Thơ thiếu nhi Việt Nam hiện nay ra sao? Một cái nhìn khái quát về nó như thế nào? Sau thế hệ những tên tuổi như Võ Quảng, Phạm Hổ, Trần Thanh Địch, Định Hải..., nhà thơ Cao Xuân Sơn là một trong những gương mặt chung thủy với văn học thiếu nhi, và có nhiều năm làm việc tại Nhà xuất bản Kim Đồng – nhà xuất bản hàng đầu cho thanh thiếu nhi Việt Nam. Với hành trình dài theo dõi thơ thiếu nhi Việt của ông, nhà thơ cao Xuân Sơn đã đưa ra những câu trả lời đáng chú ý.
Nghe âm thanh bài viết tại đây qua giọng đọc PTV Hải Yến:
Nhà thơ Cao Xuân Sơn |
Theo nhà thơ Cao Xuân Sơn, nhiều năm qua, nỗ lực đáng trân trọng nhất để chống lại sự “tuyệt chủng” của nền thơ ca cho thiếu nhi chính là từ bản thân mỗi nhà thơ. Đồng hành cùng họ là một số nhà xuất bản như NXB Kim Đồng, NXB Giáo Dục, Trẻ và đặc biệt là một số tờ báo thiếu nhi trước đây như Khăn Quàng Đỏ, Thiếu Niên Tiền Phong vv…
Trong số đó, không có một nhà xuất bản thứ hai nào có thể thay thế được vị trí của nhà xuất bản Kim Đồng trong lòng trẻ thơ Việt Nam, ít nhất là cho đến giờ này: “Đặc biệt là mảng văn học thiếu nhi, toàn bộ lịch sử văn học thiếu nhi Việt Nam gắn chặt với lịch sử thành lập cũng như trưởng thành của nhà bản Kim Đồng, Nếu các bạn tìm lại trước năm 75 thì sẽ có rất nhiều tác giả viết cho trẻ em ở miền Nam như Duyên Anh, Đinh Tiên Luyện... nhưng số trở thành một đội ngũ đông đảo, thành một lực lượng và một cái gì như là tinh hoa của chế độ mới thì chỉ có ở miền Bắc.
Đặc biệt khi tôi làm tủ sách Tuổi mới lớn ở NXB Kim Đồng, thì mảng thơ là mảng vượt trội của miền Bắc. Tôi nói với cả những người lớn tuổi, những bậc đàn anh của mình như anh Đoàn Thạch Biền, anh Nguyễn Đông Thức...là tìm tôi lấy một vài gương mặt thơ thiếu nhi trước 75, thì rất rất ít, tôi không nói là không có nhưng rất ít. Trong khi đó chúng ta (miền Bắc) có cả một đội ngũ hùng hậu.” - Ông nói.
Một số ấn phẩm thơ thiếu nhi của NXB Kim Đồng |
Lý giải về một thế hệ nhà thơ viết cho thiếu nhi đã thành danh, đã đi vào lòng bạn đọc thuở ấy, theo nhà thơ Cao Xuân Sơn:"Lứa tuổi của tôi lớn lên trong những vần thơ Phạm Hổ, Trần Đăng Khoa, Võ Quảng, Trần Thanh Địch, Thy Ngọc chẳng hạn và thuộc nằm lòng cho đến giờ này. Có lẽ không phải do thời đó bị bắt buộc phải đọc thơ theo kiểu học thuộc lòng, mà do thời đó không gian không khí của thời đó trong veo, chúng tôi cũng như những tờ giấy trắng, những dòng đầu tiên bén rễ vào trong đầu mình ngoài những lời ru của mẹ của ba chính là những trang thơ từ lớp vỡ lòng. Có một điều tôi tin chắc rằng những nước được coi là cường quốc về văn chương chưa chắc đã vượt trội chúng ta về mảng thơ thiếu nhi. Nếu được chọn, tôi vẫn nghĩ là một tập thơ thiếu nhi Việt Nam có thể đặt bên cạnh bất cứ tập thơ thiếu nhi của một quốc gia nào trên thế giới này.”
Nhà thơ Cao Xuân Sơn cũng cho biết từ kinh nghiệm của ông: Những tác giả trở thành tác giả thơ thiếu nhi của Việt Nam không thể không ín ở nhà xuất bản Kim Đồng. Dù vì nhiều yếu tố khách quan và chủ quan tác động, trong đó đặc biệt là các loại hình giải trí, nhất là giải trí qua mạng lên ngôi, việc phát hành sách văn học Việt Nam trong những năm qua gặp nhiều khó khăn, trong đó thơ thiếu nhi càng khó khăn hơn nữa, nhưng chưa bao giờ mạch thơ thiếu nhi trong nhà xuất bản Kim Đồng bị lơi là.
Bộ tuyển thơ lớn của NXB trong nhiều năm gồm 150 tập Thơ với với tuổi thơ, do biên tập viên Tuyết Minh biên tập, ngoài việc đến với bạn đọc, thì cũng có những dấu ấn lịch sử: "Rất nhiều nhà thơ lớn của chúng ta khi không có mặt trong đó thì rất buồn. Mặc dù mỗi tác giả chỉ có 32 trang, anh Nguyễn Sáng làm bìa. Tôi không nghĩ đấy là thơ thiếu nhi mà rhơ với tuổi thơ. Đấy chính là phần bổ khuyết cho mảng sách giáo khoa chúng ta còn thiếu hụt và học sinh cấp 1,2,3 được bổ sung rất nhiều những cứ liệu có tính chuẩn mực về kiến thức về thi ca…" - Nhà thơ Cao Xuân Sơn cho biết.
Ông cho rằng, so với thế hệ đầu tiên, những người viết cho thiếu nhi cùng thế hệ với mình và sau đó thực sự không nhiều người chuyên tâm để thành danh với thơ thiếu nhi. Nhưng ở mỗi gương mặt, ít ra cũng có dăm ba bài thực sự hay và lạ, hoàn toàn có thể đưa vào sách giáo khoa và các tuyển tập thơ ca cho thiếu nhi: "Võ Quảng, Phạm Hổ, Đinh Hải, Trần Thanh Địch, Thy Ngọc... vẫn luôn luôn được in, được tái bản, đặc biệt Trần Đăng Khoa - gần như một thứ kinh thánh của thơ thiếu nhi, Và những Trần Mạnh Hảo. Nguyễn Hoàng Sơn, Vương Trọng, Nguyễn Đức Mậu, Hữu Thỉnh, Huy Cận... chẳng hạn những tập như Hai bàn tay em được tái bản lần này cũng như những tác giả, tác phẩm kinh điển về mảng thứ thiếu nhi mà những người cầm bút thế hệ sau như tôi buộc phải biết đến. Vàó là niềm tự hào của đội ngũ thơ thiếu nhi miền Bắc trước 1975. Sau 1975 đội ngũ thơ thiếu nhi vẫn rất đông đảo và người làm thơ thiếu nhi chưa bao giờ thiếu vắng cả. Và nhà xuất bản Kim Đồng luôn luôn là cái nôi, là bà đỡ mát tay cho những tác giả đó, kể cả những tác giả rất trẻ, rất mới và viết rất hiện đại sau này,"
Mảng đề tài và tác phẩm cho thiếu nhi của văn học Việt Nam còn non trẻ, nhưng trải qua nửa thế kỉ, văn học thiếu nhi Việt Nam trong đó có thi ca đã có được một phong trào và lực lượng với những tác giả, tác phẩm có tầm vóc xứng đáng.
Bởi nhu cầu sáng tác là tự thân, nên ngày nay, việc tiếp cận trẻ em trong đời sống hiện đại, các vấn đề phản ánh đã được mở rộng phong phú và đa dạng hơn, và vẫn có những người bước tiếp.
Nói như nhà thơ Cao Xuân Sơn: "Có thể nói rằng lịch sử văn học thiếu nhi Việt Nam có ảnh hưởng Pháp, ảnh hưởng Nga, ảnh hưởng một số tác giả của Italia, nhưng cho đến giờ này tôi vẫn không thấy ở một nước nào có một đội ngũ nhà thơ viết cho thiếu nhi nhiều tài năng, nhiều tâm huyết và đông đảo như Việt Nam. Tôi tự tin rằng nếu tập thơ được chọn lại và có thể dịch ra tiếng nước ngoài có thể sánh ngang với bất cứ một tập thơ thiếu nhi nào của các nước trên thế giới."