Nghe âm thanh bài viết qua giọng đọc PTV Kim Phượng:
Cuộc thi viết truyện ngắn Làng Việt thời hội nhập do Báo Nông thôn Ngày nay phối hợp với Hội nhà văn Việt Nam, Ban văn học nghệ thuật VOV6 Đài Tiếng nói Việt Nam tổ chức tổng kết và trao giải cuộc thi vào ngày 11/11.
Diễn ra trong bối cảnh cả thế giới phải đối diện với dịch Covid-19, cũng như những mất mát do đại dịch gây ra tại Việt Nam, cuộc thi văn học này vẫn thu hút gần 1.260 tác phẩm, với được sự hưởng ứng của rất nhiều cây bút chuyên nghiệp, thể hiện một tinh thần đau đáu với sự thay đổi của làng quê Việt giữa thời hội nhập.
Nhà văn Trần Chiến đoạt giải nhất với truyện ngắn Con chú con bác - Ảnh: Báo Sài gòn giải phóng |
Trong 16 tác phẩm được trao giải, truyện ngắn "Con chú con bác" của nhà văn Trần Chiến đã đoạt Giải Nhất của cuộc thi. Hai giải nhì của cuộc thi được trao cho các tác giả Nguyễn Thị Minh Thúy (bút danh An Thư) với tác phẩm "Xóm cồn" và Lê Ngọc Hạnh với truyện ngắn "Cô Sáu cam". Ba giải ba được trao cho các tác giả Trần Nhã Thụy với truyện ngắn "Vân tay mắt Phật", Phát Dương với truyện ngắn "Trò săn vịt", Ngô Hòa Bình với truyện ngắn “Hoa mía”.
Là một nhà văn có những truyện hết sức đặc sắc về thị dân, về tầng lớp trí thức trung lưu Hà Nội, lần đầu tiên hướng tới đề tài nông thôn như một góc tiếp cận khác, nhà văn Trần Chiến đã “tạo hiệu ứng” với “Con chú con bác”. Ông chia sẻ: "Khi viết truyện "Con chú con bác" tôi dùng cách tiếp cận qua mắt của người phố. Tôi vẫn dùng ngôi thứ 3 kể thôi nhưng cái nhìn và ngôn ngữ hoàn toàn của người phố. Cái đó làm tôi tự tin, chứ dùng giọng kể của người quê thì "lúng túng" lắm. Tôi dùng cách tiếp cận nông thôn qua cách nhìn của người phố để kể chuyện này thì cũng tránh được những cái yếu của mình. Bằng cách đó tôi thấy cuối cùng mình vượt qua được để viết về một nông thôn hôm nay mất mát di sản rất lớn, di sản làng, di sản gia đình."
Đánh giá về chất lượng các tác phẩm, Hội đồng Giám khảo nhận định, các truyện ngắn dự thi đã góp phần khái quát nên bức tranh chân thực, sống động về làng quê Việt trong thời buổi hội nhập sâu rộng về mọi mặt của đời sống. Tổng biên tập Báo Nông thôn Ngày nay, Báo điện tử Dân Việt, ông Lưu Quang Định cho biết: Các truyện ngắn dự thi “Làng Việt thời hội nhập” đã góp phần khái quát nên bức tranh chân thực, sống động, đa sắc… về làng quê Việt trong thời hội nhập sâu rộng. Trong đó, nhiều tác phẩm đã có những góc nhìn, góc khai thác đầy nhân văn, nhân bản về những vùng đất, con người, câu chuyện, sự việc… đầy thân quen và cũng đầy mới mẻ. Bên cạnh đó, cũng có rất nhiều tác phẩm đi sâu vào phản ánh những mặt trái đầy gai góc và trần trụi về sự thay đổi của làng quê Việt Nam và cả thân phận của người nông dân phía sau lũy tre làng. Nhiều truyện ngắn đã để lại những ấn tượng sâu đậm và đẹp đẽ trong lòng bạn đọc.
Đối với nhà văn Trần Chiến thì: "Những cuộc thi như này rất cần. Nó đánh động được nhiều điều về nông thôn. Những gì người viết đem ra kể lại thì tạo nên một tâm thức, ít nhất là những thông tin về làng quê. Có thể một giải thưởng truyện ngắn không đem lại hiệu quả hiển nhiên, trực tiếp. Nhưng nó có tác động đem lại hiệu ứng tích cực cho nông thôn. Rất nhiều truyện ngắn được kể khiến người đọc thành phố nhìn nông thôn cũng đỡ khinh bạc đi. Đấy là cái tích cực của cuộc thi. Có thể ngay bây giờ nó không thể tạo ra một hiệu ứng ghê gớm, một việc làm có ý thức chưa chắc đã đem lại hiệu quả ngay đâu, nhưng tôi đánh giá là hành động tích cực của báo Dân Việt."
Đề tài nông nghiệp nông thôn trong một đất nước có truyền thống nông nghiệp như Việt Nam, tưởng như đương nhiên là mạch nguồn nuôi dưỡng các cây bút văn chương Việt. Từ thế hệ đầu của văn học Việt Nam hiện đại như Ngô Tất Tố, Nam Cao, Kim Lân… đến thế hệ kế tiếp như Lê Lựu, Nguyễn Minh Châu... và gần đây nhất là Nguyễn Ngọc Tư, Nguyễn Hải Yến... Nhưng thực ra, đã có những sự chững lại nhất định trong văn học hiện đại, khi các vấn đề mới, nóng của nông thôn đặt ra nhức nhối, nhưng các nhà văn lại chưa thực sự mặn mà. Bởi thế, giải thưởng của một cuộc thi văn học về đề tài nông thôn trong bối cảnh hiện nay, mang nhiều ý nghĩa về nhân văn và cả về thúc đẩy xu hướng phát triển trong văn chương Việt hiện đại.