Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Ở hội nghị quốc tế quảng bá văn học Việt Nam lần thứ 4 này, nhiều hoạt động đa dạng hơn so với những lần hội nghị trước, đã góp phần đem đến hình ảnh đầy đủ hơn về văn học Việt Nam.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Phó chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam chia sẻ: “Trước đây, chúng ta có những bản tham luận nói về lịch sử thi ca Việt Nam trong từng giai đoạn nhưng lần này chúng ta có tuyển chọn 200 bài thơ xuất sắc của nhiều thế hệ để các nhà thơ kiêm xuất bản nhà nghiên cứu, các nhà văn về dự có thể khái quát phần nào đó chân dung thi ca Việt Nam, và mỗi tác giả trong đó có những thông tin cụ thể. Để mỗi nhà thơ, nhà văn khi đọc, yêu thích và muốn giới thiệu họ có thể liên hệ trực tiếp với nhà thơ đó”.
Quang cảnh hội nghị |
Hội nghị này là cơ hội để văn học Việt Nam được bạn bè quốc tế biết đến nhiều hơn. Nhiều chuyên gia, nhà xuất bản tìm kiếm những tác phẩm văn học chất lượng đến với đất nước mình. Jaime B Rosa, chuyên gia ngành xuất bản người Tây Ban Nha, đang làm việc tại Pháp là một ví dụ. Ông cho biết: “Tôi đã bắt đầu bằng đọc thơ Hồ Chí Minh, và đó đã từng là điều duy nhất tôi biết về Việt Nam. Festival này là một cơ hội rất tốt để bắt đầu đọc và tìm hiểu về thơ ca Việt Nam nói riêng và văn học Việt Nam nói chung. Và bạn biết đó, tôi đã xuất bản khá nhiều tuyển tập thơ ca nước ngoài sang tiếng Tây Ban Nha. Và dịp này, tôi muốn tạo nên những viên gạch đầu tiên để tạo nên một tuyển tập thơ Việt Nam bằng tiếng Tây Ban Nha. Tôi vinh dự là người đầu tiên làm việc này tại Tây Ban Nha”.
Một số đại biểu đến từ các nước trên thế giới |
Nhắc đến giao lưu văn học quốc tế, không thể không kể đến những đóng góp của Viện William Joiner của Đại học Massachusetts, Hoa Kỳ. Đây thực sự là một điểm sáng trong hoạt động quảng bá văn học Việt Nam trên trường quốc tế. Viện William Joiner vốn chuyên nghiên cứu về chiến tranh và những hậu quả xã hội. Từ những năm 1980, Viện William Joiner và Hội nhà văn Việt Nam đã có những quan hệ dài hạn góp phần hợp tác và quảng bá sự hiểu biết của hai đất nước về nhau, góp phần hàn gắn vết thương mà chiến tranh đem lại. Viện đã cùng Hội nhà văn thực hiện nhiều dự án dịch thuật văn học, giúp nhân dân và bạn đọc hai nước vượt qua khoảng cách để đến với nhau bằng văn học.
Một số tiết mục văn nghê mở màn chương trình |
Ông Thomas Kane, giám đốc Viện William Joiner là một nhà khoa học xã hội. Ông chia sẻ tuy mình không phải là một nhà văn hay nhà thơ nhưng ông đã có kinh nghiệm và hiểu biết được sức mạnh về giá trị liên kết của thơ ca. Ông nói: “Chúng tôi rất muốn làm nhiều điều với Việt Nam, ví dụ như dịch những tác phẩm cổ điển của tác giả Nguyễn Du và nhiều tác giả khác… Bởi vì Hoa Kỳ là một đất nước rộng lớn với hơn 300 triệu dân, và chúng tôi muốn thể hiện những tình cảm tốt đẹp chúng tôi muốn dành cho đất nước Việt Nam. Chúng tôi rất thân thiết với nhà thơ Hữu Thỉnh và nhiều nhà thơ khác cũng như có tình bạn bền chặt giữa những nhà thơ cựu binh Mỹ và những bạn đồng nghiệp tại Việt Nam. Và chúng tôi mong muốn rằng, mối quan hệ này sẽ ngày càng thêm sâu sắc”.
Một trong những vấn đề khó khăn cố hữu trong giao lưu văn học luôn là bức tường ngôn ngữ. Tại Hội nghị, nhiều đại biểu nêu ra một vài vấn đề và giải pháp trong vấn đề dịch thuật văn học. Ông Jose Muchnik, nhà thơ người Argentina chia sẻ: “Tôi nghĩ việc dịch thuật rất quan trọng. Thật tốt nếu như các bạn có thể dịch trực tiếp văn thơ từ tiếng Việt sang những ngôn ngữ khác như Pháp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha… mà không phải qua ngôn ngữ trung gian là tiếng Anh, vì bạn biết đấy dịch thơ rất khó và có thể trong quá trình dịch giữa các ngôn ngữ có thể gặp lỗi vì những khác biệt trong văn hoá.”
Tuy nhiên, trước khi có thể thành lập những cơ quan như “Viện biên dịch văn học Việt Nam” - theo ý tưởng của giáo sư tiến sĩ Kyong Hwan Ahn, Đại học Chosun Hàn Quốc để có thể thực hiện phương án lý tưởng là dịch trực tiếp thì Việt Nam cần có sự quan tâm, nguồn lực và đầu tư của Nhà nước, sự huy động trí tuệ tài năng của những chuyên gia. Đây thực sự sẽ là một chiến lược văn hoá lâu dài.