NSND Lương Đức người tiên phong của dòng phim khoa học Việt Nam

Phương Thúy
Chia sẻ
(VOV5) - Trong dòng chảy điện ảnh nước nhà, Lương Đức được mệnh danh là người “nghệ thuật hóa dòng phim khoa học".

Ước mơ thời thanh niên của đạo diễn, NSND Lương Đức là thợ lái máy cày, nhưng cơ duyên lại đưa ông đến với điện ảnh. Suốt cuộc đời gắn bó với điện ảnh, NSND Lương Đức là tác giả của hơn 50 phim khoa học, 7 phim tài liệu và 4 tập phim truyện video “Bỉ vỏ”.

Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Sau thời gian học tập tại Đức, ông về nước làm công tác giảng dạy, đào tạo điện ảnh cho Vương quốc Lào. Sau đó, với mong muốn được hiện thực hóa ước mơ làm phim, Lương Đức đã về công tác tại Hãng phim Tài liệu Khoa học Trung ương. Với các tác phẩm “Cá mè đẻ nhân tạo”, “Chú ý thuốc trừ sâu”, “Bệnh đạo ôn hại lúa”…Ông đã tìm ra phương pháp mới cho những bộ phim khoa học vốn được coi là khô cứng, khuôn phép.
NSND Lương Đức người tiên phong của dòng phim khoa học Việt Nam  - ảnh 1Đạo diễn, NSND Lương Đức

Trong dòng chảy điện ảnh nước nhà, Lương Đức được mệnh danh là người “nghệ thuật hóa dòng phim khoa học”. Ông đặt ra 3 tiêu chí tạo sự hấp dẫn cho người xem: tận dụng yếu tố hài và bi; Tạo tình huống gây chú ý, hưng phấn cho người xem; Quan tâm tới thẩm mỹ tạo hình, mỗi khuôn hình là một chủ đề đập vào mắt người xem. 

Sau khi du học ở Đức về chuyên ngành quay phim, NSND Lương Đức đã chọn dòng phim khoa học để theo đuổi. Là người được đi nhiều nơi trên thế giới, được học hỏi cách làm phim của nước ngoài, ông nhận thấy dòng phim khoa học nước nhà lúc bấy giờ chưa được định hình cụ thể, cách làm còn lạc hậu, nội dung còn nghèo nàn. Mong muốn được giúp ích cho đời sống người dân thoát khỏi sự lạc hậu, khó khăn, vất vả trong đời sống, mở ra con đường tiếp cận tri thức, ông đã bắt tay vào làm những bộ phim khoa học đầu tiên trong vai trò vừa quay phim, vừa đạo diễn:

"Đến bây giờ chúng ta vẫn nhập nhằng giữa phim tài liệu và khoa học. Tài liệu là tài liệu mà khoa học là khoa học. Một bên nặng về công tác giáo dục, tuyên truyền về nhận thức, tư tưởng, còn một bên là truyền đạt kiến thức để mở mang trí tuệ. Muốn almf cho nó hay, cũng là kinh nghiệm các nước đã vận dụng thì phải làm thế nào phá cách làm cũ, đồng thời tìm ra, vận dụng các phương pháp và các thể loại khác nhau của phim khoa học: phim khoa học nghệ thuật, phim khoa học giáo khoa, phim khoa học thường thức, dạy học." - Ông nói.

Đạo diễn Lương Đức cũng chỉ ra rằng: đây là dòng phim dễ làm nhưng khó hay. Bởi lẽ, tất cả các vấn đề khoa học đã có các nhà khoa học hỗ trợ, chia sẻ, vấn đề còn lại là người làm phim vận dụng những kiến thức đã có, đồng thời làm sao cho hấp dẫn, lôi cuốn. Chính vì thế, ông đã dùng diễn xuất của diễn viên để dẫn dắt câu chuyện, sử dụng các thủ pháp hoạt hình trong các phim khoa học như “Chớ coi thường”, “Chú ý thuốc trừ sâu”.

Cũng bởi sự vận dụng một cách linh hoạt ngôn ngữ biểu hiện của các loại hình nghệ thuật mà các bộ phim của NSND Lương Đức luôn phóng khoáng, giàu chất thơ, đậm chất trữ tình nhưng vẫn đảm bảo tính khoa học. Quãng thời gian khó khăn ấy, ông vừa đảm nhận cả vai trò quay phim và đạo diễn bộ phim “Chú ý thuốc trừ sâu”, cảnh báo mặt trái của cái được mệnh danh là cứu cánh của cuộc “cách mạng xanh”.

Ông tâm niệm, nếu làm phim về cấy cày, trồng trọt như hàng ngày họ vẫn làm thì không có gì đặc biệt. Bởi vậy, phái tìm ra cái mới, những sáng kiến, cải tiến có ích cho họ và làm cho họ thích thú: "Để cho nó hấp dẫn thì phải đóng diễn. Để cho nó lôi cuốn thì phải làm kĩ xảo. Lúc bấy giờ chúng tôi dựa vào hợp tác xã ở Hưng Yên, nơi xuất phát của phong trào Lúa xuân. Tìm thì không có người đóng nên tôi đã vào vai anh nông dân bị ngộ độc thuốc. Bắt đầu từ 1 chuyện rất đơn giản, như thông thường của các đội khoa học kĩ thuật sau khi phun thuốc xong thì họ đùa nhau khoát nước, dùng vòi bơm xịt… nhưng không may bị ngộ độc."

NSND Vũ Lệ Mỹ, người bạn đồng nghiệp thân thiết của Đạo diễn Lương Đức khẳng định: Nếu như trước đây, nhiều người xem thường mặc định phim khoa học khô khan, nghèo nàn, Nhưng với các tác phẩm của mình, đạo diễn Lương Đức đã mở ra một cách nhìn nhận mới, cùng với đó là cách làm mới cho dòng phim này: "Ông là người say mê với dòng phim khoa học và cũng là một trong những người sáng lập ra dòng phim này. Đặc biệt ông là người quay phim khoa học rất chỉn chu. Càng về sau càng khẳng định NSND Lương Đức là người số 1 của ngành phim khoa học, cho đến bây giờ vẫn khẳng định ông là người sáng tạo. Nó hay ở chỗ vừa là khoa học, vừa là nghệ thuật."

Những thành công về thể loại phim khoa học của NSND Lương Đức khi ấy đã kích thích anh em nghệ sĩ lao vào sáng tác, mở rộng thể loại. Phim khoa học không chỉ là giáo khoa phóng sự khoa học nữa mà bắt đầu đi vào các đề tài khoa học tự nhiên và khoa học xã hội phong phú hơn.

Đạo diễn Lê Hồng Chương nhớ lại: "NSND Lương Đức là người tiên phong trong dòng phim khoa học. Ông có rất nhiều sáng tạo trong giai đoạn đầu để mở ra ngành làm phim mới. Điều kích thích chúng tôi nhiều nhất đó là sự hết mình về nghề của ông. Khi đã làm việc gì ông cũng hết mình, hết sức."

Năm nay Đạo diễn, NSND Lương Đức đã ngoại bát tuần. Thế nhưng, ông vẫn hóm hỉnh và kể cho chúng tôi nghe về chuyến đi hàng nghìn cây số để thực hiện sê ri phim tài liệu mới về tín ngưỡng, tôn giáo. Với ông, được đi và được làm phim là niềm hạnh phúc, bởi có như vậy ông mới thấy mình sống ý nghĩa: "Nó là niềm vui, là đam mê, bởi không có gì buồn bằng khi người ta về hưu mà cảm thấy vô dụng. Cho nên một mặt tạo ra động lực cho mình, duy trì được khát vọng khẳng định mình. Những yếu tố ấy đã làm cho tôi cảm thấy không sợ gian khổ."

Suốt cuộc đời gắn bó với điện ảnh, NSND Lương Đức là tác giả của hơn 50 phim khoa học, 7 phim tài liệu và 4 tập phim truyện video “Bỉ vỏ”. Năm 1997, ông được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sỹ Nhân dân. Nghệ sỹ Lương Đức đã giành nhiều giải thưởng điện ảnh như 3 giải Bông sen vàng, 3 giải Quay phim xuất sắc nhất, 6 giải Bông sen Bạc. Đặc biệt, bộ phim “Đất Hạ Long” và “Đất Tổ ngàn xưa” ngoài đoạt giải đặc biệt tại Liên hoan phim quốc tế Maxcova còn được khán giả Đức đón nhận nồng nhiệt khi bộ phim được giới thiệu khắp các bang của nước Đức để giới thiệu văn hóa Việt Nam. 

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu