Di sản Hoàng Vân – từ câu chuyện cuộc đời đến lịch sử âm nhạc Việt Nam

Phi Hà
Chia sẻ
(VOV5) - Lúc nào trong đầu Hoàng Vân cũng có những tứ nhạc và viết khắp nơi..."Có những hôm đi họp sứ quán ở Bulgari, ông mặc quần màu sáng mà viết cả nốt nhạc lên quần trong lúc bác Đại sứ đang phát biểu"

Nhân Ngày sách Việt Nam 21/4 và hướng tới kỷ niệm 65 năm ngày thành lập Nhà xuất bản Kim Đồng (17/6/1957-17/6/2022), chương trình giao lưu, trò chuyện cùng Tiến sĩ Âm nhạc Lê Y Linh, tác giả cuốn sách “Nhạc sĩ Hoàng Vân – Cho muôn đời sau…” vừa được NXB Kim Đồng tổ chức.

“Nhạc sĩ Hoàng Vân – Cho muôn đời sau…” là tiểu sử âm nhạc của nhạc sĩ do chính con gái ông – Tiến sĩ Âm nhạc Lê Y Linh, hiện đang sống tại Pháp – chắp bút. Cuốn sách được phát hành vào tháng 2/2022 và đã nhận được rất nhiều phản hồi tốt từ công chúng yêu nghệ thuật và giới nghiên cứu âm nhạc.

Di sản Hoàng Vân – từ câu chuyện cuộc đời đến lịch sử âm nhạc Việt Nam - ảnh 1Quang cảnh buổi ra mắt sách

Nghe âm thanh bài viết tại đây:

 Nhạc sĩ Hoàng Vân sinh năm 1930 tại Hà Nội. Năm 1946, khi mới 16 tuổi, ông từ giã gia đình rời Hà Nội đi kháng chiến. Yêu âm nhạc và được học từ nhỏ, Hoàng Vân đã sáng tác các ca khúc đầu tiên tại chính mặt trận mà nổi tiếng nhất là “Hò kéo pháo”. Từ đây, ông gắn đời mình với âm nhạc mà mỗi sáng tác sẽ là một dấu mốc cuộc đời.

Với “Nhạc sĩ Hoàng Vân – Cho muôn đời sau…”,  tác giả Lê Y Linh đã cho công chúng hiểu hơn về một nhạc sĩ Hoàng Vân trong đời sống và trong nghệ thuật. Công chúng sẽ được biết đến thế giới nghệ thuật Hoàng Vân một cách đầy đủ, bên cạnh mảng ca khúc rất nổi tiếng còn là những đóng góp lớn của ông dành cho khí nhạc, giao hưởng…

Nhà văn Nguyễn Thúy Loan, biên tập viên NXB Kim Đồng nhận xét: “Thẩm định bản thảo này, tôi thấy đây là một văn bản quý về những tư liệu và nghiên cứu rất kỹ về nhạc sĩ Hoàng Vân, mở ra cho người đọc nhìn thấy một chân dung toàn diện không chỉ về âm nhạc mà còn về cuộc đời, không chỉ về những ca khúc nhạc nhẹ, nhạc cách mạng,  mà cả nhạc phim, nhạc giao hưởng. Và những cống hiến của một người nhạc sĩ đối với nền âm nhạc cách mạng Việt Nam. Tôi thấy đây là một bản thảo rất quý nên cũng rất cố gắng để thực hiện nó cùng tác giả trong quá trình làm việc để có một cuốn sách tốt nhất có thể.”

Di sản Hoàng Vân – từ câu chuyện cuộc đời đến lịch sử âm nhạc Việt Nam - ảnh 2Nhà văn Nguyễn Trương Quý và tác giả cuốn sách - Tiến sĩ Lê Y Linh tại buổi ra mắt sách.

Cuốn sách dày 268 trang này giống như một cuốn tiểu sử âm nhạc, tác giả đã lần ngược thời gian kể về cuộc đời và sự nghiệp của nhạc sĩ Hoàng Vân thông qua những tài liệu được sưu tầm, lưu giữ công phu và những chia sẻ của bản thân tác giả về cha.

Nhà văn Nguyễn Trương Quý khẳng định: “Viết về một tác giả âm nhạc từng có ảnh hưởng to lớn đến thẩm mĩ công chúng nhiều thập niên, cuốn sách “Nhạc sĩ Hoàng Vân – Cho muôn đời sau” là một nỗ lực khắc họa chân dung con người sáng tạo ở phương diện làm rõ các thao tác ‘nhà nghề’ một cách dễ cảm thụ nhất đối với đại chúng. Người nghe đã thuộc lòng những bài hát vô cùng nổi tiếng của Hoàng Vân sẽ có mong muốn được biết điều gì đã khiến nhạc sĩ bền bỉ viết nên chúng, những âm điệu của một thời rắn chắc như thép nhưng cũng mềm dẻo như lụa”.

“Cuốn sách của Tiến sí Lê Y Linh theo tôi là nỗ lực xây dựng một chân dung nghệ thuật của một tác giả âm nhạc trên nhiều phương diện. Về khía cạnh gia đình, chị Y Linh là con gái của nhạc sĩ Hoàng Vân, có lợi thế gần gũi về mặt gia đình, về mặt tư liệu – có nhiều tư liệu gốc và tư liệu bản thảo chưa công bố, bây giờ có thể công bố cho công chúng. Ba là khía cạnh con người công dân của một nhạc sĩ trong thời đoạn âm nhạc và nghệ thuật nói chung là để phụng sự xã hội, đạt những mục tiêu chính trị. Cuối cùng là những khía cạnh trữ tình của âm nhạc Hoàng Vân.” - Nhà văn Nguyễn Trương Quý nói.

Di sản Hoàng Vân – từ câu chuyện cuộc đời đến lịch sử âm nhạc Việt Nam - ảnh 3Cacs khách mời tại buổi giao lưu

Tại buổi giao lưu, Tiến sĩ Lê Y Linh cho biết: Thực hiện cuốn sách này, chị chỉ có một mong muốn kể lại "những chi tiết quan trọng trong cuộc đời sáng tác của bố tôi – nhạc sĩ Hoàng Vân, trên cơ sở các tư liệu đã tập hợp được. Nội dung được triển khai theo bốn chủ điểm chính: Sự nghiệp sáng tác theo trình tự thời gian; Tác phẩm; Quan niệm của nhạc sĩ về âm nhạc và một số kỷ niệm về người nhạc sĩ. Cuộc đời bố tôi là cuộc đời của một người dành cho âm nhạc, thế nên tôi nghĩ, ‘chỉ cần’ điểm tác phẩm là đã có phác họa về thế giới nhân sinh, quá trình sáng tác và một phần cuộc sống đời thường của ông.

Nhạc sĩ Hoàng Vân có một may mắn là ông thử tất cả các thể loại. Ông viết rất dễ dàng. Lúc nào trong đầu ông cũng có những tứ nhạc và viết khắp nơi. Những câu chuyện mọi người kể lại như có những hôm đi họp sứ quán ở Bulgari, ông mặc quần màu sáng mà viết cả nốt nhạc lên quần trong lúc bác Đại sứ đang phát biểu. Hay là anh Anh Tú kể chuyện, có một hôm ông đi với mẹ tôi - hồi đó cũng chưa cưới nhau, vẫn còn đang rất du dương –rất khó khăn mới có hai cái vé xem phim ở Rạp Tháng Tám, thế là rủ nàng đi xem. Vừa vào đến cửa thì chàng bảo: Thôi chết rồi em ạ, anh vừa nghĩ ra một cái anh phài về để viết thôi, anh không thể vào xem được. Cháu của mẹ tôi kể, ngày ấy mẹ đi guốc gỗ, bà dẫm chân bạch bạch lên dỗi, mà ông vẫn để cho mình bà vào xem.

Thật ra trong cuốn sách này chỉ là một phần rất nhỏ xung quanh câu chuyện sáng tác của ông. Ông rất thích thử tất cả các hình thức đề tài âm nhạc khác nhau. Hôm chú Hoàng Lân có hỏi: nếu muốn làm một buổi toàn các tác phẩm về quân đội của ông, có làm được không? Mình bảo: Dạ vâng thưa chú, bố cháu sáng tác cho tất cả các quân chủng ở trong quân đội, nên nếu làm về quân đội có khi phải ba buổi. Thậm chí ở Bộ công an còn khám phá ra một bài hát ông viết về chiến sĩ công an đường sắt. Tức là rất đa dạng. Nếu cần tác phẩm khí nhạc, cần tác phẩm giao hưởng, tác phẩm độc tấu là đều có thể. Dễ là dễ ở chỗ đó. Nhưng cái khó, là khi làm clip top ten (như ngôn ngữ của các bạn trẻ hiện nay), thì vò đầu bứt tai không biết làm thế nào cho vào top ten được."  - Tác giả Lê Y Linh tâm sự.

Di sản Hoàng Vân – từ câu chuyện cuộc đời đến lịch sử âm nhạc Việt Nam - ảnh 4Một góc khán phòng.

Trong vòng hơn nửa thế kỷ sáng tác, nhạc sĩ Hoàng Vân đã để lại khoảng hơn 700 tác phẩm trong gần như tất cả các thể loại và các hình thức âm nhạc.. Cuốn sách làm nổi bật những cống hiến của một trong những người đã sáng lập nền âm nhạc cách mạng Việt Nam, được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học, nghệ thuật năm 2000. Đặc biệt là sự nghiệp sáng tác đồ sộ của ông với những bài hát nổi tiếng, như: “Hò kéo pháo”, “Tôi là người thợ lò”, “Bài ca xây dựng”, “Người chiến sĩ ấy”, “Hát về cây lúa hôm nay”, “Con chim vành khuyên”, “Sắp đến Tết rồi”…Thông qua câu chuyện cuộc đời nhạc sĩ Hoàng Vân, độc giả cũng hiểu hơn về lịch sử âm nhạc Việt Nam.

Theo nhạc sĩ Quốc Trung, cần lắm những tác phẩm như Nhạc sĩ Hoàng Vân – Cho muôn đời sau "để lan tỏa những giá trị nghệ thuật tốt đẹp, giúp cho lớp trẻ thấy được những giá trị được gọi là di sản âm nhạc của Việt Nam” "Ở Việt Nam chúng ta có một truyền thống thơ ca rất mạnh. Chính vì vậy cả những người nghe và những người làm nhạc Việt Nam luôn luôn chú ý về phần lời. Và như vậy chúng ta cũng có rất nhiều những nhạc sĩ thành công bởi việc phổ thơ. Tôi không đánh giá việc phổ thơ, viết lời hơn hay kém so với những nhà soạn nhạc.

Tôi biết bác Hoàng Vân khi tôi học trường nhạc, khi đó tôi chưa học Đại học nên không được học bác, nhưng bác là người dạy hòa âm, phối khí và nhạc giao hưởng cho Nhạc viện. Chính vì vậy ngoài việc lời đặt cho các bài hát , ngay cả đề tài các ngành ca thì nó luôn luôn rất gần gũi – việc đấy là tài năng của nhạc sĩ. Nhưng sự khác biệt và đặc biệt là, chứng tỏ Hoàng Vân là một nhà soạn nhạc thể hiện tài năng trong việc biến tấu các chủ đề của bài hát.

Tất cả các bài hát của ông được bắt đầu bằng chủ đề rất đơn giản, rất đẹp  và nó được khai thác, được bay bổng. Những điều đó nên được đưa vào sách giáo khoa hay các bộ môn tại các trường âm nhạc về sáng tác. Kỹ năng phát triển chủ đề, những phần hòa âm, phối khí đi theo của bài hát tạo nên sự khác biệt. Và tác phẩm đấy về mặt học thuật có giá trị hơn rất nhiều việc phổ thơ. Vì chúng ta biết thơ Việt Nam luôn luôn có âm sắc, có tiết tấu. Trong câu thơ giai điệu bài hát gần như đã hình thành trước. Ít có sự phá cách trong việc phổ thơ một bài hát.

Gần như trong tất cả những bài hát của nhạc sĩ Hoàng Vân ta nhận thấy rất rõ màu sắc, âm hưởng dân ca Việt Nam, nhưng không hẳn là từ chất liệu gì, cũng không hẳn từ vùng nào. Có thể viết về Hà Nội, về thiếu nhi nhưng âm hưởng Tây Nguyên. Có thể viết về Quảng Bình nhưng lại có âm hưởng của chèo hay quan họ. Tất cả những điều đó thấm vào tư duy và là sự sáng tạo của nhạc sĩ. Tôi luôn luôn đề cao nhạc sĩ Hoàng Vân không phải là một người viết ca khúc mà là một nhà soạn nhạc.”

Theo Tiến sĩ Lê Y Linh, âm nhạc có hai phần, nội dung và hình thức. Nội dung âm nhạc của Hoàng Vân và các nhạc sĩ cùng thời được nhấn mạnh, nhưng hình thức, kỹ thuật sáng tác ít được nói đến, cũng ít được công chúng quan tâm. Việc biết tại sao bài hát hay sẽ giúp công chúng hiểu hơn về âm nhạc. Đó cũng là điều Tiến sĩ Lê Y Linh mong muốn: “Giá trị của nghệ thuật âm nhạc là giá trị cho muôn đời sau”.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu