Phát triển bền vững thương hiệu Huế - Thành phố Festival

Bảo Trang
Chia sẻ
(VOV5) - Vai trò và vị thế của Festival Huế ngày càng được khẳng định qua quá trình xây dựng và phát triển thương hiệu.

Festival Huế 2022 đánh dấu quá trình 22 năm sự kiện này được tổ chức và trở thành sự kiện văn hóa du lịch quốc gia có tầm vóc quốc tế. Xây dựng và phát triển thương hiệu Festival Huế là điều mà Ban tổ chức và các cơ quan hữu quan đang tiếp tục duy trì, thông qua những chương trình đậm chất truyền thống và có những không gian sôi động để Festival Huế ngày càng mở rộng khán giả, hướng đến thành phố của lễ hội thật sự.

Phát triển bền vững thương hiệu Huế - Thành phố Festival - ảnh 1Hình ảnh ấn tượng tại đêm khai mạc Tuần lễ Festival Huế 2022
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Festival Huế 2022 diễn ra sau 4 năm ngắt quãng, nên việc tổ chức càng có ý nghĩa khẳng định Thừa Thiên Huế là địa phương đi đầu trong việc tổ chức một hình thái lễ hội đương đại mang tầm quốc gia, quốc tế. Trải qua hơn 20 năm với 10 kỳ, Festival Huế đã trở thành một festival được chú ý trong hệ thống các festival trên thế giới. Vai trò và vị thế của Festival Huế ngày càng được khẳng định qua quá trình xây dựng và phát triển thương hiệu.
Phát triển bền vững thương hiệu Huế - Thành phố Festival - ảnh 2Quảng diễn "Ngàn xưa âm vọng" trên đường phố Huế dịp Festival

Ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở văn hóa và thể thao Thừa Thiên Huế cho biết: "Festival Huế bản chất là Festival văn hóa. Từ cuối thập niêm 90 của thế kỷ trước, khi nghiên cứu để xây dựng mô hình Huế - Thành phố Festival, chúng tôi đã tham khảo, nghiên cứu rất nhiều mô hình trên thế giới. Tuy nhiên chúng tôi vẫn thấy rằng thế mạnh lớn nhất của Huế là văn hóa, là di sản. Chính vì vậy, khai thác những tiềm năng về di sản để làm nên chất liệu của festival – đó là điều quan trọng nhất đối với Huế. Festival Huế thực chất là dịp quảng diễn về văn hóa, hội tụ tinh hoa về văn hóa, và để các giá trị văn hóa đó được phát huy, được lan tỏa và thể hiện rõ giá trị của mình. Đó là cách mà Huế vừa quảng bá vừa xây dựng thương hiệu".

Kể từ Festival Huế đầu tiên, sự kiện này đã được xác định là nơi hội tụ, giao lưu nghệ thuật giữa các nền văn hóa nhiều quốc gia; đồng thời giới thiệu, quảng bá những giá trị đặc sắc của văn hóa Việt Nam và văn hóa Huế. Năm nay, trong hoàn cảnh còn nhiều khó khăn, nhưng Ban tổ chức và các cơ quan hữu quan đã nỗ lực khắc phục, có những sáng tạo để mang đến một mùa lễ hội đặc trưng cho Huế.

Phát triển bền vững thương hiệu Huế - Thành phố Festival - ảnh 3Ông Nguyễn Xuân Hoa: Có lẽ chưa bao giờ Festival Huế có đến 30 hoạt động cộng đồng, hoạt động hưởng ứng, hoạt động đồng hành đa dạng như Festival Huế 2022. 

Theo ông Nguyễn Xuân Hoa, nhà nghiên cứu văn hóa Festival Huế: "Rất tiếc trong điều kiện dịch bệnh covid vẫn còn tiếp diễn, nên rất nhiều đoàn nghệ thuật của các nước không đến tập trung được mà chỉ rải rác thôi. Tuy nhiên trong điều kiện như vậy, chúng ta lại phát triển hoạt động festival về phía cộng đồng. Có lẽ chưa bao giờ Festival Huế có đến 30 hoạt động cộng đồng, hoạt động hưởng ứng, hoạt động đồng hành đa dạng như Festival Huế 2022. Với hình thái Festival cộng đồng này, người dân cũng được tham gia trong đó. Họ trở thành những người đồng tổ chức festival với chương trình diễu hành đường phố, với hoạt động thủ công mỹ nghệ, hoạt động hội chợ, trình diễn ẩm thực... tất cả tạo ra sự sinh động mới mẻ cho thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam".

Phát triển bền vững thương hiệu Huế - Thành phố Festival - ảnh 4Các đoàn nghệ thuật quốc tế biểu diễn trong Lễ hội đường phố

Khác các lần trước, festival năm nay, người dân và du khách có thể thỏa sức thưởng thức những tiết mục nghệ thuật hoành tráng ngay tại các sân khấu mở nằm dọc hai bờ sông Hương, trung tâm thành phố Huế. Hình thức biểu diễn, sân khấu thay đổi thiết kế nhằm tăng tính tương tác, để Festival Huế tiếp tục là “cầu nối” giữa văn hóa và nghệ thuật.

Ông Nguyễn Ngọc Linh, Phó Giám đốc Nhà hát ca kịch Huế chia sẻ: "Bản thân Huế đã chứa đựng tất cả văn hóa truyền thống từ thời kỳ Chúa Nguyễn tới giờ. Để xây dựng thành phố Huế thành một thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam, thì bản thân chúng tôi là những nghệ sỹ sống trên mảnh đất này, chúng tôi biết rằng mình cần bám vào những giá trị truyền thống của vùng đất mình. Ngay cả những giá trị truyền thống của mảnh đất Thừa Thiên Huế cũng là mạch nguồn để các nghệ sỹ khai thác, góp phần khẳng định thương hiệu chỉ riêng Huế có được".

Phát triển bền vững thương hiệu Huế - Thành phố Festival - ảnh 5Di sản chính là yếu tố làm nên thương hiệu Festival Huế

Đặc biệt, năm nay là kỳ festival đầu tiên được tổ chức theo hình thức bốn mùa. Điều này có nghĩa là các lễ hội đã diễn ra quanh năm, nay được hệ thống, xâu chuỗi lại, hướng đến thành sản phẩm để phát triển du lịch. Festival bốn mùa được tổ chức là để tô đậm thêm cho thương hiệu Festival Huế, dựa trên cơ sở tiếp cận sao cho phù hợp, đáp ứng thị hiếu và nhu cầu mới của công chúng và du khách gần xa.

Phát triển bền vững thương hiệu Huế - Thành phố Festival - ảnh 6TS Triết học Thái Thị Kim Lan

Là một người con của Huế, lại đã có dịp trải nghiệm nhiều lễ hội lớn trên thế giới, nhà triết học Thái Thị Kim Lan, kiều bào ở CHLB Đức bày tỏ: "Huế là một thành phố di sản và đặc biệt nhất ở VN cũng như trên thế giới. Huế có những di sản độc đáo, không những về kiến trúc, về mỹ thuật, về phi vật thể... Bởi vậy nó xứng đáng được mệnh danh là thành phố di sản và thành phố của lễ hội. Tuy nhiên chúng ta phải cẩn thận trong ý nghĩa lễ hội, làm thế nào để lễ hội đi sâu vào đời sống và trở thành một nếp truyền thống mới, một nếp truyền thống hiện đại để tất cả những di sản của Huế được trưng bày ra, được hiển hiện để thế giới thấy được gia sản không những của riêng Huế mà còn là của Việt Nam".

Phát triển bền vững thương hiệu Huế - Thành phố Festival - ảnh 7Di sản chính là yếu tố làm nên thương hiệu Festival Huế

Festival Huế 2022 với tâm điểm là Tuần lễ Festival vừa diễn ra, sẽ tiếp tục thúc đẩy việc tạo ra các hình thái dịch vụ, góp phần đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, thu hút du khách, phát triển kinh tế - xã hội, để Huế thực sự là thành phố festival đặc trưng của Việt Nam theo đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, góp phần xây dựng Thừa Thiên Huế là một trong những trung tâm văn hóa lớn, đặc sắc, của cả nước, cũng như của khu vực Đông Nam Á.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu