Nhạc sĩ Hồng Đăng- trọn đời tận hiến với âm nhạc

Phương Thúy
Chia sẻ
(VOV5) -" Trong những cái tưởng như lý trí lại có sẵn tình cảm,  chính là nét mạnh của thời văn học nghệ thuật gắn với cuộc sống. Đó là điều mà hôm nay tìm rất khó"

Nghe âm thanh bài viết tại đây qua giọng đọc PTV Hồng Huệ:

Nhắc đến nhạc sĩ Hồng Đăng, người ta sẽ nhớ ngay đến nụ cười của ông. Ánh mắt và nụ cười hiền hậu, ẩn chút một phần tếu táo luôn là ấn tượng của nhiều bạn văn nghệ sĩ khi nhớ về ông.

Nhà văn Ngô Thảo, một người bạn thân thiết của nhạc sĩ Hồng Đăng kể lại: hồi còn khỏe mạnh, nhạc sĩ Hồng Đăng rất thích đi dạo quanh thành phố Hà Nội bằng xe máy. Vì thế, không lạ khi đến nhà nhạc sĩ, người ta cũng thấy những bức ảnh hai vợ chồng nhạc sĩ chở nhau đi dạo rất tình cảm.

Nhạc sĩ Hồng Đăng- trọn đời tận hiến với âm nhạc - ảnh 1Nhạc sĩ Hồng Đăng

Khi làm tổng thư kí Hội Nhạc sĩ Việt Nam khóa IV và V, Tổng Biên tập Tạp chí Âm nhạc, ông luôn là người kết nối các nghệ sĩ bởi tính tình luôn chan hòa, vui vẻ và rất chân thành. Ông còn là hội viên các hội: Hội Nhà báo Việt Nam, Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội, Hội Điện ảnh Việt Nam. Với gia tài hơn 70 ca khúc được sử dụng trong các bộ phim, ông chính là nhạc sĩ đầu tiên được kết nạp vào Hội Điện ảnh Việt Nam.

Theo nhà văn Ngô Thảo thì: Thực ra đó là những ca khúc ông viết theo đơn đặt hàng. Nhưng hồi bấy giờ, khái niệm “đặt hàng” được hiểu theo nghĩa thân tình. Vì thế, mới có những ca khúc “Em đi làm tín dụng”, “Cô gái Tày cầm đàn lên đỉnh núi”, “Ba cô đi cấy chăng dây”, “Tôi là người thợ lò”… ca ngợi những con người lao động tuy gian khổ nhưng đầy hăng hái, mà cho đến bây giờ hát lên vẫn rất tình cảm: "Thật ra ngày xưa các ông ấy làm theo đơn đặt hàng rất thường xuyên. Những bài hát của nhạc sĩ Hồng Đăng về biển, về công an đều là những bài hát do đặt hàng, nhưng quan hệ của người nghệ sĩ với những nghề nghiệp khác lại rất thân tình. Trong những cái tưởng như lý trí lại có sẵn tình cảm. Đó chính là nét mạnh của thời văn học nghệ thuật gắn với cuộc sống. Đó là điều mà hôm nay tìm rất khó chứ không dễ." - Nhà văn Ngô Thảo nói,

Nhạc sĩ Hồng Đăng từng là giảng viên Trường Âm nhạc Việt Nam. Hồi ấy ông viết cuốn sách “Các nhạc cụ trong dàn nhạc giao hưởng”. Cuốn sách này là một tài liệu quý cho các học viên lúc bấy giờ, trong đó ông đã chia sẻ cụ thể kĩ thuật hòa thanh phối khí, tính năng nhạc cụ. Trong cuốn hồi kí của mình, nhạc sĩ Phú Quang từng viết: ông có hai người thầy dạy sáng tác nhạc, đó là nhạc sĩ Hoàng Vân và nhạc sĩ Hồng Đăng.

Còn với nhạc sĩ Đức Trịnh, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhạc sĩ Việt Nam thì nhạc sĩ Hồng Đăng ngoài sáng tác âm nhạc giỏi còn là một con người trí tuệ, hiểu biết sâu sắc về đất nước, con người Việt Nam. Chỉ cần nhắc đến hai ca khúc “Hoa sữa” và “Kỉ niệm thành phố tuổi thơ” là đã thấy cả con người Hồng Đăng: "Chỉ nói đến hai ca khúc đó thì chúng ta đều thấy sự hoài niệm nhưng mỗi ca khúc có sự thể hiện khác nhau. Nếu như “Kỉ niệm thành phố tuổi thơ” trẻ trung, tình cảm còn “Hoa sữa” xúc động, man mác buồn nhưng lại mang đến cho chúng ta tình yêu quê hương, yêu thành phố chúng ta đang sống. Cách thể hiện với hai ca khúc ấy đã thể hiện cả một con người Hồng Đăng trong đó rồi. Ngoài là một người anh, người chú, ông còn là một người thầy về âm nhạc của chúng tôi. Ông viết sách về phối khí, về tính năng nhạc cụ trong trường nhạc mà rất nhiều thế hệ đã học. Đặc biệt trong cuộc đời từ lúc ông làm phó chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam mà chúng tôi là hội viên, sau này tôi cũng nối tiếp ông làm công tác ở hội thì cần phải học tập ông hơn nữa. Đặc biệt ông lại là người gần gũi với công chúng, với an hem, đồng nghiệp, với lớp con cháu."

Hơn nửa thế kỉ gắn bó với thủ đô, nhạc sĩ Hồng Đăng đã có nhiều sáng tác ca ngợi mảnh đất, con người nơi đây. Đặc biệt, ông có 4 ca khúc về 4 mùa đặc trưng của Hà Nội. Với mùa xuân, ông có bài “Mưa bụi”, mùa hạ có bài “Kỉ niệm thành phố tuổi thơ”, mùa thu ông có bài hát “Hoa sữa” và mùa đông là “Kí ức đêm”. Năm 2021 báo Thể thao Văn hóa- Thông tấn xã Việt Nam vinh danh ông với hạng mục Giải thưởng lớn vì tình yêu Hà Nội, tri ân một người nhạc sĩ đã tận hiến trọn đời cho nền âm nhạc nước nhà nói chung, với Hà Nội nói riêng bằng tài năng và tâm huyết của mình.

Bà Lê Anh Thúy, vợ nhạc sĩ Hồng Đăng cho biết: "Giải thưởng Bùi Xuân Phái đến với gia đình rất bất ngờ. Bởi vì đây là giải thưởng  ban tổ chức tự đề cử, tự xét và trao. Gia đình tôi cũng bất ngờ và cảm động. Đấy là sự ghi nhận rất xứng đáng cho cả đời sáng tác. Tuy ông ấy không sinh ra ở Hà Nội nhưng có lẽ vì được sinh ra trong một gia đình trí thức Pháp nên khi về Hà Nội, chàng trai 18 tuổi gặp một thành phố đô hội, phồn hoa nên cảm xúc rất mạnh. Cuộc đời ông ấy cũng rất truân chuyên, trong cuộc đời riêng cũng như trong sáng tác, công việc. Thực ra sự truân chuyên ấy đối với cuộc đời một người bình thường sẽ mất rất nhiều, nhưng đối với người nghệ sĩ lại được rất nhiều."

Vâng, sự truân chuyên đối với người nghệ sĩ nhiều khi lại là chất xúc tác để họ thử thách và thăng hoa trong nghệ thuật. Người ta nói cuộc đời thường và đời nhạc của nhạc sĩ Hồng Đăng “lênh đênh”. Nhưng nếu không có điều đó, ông sẽ không thể sáng tác hơn 700 ca khúc để lại cho đời, bao gồm nhiều thể loại ca khúc, hợp xướng, ca cảnh, khí nhạc, nhạc phim, nhạc sân khấu...mà cho đến nay gia tài ấy vẫn là một “kho báu” đang cần được khai phá, quảng bá rộng rãi đến công chúng
Nhạc sĩ Hồng Đăng tên thật là Phan Đăng Hồng, sinh năm 1936 tại Hoa Thành, Yên Thành, Nghệ An. Cha của ông là nhà báo Phan Đăng Tài (bút danh Phan Hồng Sơn) - người thông thạo 7 ngoại ngữ và từng giữ chức Trưởng phòng Tư liệu - Thư viện của Báo Nhân Dân. Bác ruột là nhà chí sĩ yêu nước Phan Đăng Lưu. Ông sớm bộc lộ năng khiếu âm nhạc từ nhỏ. Năm 12 tuổi, ông đã sáng tác ca khúc đầu tay “Đời học sinh”, sau đó là “Nắng về Tây Bắc”, “Nhớ ơn Cụ Hồ” . Cơ duyên âm nhạc cứ vậy đến với ông khi năm 1956 Trường Âm nhạc Việt Nam (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam) mở khóa học đầu tiên do thầy Tạ Phước làm hiệu trưởng, ông là một trong những học viên khóa đầu tiên chuyên ngành Sáng tác. Đó là khóa học có những tác giả lớn của nền âm nhạc nước nhà, như Hoàng Việt, Hoàng Hiệp, Ngô Huỳnh, Huy Thục, Vĩnh Cát, Tô Ngọc Thanh, Hồng Thao...  Thao... Năm 2001, ông được nhận Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật với các ca khúc: Biển hát chiều nay, Hoa sữa, Quà tháng năm, Kỷ niệm thành phố tuổi thơ và hợp xướng Lửa rực cháy..

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu