Nền văn hóa Việt Nam luôn là sức mạnh trường tồn của dân tộc

Chia sẻ
(VOV5) -  Với ba nguyên tắc “dân tộc”, “đại chúng”, “khoa học”, Đề cương về văn hóa Việt Nam tiếp tục được Đảng CSVN vận dụng linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả, phù hợp với thực tiễn Việt Nam.

Đây là khẳng định của Thủ tướng Phạm Minh Chính khi phát biểu chào mừng tại chương trình nghệ thuật đặc biệt với chủ đề "Đề cương văn hóa Việt Nam - Những dấu ấn lịch sử" diễn ra tối qua tại Nhà hát lớn Hà Nội. Chương trình do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, Ban Tuyên giáo Trung ương, Đài Truyền hình Việt Nam phối hợp thực hiện nhân kỷ niệm 80 năm ra đời "Đề cương về Văn hóa Việt Nam" (1943-2023).

Nền văn hóa Việt Nam luôn là sức mạnh trường tồn của dân tộc - ảnh 1Quang cảnh buổi lễ. Ảnh:  moit.gov.vn

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định 80 năm qua, với ba nguyên tắc “dân tộc”, “đại chúng”, “khoa học”, Đề cương về văn hóa Việt Nam tiếp tục được Đảng CSVN vận dụng linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả, phù hợp với thực tiễn Việt Nam để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Truyền thống văn hóa như suối nguồn nuôi dưỡng tạo nên cốt cách của con người Việt Nam, là tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc; khả năng sáng tạo, ứng phó, vượt qua mọi khó khăn, thách thức trong bất cứ hoàn cảnh nào.

Thủ tướng cho rằng giai đoạn phát triển mới với tình hình thế giới biến động nhanh chóng, phức tạp, khó lường mang lại những cơ hội, vận hội mới nhưng cũng không ít thử thách đối với công tác bảo tồn, phát triển văn hóa, văn nghệ. Để vừa phát huy những giá trị tốt đẹp của dân tộc, vừa tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, Việt Nam cần chung sức, đồng lòng với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, triển khai quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra.

Thủ tướng đề nghị tiếp tục nghiên cứu, làm sáng tỏ những định hướng lớn, quan điểm xuyên suốt, đồng thời phát triển, bổ sung, làm phong phú, sâu sắc hơn nữa những nội dung trong Đề cương về văn hóa Việt Nam; Nâng cao hơn nữa nhận thức và hành động để văn hóa thực sự thấm sâu vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội; phát huy tối đa hiệu quả các nguồn lực nhà nước và xã hội để phát triển toàn diện văn hóa, để văn hóa, con người thực sự là sức mạnh nội sinh của dân tộc; Đầu tư thích đáng cả nguồn lực con người và vật chất cho phát triển văn hóa theo chiều sâu, nhanh, bền vững; triển khai xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người gắn với giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu