Cùng với Ma da, những phim kinh dị Việt như Linh miêu, Con Cám… cũng ra rạp trong thời gian tới. Những phim này đều có điểm xuất phát là khai thác các yếu tố truyện kể dân gian ly kỳ cùng văn hóa bản địa.
Nghe âm thanh bài tại đây:
Phát hành giữa tháng 8,
phim kinh dị Ma da (đạo diễn Nguyễn Hữu Hoàng) khai thác số phận người phụ nữ tên Lệ (Việt Hương đóng) làm nghề tìm kiếm người chết đuối để đưa về cho các gia đình, nhưng chính đứa con gái của chị lại bị Ma da – oan hồn dưới nước - làm hại.
Trong hành trình tìm kiếm sự thật, Lệ phát hiện ra rằng oan hồn Ma da không chỉ là một câu chuyện dân gian mà còn liên quan đến bi kịch trong quá khứ. Những bí mật dần được hé lộ, và Lệ phải đối mặt với những thử thách đầy nguy hiểm để cứu con gái và giải thoát cho oan hồn Ma da.
Một cảnh trong phim Ma da |
Ma da là dự án được đầu tư chỉn chu, bài bản. Trong vòng 5 ngày sau khi ra rạp, phim đã thu về hơn 50 tỉ đồng, được dự đoán sẽ thu về lợi nhuận cao cho nhà đầu tư. Theo đạo diễn Nguyễn Hữu Hoàng, ở thể loại phim kinh dị, điều đầu tiên là phải tạo được nỗi sợ cho người xem: “Trong bộ phim này nếu không xử lý nhân vật bà Lệ có lòng tốt vượt mức bình thường thì sẽ không phạm sai lầm đụng độ với Ma da. Và khi đã phạm vào, như quan niệm trong dân gian uy lực của con ma rất ghê gớm. Cái kết đến từ việc nỗi sợ của con ma mang lại, không chỉ hù dọa người ta là một con ma có thể kéo người ta xuống nước, mà nhiều khi còn mang cả vào trong tâm trí nữa. Đối với chúng tôi khi cân nhắc về cái kết, chúng tôi phải tôn trọng thể loại.”
Bộ phim Linh miêu (đạo diễn Lưu Thành Luân) dựa trên truyện dân gian về quỷ nhập tràng, đi sâu vào bi kịch của một gia đình làm nghề khảm sành sứ ở Huế thập niên 60 của thế kỷ trước.
Còn bộ phim Con Cám (đạo diễn Trần Hữu Tấn) lấy cảm hứng từ truyện cổ tích Tấm Cám nhưng chuyển hướng khai thác nhân vật mẹ con Cám với những âm mưu, những màn trả thù hiểm ác. Con Cám giống như một phóng tác từ truyện cổ dân gian. Theo đạo diễn Trần Hữu Tấn, giới làm phim luôn mong muốn thực hiện thành công những tác phẩm mang bản sắc và văn hóa Việt, không lẫn với phim kinh dị của các nước khác.
Ngày 29/7, nhà sản xuất “Con Cám” chính thức công bố tên mới của dự án phim là “Cám” và tiết lộ thời điểm dự kiến phát hành vào ngày 27/9/2024. |
“Phim kinh dị Việt bản sắc không chỉ thể hiện ở bề nổi như phục trang, tiếng nói hay bối cảnh, mà bên trong đó chính là câu chuyện và những thước phim để khán giả thấy đây chính là những thước phim kinh dị made in Việt Nam mà không thể tìm thấy được ở những phim kinh dị khác. Và ngoài ra nó cũng phải liên quan đến thủ pháp, thủ pháp làm khán giả sợ. Mình cũng chưa dám nói bản thân mình đã tìm được công thức đó, mà mình cũng đang cố gắng tìm tòi để làm nên cái bản sắc riêng của phim kinh dị Việt nói chung, cũng như là phim của riêng cá nhân tôi”. - Đạo diễn Trần Hữu Tấn chia sẻ.
Có thể thấy vài năm trở lại đây, dòng phim kinh dị Việt khá phát triển cả về số lượng và chất lượng. Doanh thu các phim không giống nhau, nhưng tỉ lệ phim hòa vốn và có lãi nhiều hơn là phim thua lỗ. Khán giả trẻ là đối tượng chính mà dòng phim này hướng đến, với nhu cầu giải trí gắn với sự tò mò, hiếu kỳ.
Xác định là dòng phim giải trí, nên nhà sản xuất mạnh tay chi cho kỹ xảo, trang phục, bối cảnh. Đặc biệt, việc khai thác yếu tố văn hóa bản địa, yếu tố tâm linh, những câu chuyện kể dân gian liên quan đến ma quỷ được quan tâm, như một hướng đi của phim kinh dị Việt.
Doanh thu của các phim như Quỷ cẩu, Kẻ ăn hồn, Chuyện ma gần nhà… cho thấy những phim này đã đáp ứng được phần nào nhu cầu thị trường. Kinh phí làm phim không cao, kịch bản và kỹ xảo còn đơn giản nhưng khán giả vẫn chấp nhận và ủng hộ. Thành công của phim trước mở đường cho phim sau. Đạo diễn có thêm kinh nghiệm và tự tin để bước vào các dự án mới.
Thực tế làm phim, thực tế thất bại và thành công đã giúp đạo diễn và nhà sản xuất nhận thấy rằng: Khi khai thác tốt các yếu tố văn hóa bản địa, câu chuyện có sự gần gũi liên thông về mặt tâm thức, kết nối xưa để làm mới nay, đặc biệt nâng ý nghĩa kịch bản gắn với các giá trị nhân văn cùng thông điệp thời đại thì phim sẽ không bị “lạc quẻ”, khán giả vừa được đáp ứng nhu cầu giải trí, cảm thấy không “xót” thời gian và tiền bạc. Sự ủng hộ cho phim Việt là điều tất yếu.
Với một đất nước có nền văn hóa đa dạng và lâu đời như nước ta, kho tàng chuyện kể dân gian là vô tận. Bản chất các cộng đồng dân tộc Việt cũng luôn tôn trọng các yếu tố tâm linh, với quan niệm “có thờ có thiêng, có kiêng có lành”. Văn hóa và tâm thức ấy là nguồn đề tài, nguồn tài nguyên vô cùng giàu có. Song khai thác để tiếp nối những giá trị, tuyệt đối không khai thác để lạm dụng. Đó cũng là tinh thần của người làm nghệ thuật chân chính.