60 năm một phong cách nghệ thuật

Cao Ngọc
Chia sẻ
(VOV5) - Từ một đội kịch trong Đoàn văn công nhân dân Thủ đô, Nhà hát Kịch Hà Nội đã trải qua 60 năm trưởng thành và phát triển với rất nhiều dấu ấn trong lịch sử sân khấu Việt Nam, như một trong những sân khấu kịch đầu đàn của cả nước.

Nghe âm thanh bài tại đây:

Năm 1993, Đoàn kịch nói Hà Nội được chuyển thành Nhà hát Kịch Hà Nội. Tới khi mở rộng địa giới hành chính Hà Nội, năm 2009, Đoàn kịch nói Hà Tây sáp nhập với Nhà Hát Kịch Hà Nội.  Nhiều nghệ sĩ, nhà nghiên cứu sân khấu khi nói về nhà hát kịch của thủ đô đã nhận xét: Nhà hát kịch Hà Nội đã khẳng định một thương hiệu nghệ thuật trong nền kịch nói Việt Nam với phong cách riêng.

60 năm một phong cách nghệ thuật - ảnh 1Nhà hát Kịch Hà Nội những năm 1950 - Ảnh: Nhà hát kịch Hà Nội 

Như nhà nghiên cứu sân khấu Nguyễn Văn Thành thì: "Đặt vấn đề phong cách nghệ thuật là điều hết sức thú vị và quan trọng. Bởi nói đến nghệ thuật thì phải nói đến cái khác, cái riêng của đơn vị, của nghệ sĩ. Dấu ấn của nghệ sĩ là những đóng góp cho công chúng của mình. Đối với nt sân khấu thì lại có phong cách của nhà hát, của đơn vị nghệ thuật có những bề dày nhất định. Người ta xem chương trình thì xem hôm nay diễn vở gì, có những ai...

Ở thế giới cũng như Việt Nam, nhất là khi cái tiếp thị, quảng cáo bắt đầu phát triển thì những dv tên tuổi bao giờ cũng được để tên to, thậm chí là có ảnh... Ví dụ như ở đoàn Hà Nội, làm sao mà lại quên được cái cô gái thanh lịch, rất Hà Nội như là Thanh Tú, hay người đàn ông Trần Vân, hay là cô gái trẻ nhí nhảnh trong vai Hà Mi như Minh Trang chẳng hạn. Ngoài những gương mặt, những ngôi sao đặc sắc thì một trong những cái quan trọng như một trong những nhân tố để lại dấu ấn là nhà hát đó để lại dấu ấn, tác động ra sao đối với xã hội, muốn xây dựng ở con người hình mẫu gì. Thì ở kịch Hà Nội là một đoàn kịch thiên về những vở chính kịch...

60 năm một phong cách nghệ thuật - ảnh 2Diễn viên Minh Trang - một trong những diễn viên hàng đầu của Nhà hát kịch Hà Nội những năm 70 - 80 của thế kỷ 20. 

Trong phát biểu của ông Nguyễn Văn Thành, có thể thấy, trước hết là chất lượng của các vở diễn lớn, có tính chính luận của Nhà hát đã tạo được dấu ấn thành công để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng khán giả, làm phong phú đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân, như các vở “Lam Sơn tụ nghĩa”, “Đêm tháng 7”, “Bức tranh mùa gặt”, “Tôi và chúng ta”, “Lũy hoa”, “Cát bụi”, “Hà My của tôi”, “Điện thoại di động”, “Tình sử ngàn năm”, “"Bỉ Vỏ", "Mảnh đất lắm người nhiều ma", "Ngôi nhà trong thành phố", "Vùng lạnh", "Đôi mắt" vv… Những vở diễn đã góp phần tạo nên một “thương hiệu” của Nhà hát - đơn vị biểu diễn nghệ thuật kịch nói chính luận xuất sắc. Thêm nữa, cũng qua phát biểu của nhà nghiên cứu này, người ta còn thấy dấu ấn là những gương mặt các nghệ sĩ nổi trội của nhà hát, những nghệ sĩ có thương hiệu riêng, có thành tựu để góp phần vinh danh đơn vị của mình.

Trong ngày vui của Kịch Hà Nội, rất nhiều nghệ sĩ lão thành nhớ về những năm tháng hoạt động đầy vất vả thời chién tranh, khi nghệ sĩ đích thực là chiến sĩ. NSUT Hoàng Quân Tạo chia sẻ: "Đi biểu diễn thì chuyên chở dụng cụ biểu diễn bằng xe bò, xe ba gác, xích lô. Diễn viên thì kiêm nhiệm phục trang, chuyển cảnh. Nhưng mà lúc bấy giờ thì với tinh thần phục vụ chống Mỹ, tất cả các diễn viên và cán bộ đều hết sức phấn khởi, năng động. Có những lần chúng tôi diễn dưới chân mâm pháo, diễn xong rút đi khoảng 1 tiếng sau, chỗ đó bị máy bay đến san bằng. Nhiều lúc diễn ở đồi, bộ đội đến xem khó khăn lắm. Âm thanh lúc ấy khán giả cứ hét là phải nói to lên."

60 năm một phong cách nghệ thuật - ảnh 3Diễn viên Hoàng Cúc - Người đẹp một thuở của Nhà hát Kịch hà Nội, người từng được coi là mỹ nhân màn ảnh vào thập niên 80 của thế kỷ 20.

NSND Hoàng Cúc cũng cảm thán về một thời gian khó, vật chất thiếu thốn nhưng nghệ sĩ lại tràn đầy sự hứng khởi với nghề: "Vật chất thì không no đủ. Ví dụ lúc bấy giờ thì tôi phải mở cửa hàng quần áo cưới, anh Hoàng Dũng thì phải bán quần áo trẻ con. Chị Kim Xuyến cũng thế... Nhưng cứ có vở diễn là chúng tôi về đoàn đầy đủ. Thậm chí chỉ cần được diễn quần chúng không thôi cũng đã cảm thấy ấm lòng vô cùng và hạnh phúc vô cùng..."

Từ khi thành lập đến nay, vượt qua nhiều khó khăn, Nhà hát đã dàn dựng được trên 150 vở diễn lớn và các chương trình tiết mục nhỏ. Biểu diễn phục vụ nhân dân cả nước và cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài ước tính tới hơn 9000 buổi biểu diễn với trên 3,5 triệu lượt người xem. NSND Hoàng Dũng lại nhớ về một thời hoàng kim với những đêm diễn liên tục, có khi ngày 3 ca diễn: "Đó là một thời kỳ rất huy hoàng của Nhà hát. Có những vở diễn đánh Đông dẹp Bắc, diễn không biết bao nhiêu buổi. Diễn tại tp HCM, thủ đô HN, các tỉnh khác. Gần như chúng tôi không có ngày nghỉ. Đó là thời điểm mà sân khấu chúng tôi đi trước cả báo chí vì thế mà được khán giả quan tâm. Có những khán giả miền Nam vốn không biết đến kịch nói xa lạ với đời sống chính trị cũng rất hứng thú. Chúng tôi diễn ngày ba buổi, có những ngày diễn hai buổi là chúng tôi đã cảm thấy rất là nhàn nhã..."

NSND Trung Hiếu sau khi nhắc nhớ tới những năm tháng hoàng kim của Nhà hát cũng ngậm ngùi với bối cảnh hiện nay, khán giả không còn yêu thích sân khấu. Nhưng dù khó khăn đến mấy, tập thể nghệ sĩ vẫn vững tin vào sự phát triển trong tương lai của nhà hát, tiếp tục duy trì thương hiệu đã được nhiều thế hệ nghệ sĩ xây dựng nên. Công nghệ mới đã được sử dụng cho các tác phẩm với những hiệu ứng của âm thanh, ánh sáng, nâng cấp sàn diễn, trang bị sàn diễn quay hiện đại. Vở diễn khai trương sân khấu quay “Hà Thành chính khí” đã phát huy được thế mạnh của công nghệ, tạo dựng ấn tượng mới mẻ, hiện đại cho sàn diễn.

60 năm một phong cách nghệ thuật - ảnh 4Nhà hát kịch Hà Nội ra mắt sân khấu quay hiện đại tháng 11/2019 với vở diễn Hà Thành chính khí. - Ảnh: Báo Hà Nội mới. 

Các nghệ sĩ trẻ đã và đang tỏa sáng trên sàn diễn, trong phim ảnh vẫn luôn nhớ mình là người của Nhà hát, để luôn ý thức về trách nhiệm với đơn vị mình. Nghệ sĩ trẻ Thanh Hương, Thiện Tùng nhấn mạnh: "Là một thành viên của Nhà hát kịch Hà Nội là một điều may mắn và hạnh phúc đối với em. Và để có một lời chúc với ngôi nhà thứ hai của mình thì em chỉ hi vọng nhà hát và sân khấu kịch Hà Nội lúc nào cũng được sáng đèn để anh chị em có thể được làm nghề một cách trọn vẹn với những đam mê của mình." "Nhà hát Kịch Hà Nội kỷ niệm 60 năm thành lập là niềm tự hào chung của những thế hệ ns. Sẽ là thiếu sót, sẽ là một cái lỗi với tiền nhân nếu thế hệ chúng tôi không cùng gắn kết để phát triển những gì thế hệ đi trước đã gây dựng nên phong cách nghệ thuật của Nhà hát."

60 năm một phong cách nghệ thuật - ảnh 5Các thế hệ diễn viên của Nhà hát kịch Hà Nội đều đã ghi dấu trong lòng người hâm mộ cả trên sân khấu kịch lẫn màn ảnh điện ảnh, truyền hình. - Ảnh: Báo Dân Việt

60 năm một thương hiệu nghệ thuật, 60 năm một chặng đường được dựng xây bằng mồ hôi, trí tuệ, tâm huyết, thậm chí cả máu xương của nhiều thế hệ nghệ sĩ cho thành quả của Nhà hát kịch Hà Nội hôm nay.

60 năm một phong cách nghệ thuật - ảnh 6NSND Trung Hiếu - Giám đốc Nhà hát kịch Hà Nội - Ảnh: Báo Dân Việt 

NSND Trung Hiếu cho biết: "Để khẳng định thương hiệu Kịch Hà Nội thì trong những năm gần đây, Nhà hát vẫn tiếp tục đi sâu vào những đề tài về Hà Nội bởi vì về lịch sử và văn hóa của Hà Nội là kho tàng vô tận cho các nghệ sĩ sáng tạo Và làm thế nào để lan tỏa được những giá trị nghìn năm văn hiến đến với khán giả, đến với du khách, là một trách nhiệm rất lớn của đội ngũ nghệ sĩ. Trong những năm sắp tới, để phục vụ khán giả nhiều hơn nữa, với chất lượng nghệ thuật ngày càng cao nhà hát kịch Hà Nội quyết tâm trở thành điểm sáng của văn hóa thủ đô và văn hóa cả nước...."                        

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu