Tìm hướng đi mới cho nghệ thuật múa rối truyền thống

Tú Anh
Chia sẻ
(VOV5) - Việc tìm ra bản sắc riêng cũng như phát triển đúng hướng để làm mới loại hình nghệ thuật này đã trở thành điều mà những người làm việc trong nghệ thuật múa rối luôn trăn trở.

Múa rối là một loại hình nghệ thuật sân khấu dân gian truyền thống độc đáo, mang đậm tính nghệ thuật và giá trị giáo dục cao. Chính vì vậy, việc tìm ra bản sắc riêng cũng như phát triển đúng hướng để làm mới loại hình nghệ thuật này đã trở thành điều mà những người làm việc trong nghệ thuật múa rối luôn trăn trở.

Nghe âm thanh bài viết tại đây:

Tìm hướng đi mới cho nghệ thuật múa rối truyền thống - ảnh 1 Vở rối "Hồn Trương Ba da hàng thịt" năm 2016 giành được nhiều giải thưởng lớn

Còn nhớ cách đây 3 năm, Nhà hát múa rối Thăng Long đã tạo ấn tượng mạnh mẽ với Liên hoan sân khấu thử nghiệm lần thứ 3 với vở múa rối “Hồn Trương Ba da hàng thịt”. Đây là lần đầu một vở rối được dàn dựng từ kịch bản chính kịch của đạo diễn Lưu Quang Vũ. Điểm thú vị và là điểm nhấn mang tính chất thử nghiệm là sự kết hợp giữa con rối với các diễn viên. Đây cũng là lần đầu các diễn viên của Nhà hát múa rối hiện diện trên sân khấu với diễn xuất trực tiếp của mình, chứ không chỉ thông qua con rối như trước nữa.

Với Liên hoan sân khấu thử nghiệm năm 2019 vừa diễn ra, Nhà hát múa rối Thăng Long lại tiếp tục có những thử nghiệm táo bạo, phá bỏ nhiều chuẩn mực của múa rối truyền thống trong vở rối “Mơ rồng”. Các diễn viên rối nước, lâu nay vốn chỉ giấu mình phía sau sân khấu, nay đã được đưa toàn bộ lên sân khấu, diễn cả dưới bể nước và trên cạn, sử dụng biểu cảm và hình thể của mình bên cạnh việc điều khiển những con rối. Nghĩa là diễn viên không chỉ điều khiển con rối mà còn nhập tâm và diễn cùng nhân vật.

Tìm hướng đi mới cho nghệ thuật múa rối truyền thống - ảnh 2Vở rối "Mơ rồng" của Nhà hát múa rối Thăng Long 

NSƯT Lê Chí Kiên, phó đạo diễn của vở “Mơ rồng” chia sẻ: “Tôi thấy các sân khấu kịch, sân khấu cải lương, người ta cũng đưa rối để sang sân khấu người ta lên. Tôi mới có suy nghĩ tại sao không đưa các loại hình đó vào sân khấu múa rối để sân khấu không bó hẹp trong khung tranh truyền thống của các cụ ngày xưa. Có những vở tôi đưa kịch vào diễn cùng múa rối để mục đích cuối cùng để mở rộng tầm khán giả. Không có lý do gì các loại hình sân khấu khác đưa múa rối vào để sang vở của họ lên, tại sao mình không lấy các loại hình khác để làm sang sân khấu múa rối của mình lên. Tôi muốn khai thác vốn truyền thống của các cụ để lại”.

Tìm hướng đi mới cho nghệ thuật múa rối truyền thống - ảnh 3 Vở rối "Mơ rồng" của Nhà hát múa rối Thăng Long 

Múa rối khác với các loại hình nghệ thuật khác, đòi hỏi sự đồng bộ giữa các thành phần sáng tạo từ tác giả, đạo diễn, tạo hình, âm nhạc, múa…  Để đáp ứng với nhu cầu giải trí phong phú trong đời sống đương đại, nghệ thuật múa rối luôn cần những hướng đi mới mẻ.  NSƯT Đức Hùng, Trưởng đoàn diễn viên 1, Nhà hát Múa rối Thăng Long chia sẻ: “Sáng tạo là một việc không bao giờ tách được với nghệ thuật. Ai đã làm công tác nghệ thuật như tạo hình, âm nhạc, diễn viên… đều hiểu rằng chúng ta đang nghệ thuật sáng tạo và sáng tạ otrong nghệ thuật không ngừng. Rất nhiều chương trình cải biên về con rối cách thể hiện và hình thức khác nhau rôi cho là rất cần thiết. Nếu chúng ta chỉ nghĩ đến những điều xưa cũ và bào mòn xưa cũ đi thì chắc chắn sự phát triển sẽ không còn nữa. Chúng ta phải cập nhật rất nhiều, và sự cập nhật đó bây giờ tôi coi là một bài toán khó”.

Tìm hướng đi mới cho nghệ thuật múa rối truyền thống - ảnh 4Vở rối "Thân phận nàng Kiều" của Nhà hát múa rối Việt Nam 

Theo nghệ sĩ Xuân Long, diễn viên của nhà hát múa rối Thăng Long chia Chính những sáng tạo nghệ thuật mới trong nghệ thuật múa rối cũng tạo nên niềm cảm hứng sâu sắc và thêm đam mê nghề nghiệp cho những diễn viên rối nước. “Ở rối cạn mình có thể sáng tạo thoải mái, mình có thể làm bất kể loại hình nghệ thuật nào khác. Ví dụ nhảy hip hop, đây là một loại hình rất khó, nhưng khi mình tập xong mình cảm thấy rất thú vị và khán giả xem xong rất thích. Nhưng khi quay lại với rối nước mình vẫn có thể tách ra, không bị lẫn vào nhau. Đồng thời nó giúp cho người diễn viên có nhiều sáng tạo, kinh nghiệm ở các sân khấu khác nhau vào biểu diễn của mình”

Làm gì để bảo tồn và phát triển múa rối nước trong thời kỳ hội nhập, để rối nước Việt Nam không mất đi bản sắc là mối quan tâm của nhiều người trong nghề. Người làm nghề luôn cần tôn trọng truyền thống thì dẫu đổi mới như thế nào cũng không lo chệch hướng. NSƯT Chu Lượng, Phó giám đốc Nhà hát múa rối Thăng Long cho biết: "Những yếu tố căn bản, đầu tiên là tính hồn nhiên trong sáng của nghệ thuật múa rối, đó là tâm hồn của người Việt chúng ta từ xưa đến nay gìn giữ được. Khi mà đưa tất cả những trò rối, vở rối, chương trình rối thì nó phải giữ được yếu tố đó. Nếu mất đi sẽ không còn là nghệ thuật rối nước nữa. Một yếu tố nữa là tạo hình, có thể làm những chương trình mới nhưng vẫn phải giữ được hồn cốt của tạo hình. Nghệ thuật rối nước có gì chúng ta không được bỏ nó, chỉ làm mới lên thôi”.

Vài năm trở lại đây, nhiều đơn vị nghệ thuật như Nhà hát múa rối Thăng Long, Nhà hát múa rối Việt Nam… luôn nỗ lực tìm tòi và triển khai những hướng đi mới cho nghệ thuật rối. Những vở diễn thể hiện được nét đặc sắc, mới lạ với kịch bản cốt truyện thú vị, mang chủ đề tư tưởng sâu sắc là điểm nhấn kéo công chúng với loại hình nghệ thuật truyền thống này. Tuy nhiên, sự thay đổi này cũng chỉ có ở một số nhà hát múa rối chuyên nghiệp, còn ở những phường rối không chuyên vẫn chưa có nhiều thay đổi. Đây là một bài toán khó cần sự quan tâm và nỗ lực của Nhà nước và chính các đơn vị nghệ thuật.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu