Một thế kỷ 20 đã qua, các cuộc chiến tranh giải phóng và bảo vệ tổ quốc của dân tộc đã sản sinh ra đội ngũ hùng hậu những nhà văn mặc áo lính – những người cầm bút trong quân đội, những người viết đi từ lửa đạn chiến trường. Và thế hệ gần hơn cả, là những người viết trưởng thành từ hai cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam và phía Bắc.
Đã mang cái nghiệp cầm bút nhà văn nào cũng phải có trách nhiệm với xã hội, đất nước và nhân dân, song với các nhà văn từng mặc áo lính thì trách nhiệm ấy càng lớn hơn. Vinh quang, mất mát, đớn đau họ đều nếm trải. Họ từng vào sinh ra tử, cùng nằm gai nếm mật, chia ngọt sẻ bùi với đồng đội nên cho dẫu chiến tranh lùi xa 10 năm, 20 năm, 30 năm, 40 năm hay lâu hơn nữa họ không quên những người đồng đội, canh cánh trong lòng bao nỗi nhớ thương. Với họ, viết để tri ân đồng đội và để thế trẻ không quên quá khứ dân tộc.
Nhà thơ Đặng Vương Hưng là một trong những người như vậy: "Những anh em văn nghệ sĩ phải có trách nhiệm sáng tác. Nó như một món nợ với đồng đội, với những anh em đã hy sinh xương máu, hy sinh tuổi thanh xuân của mình mà văn chương thì chưa phản ánh hết, chưa xứng tầm với sự hy sinh của những đồng đội. Chúng ta nhắc lại không phải vì thù hằn hay kích động chiến tranh mà trả lại lịch sử, để cho các thế hệ bạn đọc biết có một cuộc chiến tranh như vậy; biết thế hệ cha anh đã ngã xuống." - Nhà thơ Đặng Vương Hưng tâm sự.
Cũng trạc tuổi nhau, cùng nhập ngũ khi mới 18 đôi mươi, ngay trong những ngày đầu hành quân lên biên giới, với vốn hiểu biết văn chương cả nhà thơ Đặng Vương Hưng và nhà văn Nguyễn Trọng Văn đã đọc thơ và kể chuyện cho các đồng đội nghe. Thế rồi ngày đóng quân trên chốt, hễ có thời gian là các ông tranh thủ sáng tác. Theo nhà văn Nguyễn Trọng Văn, thơ văn là chỗ dựa tinh thần giúp ông và đồng đội yêu đời lạc quan, vượt qua những khó khăn, gian khổ để chiến thắng kẻ thù và hoàn thành nhiệm vụ: "Mới đầu lên chốt tôi làm những vần thơ về nỗi nhớ quê hương, nhớ mẹ, nhớ một bóng hình ai đó. Sau này tôi viết về những đồng đội của tôi…"
Còn với Đại tá Ngô Văn Học, nguyên Tổng biên tập báo Quân khu 1, người từng có thời gian làm công tác tuyên huấn, và mới đây là chủ biên cuốn sách Những người đi giữ biên cương hơn ai hết hiểu rõ sức mạnh của văn chương, của những cuốn sách viết về đề tài chiến tranh cách mạng: "Mỗi một cuốn sách mang không khí của thời khắc cách đây 40 năm như nhắc nhớ thế hệ trẻ…Điều đó thôi thúc chúng tôi viết…"- Ông nói.
Chính những năm tháng trên biên giới đã giúp các nhà văn nhà thơ tích lũy vốn sống, để bây giờ cho dù viết nhiều đề tài nhưng các ông vẫn coi viết về chiến tranh, chủ quyền biên giới-hải đảo là đề tài chính trong các sáng tác của mình: "Chính những trải nghiệm đó đã giúp tôi tiếp tục có những trang viết viết về chiến tranh, dẫu là chiến tranh bảo vệ biên giới hay chiến tranh chống Pháp…" - Nhà văn Nguyễn Trọng Văn nói.
Viết về biên cương của tổ quốc, rộng ra cũng là tiếp nối những áng thơ văn yêu nước. Nói như nhà văn Trịnh Đình Khôi thì “Những áng văn thơ của thế kỷ qua là sự tiếp nối những áng văn chương của những tướng soái thời ông cha “Nam quốc sơn hà” của Lý Thường Kiệt, “Hịch tướng dĩ văn” của Trần Hưng Đạo, “Bình ngô đại cáo” của Nguyễn Trãi và hàng ngàn bài thơ, áng văn của những nhà thơ mặc áo lính, của những tướng lĩnh sĩ quan làm thơ và đánh giặc từ thủa khai quốc đến nay, là tâm hồn tình cảm ý chí của cả một dân tộc. Ở đó có sử thi, có tráng ca và cả những bi kịch cá nhân và dân tộc. Nghĩa là toàn bộ số phận lịch sử, số phận nhân dân thông qua cá nhân văn học. Nhiều trang viết tài hoa và có cả tài năng. Các cây bút đã văn chương hóa, nghệ thuật hóa lịch sử chiến đấu của dân tộc. Chưa có được những sử thi đồ sộ nhiều trang nhiều chữ chứa đựng đầy đủ sự kỳ vĩ của những chiến công và sức sống trường tồn của một dân tộc, nhưng sự nghiệp của những người lính cầm bút ấy là những chương hồi của một bộ biên niên sử.
Những tác phẩm ấy có giá trị thời đại và còn là chỗ tì vịn của mai sau.”