Tổ khúc Kiều thánh thót ở Dresden

P.H
Chia sẻ
(VOV5) - Tác phẩm Tổ khúc kiều của nghệ sĩ Guitar Đặng Ngọc Long, người Việt ở Berlin, tiếp tục vang lên ở thành phố Dresden nổi tiếng của CHLB Đức vào ngày mùng 1/4/2023.

Nghe âm thanh bài viết tại đây:

Tổ chức Sự kiện Văn hóa "1001 Märchen" (Chuyện cổ tích 1001) tại Dresden, thuộc ban tổ chức Văn hóa thành phố Dresden thực hiện buổi đọc truyện Kiều bằng tiếng Đức, tôn vinh thi hào Nguyễn Du của Việt nam trên nền nhạc Tổ khúc Kiều của nhạc sĩ Đặng Ngọc Long.
Nhóm "Chuyện cổ tích 1001" bao gồm khoảng 30 nghệ sĩ, thường tham gia trình diễn kể chuyện, đọc, khiêu vũ và sáng tác âm nhạc như một phần của các sự kiện khác nhau, kể những câu chuyện cổ tích và những câu chuyện từ khắp nơi trên thế giới: “Các điệu nhảy, âm thanh hoặc âm nhạc được sử dụng để nhấn mạnh nội dung và góp phần làm khách tham dự say mê.”

Tổ Khúc Kiều là tác phẩm đã được chọn là bài thi bắt buộc cho cuộc thi guitar quốc tế vừa qua tại thủ đô Berlin. Như nhiều tác phẩm âm nhạc khác của Đặng Ngọc Long đều pha trộn giữa dân ca Việt nam và âm nhạc hiện đại Châu Âu, Tổ khúc Kiều càng thể hiện rõ nét điều này. Nghệ sĩ Đặng Ngọc Long từng nói về câu chuyện kể Kiều bằng âm nhạc: "Tôi lấy chất liệu lẩy Kiều, và tôi phổ, lắp ráp những hòa âm hiện đại của Châu Âu để thành một tác phẩm pha trộn giữa Châu Á và Châu Âu. Đặc biệt trong tác phẩm này tôi nhấn mạnh là tác phẩm với chất liệu Việt Nam trên nền tảng hòa âm của Châu Âu."

Tổ khúc Kiều thánh thót ở Dresden - ảnh 1GS, nhạc sĩ Đặng Ngọc Long biểu diễn Tổ khúc Kiều trong buổi lễ ra sách Truyện Kiều bằng tiếng Đức tại Berlin năm 2016

Nhạc sĩ Đặng Ngọc Long, người không chỉ viết Tổ khúc Kiều, mà cả Faust bằng âm nhạc dựa trên tác phẩm vĩ đại cùng tên của đại thi hào Đức Goethe, tốt nghiệp Nhạc viện Hà Nội chuyên ngành Guitar cổ điển, du học tại trường Đại học Âm nhạc “Hanns Eisler”, Berlin. Năm 1987, ông đã đoạt giải Đặc biệt của Cuộc thi Guitar Quốc tế tại Esztergom (Hungary). Đặng Ngọc Long hiện là Hiệu trưởng và Giáo sư dạy guitar tại trường âm nhạc Berlin – Gesundbrunne.

Theo nhà văn Nguyễn Văn Thọ, người bạn vong niên của Đặng Ngọc Long, nhạc sĩ sáng tác trên một lịch sử gắn bó lâu dài với âm nhạc Việt. Ông chính là người mang văn hóa trong âm nhạc Việt Nam, từ dân ca Nghệ Tĩnh đến dân ca quan họ để phổ biến rộng rãi trong nền âm nhạc Châu Âu. 
Tổ khúc Kiều thánh thót ở Dresden - ảnh 2Nhạc sĩ Đặng Ngọc Long

Với tư cách là Chủ tịch Liên hoa ghita ở Châu Âu, Đặng Ngọc Long là người đã đưa các bài dân ca Việt Nam trở thành các bài phối ở trong những cuộc thi âm nhạc.

Cũng một lần nữa để quảng bá cho âm nhạc Việt, ông đã soạn ra 7 chương của tổ khúc Kiều để tôn thêm giá trị của bản dịch Kiều ra tiếng Đức: "Sự kiện tháng 5/2016 bản Kiều của Faber dịch ra tiếng Đức và tái bản, nguyên do là từ năm 1954 cụ Faber có theo đoàn nhà báo của CHDC Đức đến thăm Việt Nam và được Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng cho ông và vợ ông Irene tác phẩm Kiều. Hồ Chí Minh có gửi gắm người bạn Đức này, là muốn quảng bá tác phẩm của đại thi hào Nguyễn Du. Chính vì thế trong vòng gần 20 năm ông bà Faber đã dịch cuốn này ra tiếng Đức. Người Việt ở Đức đã kế thừa sự kiện này. Hội doanh nghiệp VN ở Đức, một nhóm các nhân sĩ trí thức tổ chức tái bản cuốn sách này, cách đây 1 năm có ra mắt cuốn sách. Nhân sự kiện ấy giáo sư Đặng Ngọc Long là người cũng tha thiết với âm nhạc Việt Nam, với văn hóa Việt Nam cũng đã viết lên Tổ khúc Kiều. Giáo sư, nghệ sĩ âm nhạc Đặng Ngọc Long là một trong những người có công trong việc tuyên truyền văn hóa Việt trong thế giới văn hóa, âm nhạc nghệ thuật đương đại trên thế giới, đặc biệt ở Châu Âu." - Nhà văn Nguyễn Văn Thọ cho biết.

Tổ khúc Kiều thánh thót ở Dresden - ảnh 3Nơi diễn ra sự kiện đọc Truyện Kiều, minh họa bằng âm nhạc Tổ khúc Kiều - Ảnh: chinesischer-pavillon.de/aktue

Bản giới thiệu tóm tắt tới khán thính giả về chương trình biểu diễn đọc Truyện Kiều trên nền nhạc Tổ khúc Kiều ngày 1/4 lần này tại Khu Đình – nhà hàng Trung Quốc tại Phố Bauzner, của nhóm Chuyện cổ tích 1001 viết: “Một thế giới văn hóa đầy lạ lẫm mở ra và sử thi dân tộc Việt Nam với nhiều làn điệu, nhịp điệu và hình ảnh đầy ý thơ mang lại nhiều điều bất ngờ. Vô vàn suy tư và trí tuệ dân gian được chứa đựng trong những dòng thơ tuyệt vời này. Christiane Voigt, đọc và ngâm thơ, Đặng Ngọc Long đệm đàn ghita.”

Buổi đọc Truyện Kiều này được thực hiện với giọng đọc truyền cảm của nữ ca sĩ Opera kiêm phát thanh viên nổi tiếng của đài phát thanh Đức Christiane Voigt, trên nền nhạc "Tổ khúc Kiều" do nhạc sĩ Đặng Ngọc Long thể hiện. Là một trong những buổi trình diễn của nhóm "Chuyện cổ tích 1001", buổi đọc truyện đã góp phần tôn vinh văn hóa Việt, góp phần quảng bá, phát triển quan hệ Văn hóa Việt Nam và CHLB Đức.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu