Định vị sân khấu thử nghiệm Việt

Cao Ngọc
Chia sẻ
(VOV5) - Sân khấu thử nghiệm là một thuật ngữ để chỉ tính tiên phong của các phong trào nghệ thuật nhằm cách tân sân khấu.

Nghe âm thanh bài viết tại đây:

Ngay khi tiến hành xây dựng Đề án để trình Chính phủ về hoạt động có tính định kỳ của Liên hoan Quốc tế Sân khấu thử nghiệm, Ban Chấp hành Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam đã cố gắng để chuẩn hóa yêu cầu đối với cuộc Liên hoan khi đưa ra cách hiểu về thuật ngữ này. “Sân khấu thử nghiệm là một thuật ngữ để chỉ tính tiên phong của các phong trào nghệ thuật nhằm cách tân sân khấu.

Sân khấu thử nghiệm ra đời với mục đích đổi mới hình thức, khám phá nhận thức của văn hóa nói chung, nghệ thuật sân khấu nói riêng. Sân khấu thử nghiệm muốn trình bày sự khác nhau của ngôn ngữ, của hình thể, của cấu trúc để tạo ra khái niệm nhận thức mới nhằm làm giàu thêm ngôn ngữ nghệ thuật sân khấu, góp phần đáp ứng sự mong mỏi của khán giả trong xu thế hội nhập và phát triển”.

Định vị sân khấu thử nghiệm Việt - ảnh 1Hình ảnh trong vở rối "Hồn Trương Ba da hàng thịt" tham dự Liên hoan quốc tế sân khấu thử nghiệm của Nhà hát Múa rối Thăng Long. - Ảnh: chinhphu.vn 

PGS. TS Nguyễn Thị Minh Thái đưa cách hiểu của mình: "Tiêu chí về mặt nghệ thuật cực kỳ rõ ràng, thay hai chữ “thể nghiệm” là không chính xác. Liên hoan quốc tế sân khấu thử nghiệm, là thử nghiệm trên phạm vi toàn thế giới và chuẩn thẩm mỹ cao nhất của tôi, dù có thử nghiệm gì đi chăng nữa thì khi thử nghiệm nó mình có cảm giác như không: lòng mình trong vắt và thích kinh khủng…”

Xác định rõ thuật ngữ thử nghiệm quả là chuyện vô cùng khó khăn không chỉ đối với các nghệ sĩ (người thực hành) mà còn gây tranh cãi ngay chính trong những nhà lý luận Việt. Nhiều nhà lý luận sân khấu nhấn mạnh, không nên nhầm lẫn giữa thử nghiệm và thể nghiệm. Thể nghiệm là cách tiếp cận hiện thực và biểu diễn sân khấu do Stanislavski ( người Nga; 1863-1938) đã xây dựng dựa trên lý thuyết về nghệ thuật biểu diễn hiện thực tâm lý. Đây là một phương pháp nghệ thuật mang đầy tính cách tân ở thế kỷ XIX… Một trong những quá trình mà Stanislavski đưa ra là người diễn viên cần phải thể nghiệm khi đặt mình vào hoàn cảnh nhân vật, khi lên sân khấu thì từ thực tế đó, người diễn viên sống với nhân vật chứ không đóng kịch...

Trong khi đó, từ thử nghiệm được nhiều người đưa ra ý kiến: thử làm mới, thử theo một cách mới mẻ. Bản chất của văn học nghệ thuật là luôn phải sáng tạo ra cái mới, cái khác lạ và quan trọng nhất là phải hấp dẫn. Và nếu hiểu thử nghiệm như cách làm mới, sự mới mẻ thì có ngược với bản chất của sự sáng tạo này không khi các nghệ sĩ và người sáng tạo luôn quan niệm: tất cả các tác phẩm nghệ thuật đều là sự sáng tạo, làm mới, thậm chí không được phép lặp lại chính mình thì tiêu chí thử nghiệm mà Ban tổ chức đề ra liệu có chuẩn? Phải chăng, tất cả những yêu cầu có những cách diễn đạt mới, hình thức biểu hiện mới... đặt ra cho sân khấu cũng là yêu cầu từ ngàn xưa để hình thức nghệ thuật này có thể khắc phục những bó hẹp về không gian, thời gian diễn tả? Đã xảy ra tình trạng vở hay thì chưa mới còn vở mới thì lại chưa hay, nghĩa là những vở hấp dẫn, sống động thì đứng về mặt thử nghiệm không có nhiều cái mới, còn những vở rất mới mẻ thì lại chưa thật sự thuyết phục.

Định vị sân khấu thử nghiệm Việt - ảnh 2Vở diễn Mối tình trong sáng của đoàn Philippines đã thử nghiệm khá thuyết phục khi đưa toàn bộ câu chuyện tình đẫm nước mắt của Romeo và Juliet vào âm thanh, giai điệu trang phục, điệu nhảy iga của dân tộc Sama - Bajau ở miền Nam của Philippines - Ảnh: Đức Triết 

Tìm tòi sáng tạo cái mới trong hình thức nghệ thuật có tính tổng hợp nhiều loại hình nghệ thuật như sân khấu đòi hỏi phải có sự đồng bộ. Trong sân khấu Việt hiện nay, nếu chỉ đem thử nghiệm hình thức biểu đạt mới trên nền của những kịch bản được viết theo cách truyền thống, nghĩa là theo hình thức kịch hiện thực tâm lý (theo cấu trúc 5 hồi Giao đãi – Thắt nút – Cao trào – Giải quyết và kết thúc từ thời Airítote của Hy Lạp cổ đại); với những quy luật nhân quả (sự kiện này có nguyên nhân từ sự kiện trước đó, đồng thời cũng là nguyên nhân gây ra sự kiện tiếp theo...) của chủ nghĩa Cổ điển thế kỷ17 ... thì với nội dung và cấu trúc kịch bản như vậy sẽ thật khó cho đạo diễn, diễn viên bùng nổ trong thử nghiệm…

Nghệ sĩ nhân dân Trần Minh Ngọc nhận định: “Hình thức của vở diễn là cái tình phải được các tác giả chú trọng trong biên kịch. Bởi vì từ biên kịch mới tạo nên cơ sở cho đạo diễn họ sáng tạo nên hình thức vở diễn và các diễn viên tung hoành trong vở diễn. Điều thứ hai hình thức vở diễn không đổi nhiều lắm cũng bắt đầu từ biên kịch cộng với thói quen. Cơ bản nữa hình như chúng ta bị nghèo về xử lý không gian. Chúng ta bị lệ thuộc vào hình thức như lâu nay”.

Gợi lại yêu cầu này, trước Liên hoan sân khấu thử nghiệm năm 2016, Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam đã tổ chức hẳn một trại sáng tác ưu tiên cho những yếu tố thử nghiệm, cho những sáng tạo mới, nhưng dường như những sáng tạo từ trại diễn chưa tìm được sự đồng điệu với những người có trách nhiệm tuyển chọn kịch bản, chưa thể lọt vào “mắt xanh” của các đạo diễn nên vẫn chưa có được những tác phẩm thực sự mới mẻ khiến đồng nghiệp trong nước và thế giới ghi nhận.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu