Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Sau live-show gây tiếng vang “Đêm nhạc Lam Phương – Cho em quên tuổi ngọc” vào cuối tháng 8, những người làm chương trình của Nhà hát Tuổi trẻ tiếp tục làm một một đêm nữa vào tối 29/9 vừa qua với tên gọi “Đêm nhạc Lam Phương 2 - Mùa thu yêu đương”. NSƯT Chí Trung, Giám đốc của Nhà hát Tuổi trẻ cho rằng xung quanh những tranh cãi Bolero là một “bước tiến hay lùi” của âm nhạc thì không thể phủ nhận đây là một dòng nhạc gần gũi với số đông công chúng Việt. Và bản chất của nghệ thuật luôn là tái tạo cuộc sống.
"Nhà hát tuổi trẻ phục vụ thanh niên, thiếu nhi thì không chỉ đơn giản chỉ là kịch nói được. Chúng ta muốn mạnh, tôi hiểu một điều là phải dùng ca và múa mở cửa. Đẩy mạnh ca và múa lên. Cụ thể trước mắt tôi làm hai chương trình Bolero. Nó không phải cái gì to tát cả, chỉ là bắt kịp với thị trường, và tôi hoàn toàn chưa nghĩ đến doanh thu lợi nhuận. Nhưng cái được nhất đối với đoàn ca múa nhạc là sự học hỏi, bởi vì các bạn ấy đã ngủ quên lâu lắm rồi. Tất cả phải cùng nhau biết khán giả cần gì, bài này ngày xưa bố mẹ mình thích, nhưng bây giờ thế hệ trẻ không thích nữa. Trong một khoảng thời gian rất ngắn, khi khán giả đến với sân khấu họ cần một diễn viên với đầy đủ kĩ năng” - NSƯT Chí Trung chia sẻ.
Sân khấu đêm nhạc Lam Phương 2 - Mùa thu yêu đương tại Nhà hát Tuổi trẻ |
Quả thực, ra đời cách đây gần 40 năm, Nhà hát tuổi trẻ đã từng đứng vững trong lòng khán giả bằng kịch và âm nhạc. Nhưng sự lớn mạnh và lên ngôi của kịch khiến mảng âm nhạc của nhà hát lụi dần. Cho tới nay, thậm chí nhiều người còn không nhớ rằng Nhà hát Tuổi trẻ đã từng ghi dấu với công chúng bằng âm nhạc. Đó cũng chính là những trăn trở của lãnh đạo Nhà hát Tuổi trẻ và cả những người tiền nhiệm. Chính vì lẽ đó, hiện nay, NSƯT Chí Trung thai nghén ý tưởng dựng lại những tác phẩm soạn giả Lưu Quang Vũ thành hình thức nhạc kịch, dưới bàn tay của các đạo diễn trẻ Nguyễn Phi Phi Anh và Nguyễn Khắc Duy.
Anh tâm sự: “Các thanh niên bây giờ vào rạp xem phim và đến với những cái cắt nghĩa nhanh về nghệ thuật. Họ không cần lối biền ngẫu cắt nghĩa. Nguyễn Phi Phi Anh và Nguyễn Khắc Duy của thành phố Hồ Chí Minh cắt nghĩa nghệ thuật theo sân khấu Broadway và tiệm cận thế giới. Họ cắt nghĩa A đến X, đến Z rồi lộn ngược lại B. Họ kích thích sự phát triển của thanh niên và tiệm cận lối tiết tấu nhanh đó. Họ có nhu cầu và dám thay đổi. Chúng tôi có thể dựng theo lối A,B,C,D,E như thế nhưng Nguyễn Phi Phi Anh lấy một tác phẩm của Lưu Quang Vũ, ví dụ Tin ở hoa hồng, một tác phẩm rất hay, để làm sao vẫn ra được thông điệp truyền tải, giữ được hồn của Lưu Quang Vũ nhưng tiệm cận được suy nghĩ của thanh niên”
Một tiết mục trong đêm nhạc Lam Phương 2 - Mùa thu yêu đương |
Nhưng anh cũng nhận định rằng còn quá sớm để nói về sự thành công. Ngoài chất lượng chương trình, yếu tố truyền thông cũng quyết đinh một phần quan trọng. Đây rõ ràng không phải là thế mạnh của một đơn vị làm nghệ thuật truyền thống. Thứ hai, trong bối cảnh hệ thống cơ sở vật chất hạ tầng của Nhà hát Tuổi trẻ đã đi vào hoạt động hàng chục năm, muốn thu hút được đối tượng thanh niên thực sự hào hứng, bỏ tiền mua vé chứ không phải đến xem vì được nhận “vé tặng”, cần có từng bước thay đổi."Nếu chúng tôi không thay đổi hạ tầng cơ sở thì thanh niên có lẽ cũng không đến đây với chúng tôi đâu. Chúng tôi cũng đang cân nhắc xem làm kiểu gì. Chưa chắc rằng làm theo lối sân khấu hình hộp hiện nay, 12m2 ngang, 16m2 sâu thanh niên đã thích đâu. Chúng tôi đang rất trăn trở.”- NSƯT Chí Trung nói.
NSƯT Chí Trung có sự ví von hài hước, Nhà hát Tuổi trẻ giống như một con tàu đẹp mắt vững chãi, nhưng lại đang nằm im trên… một cái ao. Hai bên bờ là công chúng, khi có điều kiện họ hoài niệm, đến xem một chút rồi ra về. Nhưng để có thể chuyển mình ra biển lớn, anh hiểu rằng, con tàu Nhà hát tuổi trẻ cần phải đồng hành với dòng chảy cuộc sống hiện đại. Anh vẫn thường nói với gần 200 nhân viên của mình như vậy.
“Giờ các bạn hãy cùng tôi đóng một con tàu nhỏ hơn nhưng mã lực lớn gấp 10 lần. Những ai dũng cảm cùng tôi xuống tàu, vượt qua những cửa lạch của lề thói riêng do chính chúng ta đặt ra, vượt ra biển lớn được. Lúc đó đường ngược xuôi tấp nập, hải trình lớn và trên đó có những con tàu khác, rất nhiều dòng chảy khác. Đó là điều tôi muốn nói với tất cả nhà hát." - NSƯT Chí Trung tâm sự.