Sáng 20/1 tại Hà Nội, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) phối hợp với Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) tổ chức hội thảo “Kinh tế Việt nam trong trung hạn 2021-2025: Phục hồi và tăng tốc”.
Quang cảnh Hội thảo. Ảnh: baoquocte.vn |
Tại Hội thảo, các đại biểu nhấn mạnh: Đường hướng phát triển của Việt Nam trong những năm tới đây, không gì ngoài việc nỗ lực để đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi nền kinh tế để có thể tăng nhanh năng suất, khả năng cạnh tranh quốc tế, khả năng chống chịu, đảm bảo sự bình đẳng về kinh tế, xã hội và hài hòa giữa con người và hành tinh.
Dự báo về các kịch bản tăng trưởng kinh tế trong trung hạn 2021-2025, Tiến sĩ Đặng Đức Anh, Phó Giám đốc, Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế xã hội quốc gia, cho biết, trên cơ sở đánh giá các yếu tố ảnh hưởng và dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2021 với nhiều khả năng sẽ đạt mức cao trở lại. Có hai kịch bản được đưa ra. Theo đó ở kịch bản cơ sở phản ánh rằng, nếu trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế thế giới hồi phục và đại dịch COVID-19 dần được khống chế thì tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam có thể đạt khoảng 6,17% và CPI trung bình khoảng 3,8%. Các hoạt động sản xuất trong nước sẽ dần hồi phục, đầu tư khu vực Nhà nước tăng trưởng ở mức 7% và đóng góp của khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) dự kiến sẽ tiếp tục được duy trì. Chính sách tiền tệ sẽ tiếp tục theo hướng linh hoạt, phù hợp và giúp ổn định kinh tế vĩ mô.
Tuy nhiên, 1 kịch bản lạc quan hơn trong điều kiện kinh tế thế giới phục hồi nhanh hơn dự kiến, tăng trưởng GDP Việt Nam trong năm 2021 có thể đạt 6,72% và CPI trung bình khoảng 4,2%. Các hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh sẽ trở lại quỹ đạo bình thường ngay trong năm nay. Thêm vào đó, tận dụng được những lợi thế từ các hiệp định thương mại, luồng vốn đầu tư, hoạt động sản xuất kinh doanh trong nước sẽ nhanh chóng khởi sắc trở lại. Tăng trưởng đầu tư khu vực Nhà nước có thể đạt 8%.
Đại diện UNDP, bà Wiesen đề xuất các hành động chính để có thể giúp Việt Nam phục hồi mạnh mẽ sau dịch COVID-19 và không để ai ở lại phía sau, thông qua việc đảm bảo rằng: Tốc độ tăng trưởng nhanh của các mặt hàng xuất khẩu chế tạo là động lực chính tạo ra việc làm bền vững, tăng năng suất và thu nhập; Đảm bảo hài hòa cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường, bằng cách chuyển đổi nền kinh tế, bao gồm cả sản xuất và tiêu dùng theo hướng tăng trưởng xanh và tiết kiệm năng lượng…