Nghe âm thanh bài viết tại đây qua giọng đọc Phượng Minh:
Cách đây mấy năm, tại triển lãm điêu khắc cá nhân, nhà điêu khắc Hoàng Uyên đã chia sẻ với mọi người: “Trong số các giải thưởng về điêu khắc, hai danh hiệu cao quý Vì sự nghiệp Mỹ thuật Việt Nam và Vì sự nghiệp phát triển và bảo tồn văn hóa dân tộc các dân tộc Việt Nam đã động viên, thôi thúc tôi mạnh mẽ nhất để làm việc và cống hiến hăng hái hơn”.
Đó không chỉ là tâm sự của một người làm nghề mà còn như một tuyên ngôn nghệ thuật theo ông suốt chặng đường dài sáng tác. Để rồi những tác phẩm "Hũ gạo bà bủ", "Cô gái làng vòng", "Của ăn của để"... cho đến tượng đài “Người nông dân dưới cờ khởi nghĩa”, rồi những bức tượng chân dung lãnh tụ như Hồ Chí Minh, Lê Hồng Phong, Tôn Đức Thắng, các danh nhân, nhà khoa học được trưng bày tại nhiều bảo tàng trong nước... đã cho thấy một Hoàng Uyên đậm chất dân gian nhưng vẫn ẩn hiện tinh thần hiện đại.
Hai vợ chồng nhà điêu khắc Hoàng Uyên. - Ảnh Phương Thúy |
Căn nhà nhỏ của hai vợ chồng nhà điêu khắc Hoàng Uyên nằm giản dị trong con phố Nguyễn Chế Nghĩa. Ấn tượng của tôi khi đến thăm ông bà là vườn lan với hàng chục loại lan quý. Không gian tuy bé nhưng ông bà nhường hết cho hoa, cho những tác phẩm điêu khắc và tranh thúc đồng. Ngày ngày, bà chăm lan, chăm ông, còn ông mỗi khi sức khỏe cho phép lại cặm cụi với đất, với đồng.
Bà Nguyễn Thị Ngọc, vợ nhà điêu khắc Hoàng Uyên bảo: "Ông ấy làm việc cứ mải mê, quên cả ăn, làm không có giờ giấc, đã bắt tay vào làm thì không chú ý cái gì cả. Năm ngoái ông ấy phải đi bệnh viện đấy.
Những tác phẩm nổi bật của nhà điêu khắc Hoàng Uyên phải kể đến là hệ thống tượng đất nung và các phù điêu gò đồng. Các tác phẩm ấy thể hiện nét tinh thế trong sinh hoạt đời thường của người dân đất Việt. Nào là "Chuốt gốm", "Lên chùa", "Suối tóc mộng mơ", nào là những cô, những bà với dáng dấp tròn đầy, căng tràn sức sống, những trò chơi dân gian đã phần nào mai một trong đời sống hiện đại thể hiện trên tranh thúc đồng như: "Nu na nu nống","Mèo đuổi chuột", "Chồng nụ chồng hoa", "Chơi chuyền"...
Tác phẩm của nhà điêu khắc Hoàng Uyên |
Nhà điêu khắc Hoàng Uyên tâm sự: những sáng tác của ông lúc nào cũng hướng đến văn hóa dân tộc. Điều đó như một lẽ tự nhiên, như những kí ức của tuổi thơ hiện về: "Những hình ảnh thời tuổi trẻ thường hiện về và đồng thời giúp mình trong việc sáng tác. Chẳng hạn ở tuổi 80 nhưng nói đến chi chi chành chành hay nói đến chơi chuyền, nu na nu nống... Tự nhiên tuổi trẻ của mình quay lại và đưa lại những hình ảnh quá khứ. Hình ảnh tự nhiên mà nên. Những điều đó ngấm từ thời niên thiếu."
Nhà điêu khắc Hoàng Uyên sinh năm 1936. Ông là một trong số ít họa sĩ người dân tộc tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Việt Nam khoa Điêu khắc năm 1971. Là người dân tộc Tày, cũng là một chiến sĩ tình nguyện của quân đội nhân dân Việt Nam từ những năm 50, những yếu tố này đã hòa quyện và tạo nên con người của ông: kín đáo, chỉn chu và cẩn trọng. Có lẽ đó là một phần lý do ông đến với đề tài chân dung lãnh tụ như Hồ Chí Minh, Lê Hồng Phong, Tôn Đức Thắng...
Ông cũng là tác giả tượng đài “Người nông dân Hiệp Hòa dưới lá cờ khởi nghĩa năm 1945” đặt tại Bắc Giang. Những chi tiết mà ông chọn để dựng nên tượng đài như trang phục người nông dân, mã tấu hay lá cờ khởi nghĩa đều xuất phát từ tư liệu thực tế, gần gũi với người dân địa phương.
"Tôi làm tượng đài này lâu rồi. Ở địa phương lúc đó bố trí cho tôi đi thực tế ở làng Vân, là bông lau bãi sậy, cơ sở của Đề Thám ngày xưa đấy. Thế thì mình là người sáng tác, tạo nên tác phẩm thì mình phải lấy tư liệu từ các cụ như cắm cờ ở cây đa, nông dân nổi dậy, cầm mã tấu dưới lá cờ khởi nghĩa. Có phải sâu xa hay cái gì ghê gớm đâu." - Ông tâm sự
Tác phẩm của nhà điêu khắc Hoàng Uyên - Ảnh: Phương Thúy |
Nhìn những tác phẩm của nhà điêu khắc Hoàng Uyên, người ta thấy được sự bình dị, tinh tế và căng tràn sức sống.
Vì thế, những đất nung, đồng, sành hay gỗ với ông có thể khá hao sức nhưng làm đến đâu được đến đấy. Màu vàng đồng hay màu nâu đất đều mang đến sự bình dị, ấm cúng như chính con người tạo ra nó.
Nhà nghiên cứu mỹ thuật Nguyễn Hải Yến cho biết bà biết đến nhà điêu khắc Hoàng Uyên từ cuộc triển lãm điêu khắc toàn quốc lần thứ nhất vào năm 1973.
Ông cũng là một tên tuổi của điêu khắc thời kì đầu, cùng với những nhà điêu khắc như Diệp Minh Châu, Phạm Gia Giang, Lê Thược: "Ngôn ngữ điêu khắc cổ điển bảo toàn được đường lượn trên điêu khắc. Đường lượn ấy làm cho bức tượng mềm và chất hiện thực rõ ràng, tượng chân dung ra tượng chân dung, tượng sinh hoạt ra tượng sinh hoạt. Những khối của điêu khắc cổ điển trong đó có nhà điêu khắc Hoàng Uyên cũng như một số nhà điêu khắc khác ở thời kì đầu, những năm 50, 60 là thời kì nở rộ của điêu khắc."
Ngoài 80 tuổi, không vướng bận đến những lo toan đời thường, nhà điêu khắc Hoàng Uyên vẫn lấy công việc làm vui.
Khi tôi đến thăm, ông vẫn đang dở dang với một bức tượng gốm cô cháu ngoại đánh đàn. Ông bảo: các con gái của ông không cho bán tác phẩm. Tất cả, sẽ được các con gìn giữ và trưng bày trong không gian sống của họ.
Có lẽ, không nhiều người được ung dung tự tại như thế. Đó hẳn là một điều may mắn nhưng cũng xứng đáng cho một nhân cách như ông