Sân khấu xã hội hóa TPHCM: Sân chơi của những người trẻ

Thùy Dung
Chia sẻ
(VOV5) - Sân khấu kịch phía Nam góp mặt 13 vở kịch đến từ 13 đoàn kịch xã hội hóa với sự đầu tư công phu về bối cảnh, diễn viên cũng như kịch bản đã mang đến một luồng gió mới mẻ cho liên hoan sân khấu kịch nói toàn quốc 2018.

Nghe âm thanh bài viết tại đây:

Vở kịch nói “Hiu hiu gió bấc” của Công ty trách nhiệm hữu hạn Dịch vụ Giải trí sân khấu Bufalo được lựa chọn là tác phẩm mở màn của sân khấu xã hội hóa trong Liên hoan sân khấu kịch năm nay.

Trong hơn 90 phút, vở diễn đã lấy được nhiều nước mắt cũng như tiếng cười của người xem bởi câu chuyện ấm áp, đầy tình người của người dân miền sông nước Nam Bộ.

“Hiu hiu gió bấc”, là tác phẩm của đạo diễn trẻ Minh Nhật, chuyển thể từ truyện ngắn cùng tên của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư. Không gian sân khấu được thiết kế thấm đẫm màu sắc Nam Bộ với rặng dừa nước, chiều cầu tre, ngôi nhà lá dựng ven sông, ánh sáng được chăm chút trong từng bối cảnh đã góp phần lột tả rõ nét những nỗi niềm riêng của từng nhân vật và làm tăng thêm mạch cảm xúc cho người xem.

Sân khấu xã hội hóa TPHCM: Sân chơi của những người trẻ - ảnh 1 Vở Hiu hiu gió bấc của Công ty TNHH Giải trí sân khấu Buffalo tham gia liên hoan

Chia sẻ sau buổi công diễn, diễn viên trẻ Huỳnh Tiến Khoa cho biết: “Đây là một vở diễn mà Khoa rất thích bởi từ tác giả, đạo diễn cho tới toàn bộ diễn viên trẻ nên nó có một sức trẻ. Chỉ có hai cây đa cây đề duy nhất đó là cô Đàm Loan và anh Hoài Linh, thì hai người đó là hai cái cột thật là chắc cho toàn bộ diễn viên trẻ được tung tăng. Thì đây là nơi mà những người trẻ được chính mình, được thể hiện”.

Có thể nói chưa có mùa Liên hoan sân khấu kịch nói toàn quốc nào mà có sự ra quân hùng hậu của đội ngũ trẻ đến từ những đơn vị xã hội hóa TPHCM như năm nay. Sức trẻ trong những vở kịch xã hội hóa đã thực sự làm lay động người xem với những chi tiết hấp dẫn, đề tài phong phú, nhiều màu sắc ở loại hình chính kịch cũng như hài kịch.

Diễn viên, các đạo diễn, nhà biên kịch có tuổi đời trẻ, nhưng đã biết tận dụng, phát huy tối đa sở trường để tạo nên một bức tranh sân khấu sôi động, đa chiều. Có thể kể đến các vở diễn như: “Đám cưới chùm” của Công ty trách nhiệm hữu hạn Nụ Cười mới với những tình huống dở khóc dở cười trong đời sống gia đình; “Yêu là thoát tội” của Nhà hát Thế giới trẻ là không gian thể nghiệm của sinh viên trường Đại học Sân khấu Điện ảnh TPHCM; Sân khấu Trịnh Kim Chi lần đầu tiên tham dự với vở chính kịch “Rặng trâm bầu” ca ngợi bà mẹ Việt Nam anh hùng Đoàn Thị Nghiệp; “Thiên thần nhỏ của tôi” của Công ty Cổ phần Công nghệ giải trí Hồng Hạc là một khúc nhạc đượm buồn nhưng đầy trong sáng của đôi bạn nhí Kha và Hồng Hoa…

Sân khấu xã hội hóa TPHCM: Sân chơi của những người trẻ - ảnh 2Vở "Đám cưới chùm" của Công ty TNHH Nụ Cười Mới 

Là một người yêu thích sân khấu kịch nói, chị Hưng Tố, một khán giả sống tại Quận 5, TPHCM cho biết đã dành thời gian đi xem hầu hết các tác phẩm dự thi trong đợt liên hoan và nhiều vở kịch xã hội hóa đã mang đến cảm xúc trọn vẹn đối với chị: “Qua những hội thi như thế này thì tôi muốn khán giả biết đến sân khấu kịch nhiều hơn. Vì thực sự khi mà mình tới tận sân khấu, xem diễn viên diễn trực tiếp trên sân khấu thì nó sẽ hay hơn rất nhiều. Âm thanh, ánh sáng nó cộng hưởng lại tạo sự thu hút cho người xem”

Nhìn một cách tổng thể, sân khấu TPHCM đến với liên hoan cũng chính là sự ra mắt của các đạo diễn trẻ và vở diễn đầu tay. Anh Vũ Văn Long, Giám đốc công ty Trách nhiệm hữu hạn Nụ cười mới cho biết: Liên hoan chính là sân chơi chuyên nghiệp nhưng đầy tính thử nghiệm dành cho những người trẻ.

Ở đó, người trẻ không chỉ được phô diễn tài năng của mình mà còn là cơ hội được giao lưu học hỏi với các tác giả có tên tuổi trong làng sân khấu kịch. “Ở sân khấu của tôi thì toàn những diễn viên trẻ và ngay cả đạo diễn cũng là đạo diễn trẻ. Tôi được biết ở liên hoan có giải thưởng dành cho đạo diễn trẻ nên tôi mong muốn qua đây vừa tạo cơ hội cho diễn viên vừa tạo cơ hội cho đạo diễn của mình để có thể học hỏi thêm một chút kinh nghiệm từ các bậc tiền bối của mình. Và mong là sẽ mang một làn gió mới đến với hội diễn kỳ này”

Đánh giá cao sự tham dự của đội ngũ sân khấu kịch xã hội hóa trong sự phát triển chung của sân khấu kịch nói TPHCM cũng như sân khấu kịch nói Việt Nam, NSND Lê Tiến Thọ, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam cho biết: “Trong một cuộc liên hoan, có một nửa đơn vị xã hội hóa đấy là một điều mà Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam rất mừng, đội ngũ trẻ và có nhiều cái mới để vươn tới công việc hướng tới khán giả trong thời kỳ bùng nổ thông tin, thời kỳ mà chúng ta gọi là cuộc cách mạng 4.0. Rất mừng là các đạo diễn trẻ, các tác giả trẻ ở sân khấu xã hội hóa đã phát huy được rất nhiều”.

Với sự đầu tư bài bản và nắm bắt được nhu cầu thị hiếu của công chúng, sân khấu kịch nói xã hội hóa ở TPHCM đang đi vào đời sống và tạo dấu ấn đặc sắc đối với những người yêu thích thể loại sân khấu này.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu