nhạc giao hưởng, nhạc đương đại, ballet ''Kiều'' còn sử dụng tuồng, ca trù, hát xẩm và nhiều thể loại âm nhạc dân gian khác. |
|
Với 3 hồi, 15 cảnh, các nghệ sĩ sẽ đem đến không gian giàu chất thơ, trữ tình và khắc họa nét tiêu biểu, đặc trưng của các nhân vật trong Truyện Kiều, qua ngôn ngữ ballet giàu biểu cảm. |
|
Vai Thúy Kiều do nghệ sĩ Trần Hoàng Yến, Kim Trọng do nghệ sĩ Đàm Đức Nhuận, Từ Hải do nghệ sĩ Hồ Phi Điệp đảm nhiệm. |
|
Nghệ sĩ múa Sùng A Lùng thể hiện hai vai khác biệt là người kể chuyện - Nguyễn Du và Tú Bà, hứa hẹn đem lại nhiều thú vị cho khán giả. |
|
Biên đạo múa Tuyết Minh cũng kỳ vọng ballet Kiều sẽ xây dựng như cách thức của các vở ballet kinh điển, sẽ tiếp tục được những biên đạo khác làm dày thêm để vở diễn tinh tế hơn nữa.
|
Vở ballet Kiều là sự tổng hòa của phong cách múa ballet cổ điển, trang phục mang đậm văn hóa Kinh Bắc, thanh âm của lẩy Kiều, ca trù, hát xẩm được phối khí với dàn nhạc giao hưởng, song tấu giữa Cello và đàn nhị… cách tư duy và chiều sâu tâm hồn văn hóa Á Đông. |