Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Ngày Hội sách châu Âu 2019 nhằm tôn vinh, chia sẻ tinh hoa văn hóa của các nước châu Âu đến bạn đọc Việt Nam; đã khai mạc cuối tuần qua tạ Hà Nội, và diễn ra tại cả TPHCM và Đà Nẵng. Sự kiện văn hóa này trở thành điểm hẹn dành cho những người yêu sách ở mọi lứa tuổi với chuỗi hoạt động vô cùng phong phú, đa dạng, gồm giới thiệu sách, triển lãm, đọc truyện, thảo luận văn học, chiếu phim, các hoạt động tương tác và đặc biệt tuần lễ tôn vinh và giảm giá sách châu Âu.
Ngày hội sách có sự tham gia của 10 quốc gia châu Âu, đều là những nước có nền văn học mạnh và lâu đời, gồm: Anh, Đức, Hungary, Pháp, Séc, Tây Ban Nha, Thụy Điển, Thụy Sỹ, Ý, và Wallonie – Bruxelles (Bỉ). Những năm vừa qua, khi văn học dịch “lên ngôi” tại Việt Nam, thì không chỉ dòng văn học tiếng Anh, hay văn học tiếng Trung, mà rất nhiều các tác phẩm văn học đình đám của các nước Châu Âu đã được giới thiệu tại Việt Nam, từ tác phẩm cổ điển đến đương đại.
Ngày Hội sách Châu Âu tại Đường sách TPHCM - Ảnh: Báo Sài gòn giải phóng |
Những tác phẩm này, đa số, được các dịch giả chọn lựa dịch thuật một cách có chủ đích, như dịch giả Lê Quang chia sẻ: “Chúng ta không chỉ đọc một cốt truyện, không chỉ đọc một lời văn, mà chúng ta đọc được một văn hóa mới. Khi đã chọn sách dịch ở đây, (riêng tôi đã dịch khoảng 40 đầu sách), thì mình phải “sướng” tác giả ấy đã. Vì công tác dịch thuật rất vất vả, không đem lại gì nhiều ngoài niềm vui. Nhưng nhìn một cách khác thì niềm vui cũng là rất lớn đúng không? Đấy là số phận, hay nghiệp của những người làm dịch vậy thôi, nên để bù lại phải có một niềm vui rất lớn. Tôi có một cái may mắn, là tôi đọc khá nhiều và đi hội chợ sách khá nhiều, và tôi tự chọn những tác giả mà tôi sẽ dịch”.
Những địa điểm diễn ra sự kiện tại Hà Nội năm nay bao gồm Viện Goethe, Trung tâm Văn hóa Pháp L’Epace, Trung tâm Văn hóa Ý Casa Italia, Đại học Hà Nội, quán cà phê Tổ Chim Xanh. Tại TP. Hồ Chí Minh, các địa điểm tương tác tổ chức gồm Đường sách Hồ Chí Minh, Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Hội đồng Anh, Viện trao đổi Văn hóa với Pháp và Salon Văn hóa Cà phê thứ Bảy. Tại TP. Đà Nẵng, sự kiện sẽ được tổ chức tại Viện Pháp Đà Nẵng và Thư viện Khoa học Tổng hợp Đà Nẵng.
Những tác phẩm văn học Đức. |
Chuỗi sự kiện Văn học Đức tại Ngày hội sách Châu Âu 2019 được tổ chức tại Viện Goethe, Hà Nội, đã không chỉ giới thiệu những sách văn học mà cả những công trình quan trọng về triết học, về lý thuyết kiến trúc. Năm 2019 này đồng thời cũng kỷ niệm 270 năm ngày sinh văn hào Goethe và 100 năm thành lập trường phái kiến trúc Bauhaus của Đức - vốn là một trong những dòng có ảnh hưởng nhất trong ngành thiết kế hiện đại, ngành kiến trúc hiện đại và ngành đào tạo về nghệ thuật, thiết kế và kiến trúc. Goethe trong năm 1810 đã công bố Thuyết Màu sắc, về bản chất, chức năng và tâm lý của màu sắc Phát hiện vật lý của Goethe đã bị bác bỏ về mặt khoa học nhưng lý thuyết màu sắc của ông vẫn tiếp tục tồn tại và nhận được sự công nhận quốc tế thông qua BAUHAUS.
Trong buổi giới thiệu sách và thảo luận chuyên đề về "Thuyết màu" của đại thi hào Goethe, dịch giả Ngụy Hữu Tâm nhận xét: “Người Đức từ 1810 đã có Goethe viết quyển Thuyết màu. Rất nhiều người hiểu Goethe là một triết gia, hoặc một nhà văn…ông có nhiều tác phẩm lắm. Nhưng với trải nghiệm cá nhân tôi thì Goethe có hai cuốn sách cực hay là Faust và Thuyết màu. Goethe bao trùm văn hóa Đức cũng như Lomonoxov bao trùm văn hóa Nga, tôi nghĩ Goethe về mặt triết học bao trùm nền văn hóa dân tộc Đức vì ông vừa đại diện cho cả văn học hay KHXH nói chung, và cả mặt tự nhiên. Ở Việt Nam rất tiếc về mặt tự nhiên của ông rất ít người biết tới.”
Hay nói như dịch giả, kiến trúc sư Nguyễn Quang Minh thì: “Kiến trúc trong thế kỷ 20 và huyết mạch trong thế kỷ 21 sẽ là một đại công trường có rất nhiều ý tưởng hay, ý đồ tạo hình thú vị, và đó là sân chơi đầy hấp dẫn để kiến trúc sư sử dụng màu sắc. Và chừng nào màu sắc còn được kiến trúc sư sử dụng như một công cụ tạo hình hữu hiệu, thì chừng đó Lý Thuyết Màu của Goethe vẫn còn chỗ đứng trong cuộc sống.”
Không chỉ là những gương mặt tác giả cổ điển, nổi tiếng, hàng loạt đầu sách mới của các NXB quen thuộc trong nước với nhiều dòng sách đáp ứng nhu cầu phong phú của độc giả được giới thiệu trong dịp này. Nhưng đặc biệt, các tác phẩm được giới thiệu, trưng bày tại các buổi hội thảo, triển lãm và Đường sách hấp dẫn người yêu sách khi có sự xuất hiện của các dịch giả, tác giả, các nhà nghiên cứu để giải đáp thắc mắc của bạn đọc; cũng như các hoạt động tương tác.
Những sự kiện thú vị như chuỗi sự kiện chào đón sự trở lại của huyền thoại truyện tranh Astérix: do NXB Kim Đồng phối hợp với Đại sứ quán Pháp, Viện Pháp tại Việt Nam tổ chức, trong đó có triển lãm tranh Astérix trở lại, Ngày hội Astérix – huyền thoại truyện tranh trở lại, chương trình tạp kĩ tổng hợp giới thiệu bộ truyện Astérix và các hoạt động diễn kịch, cosplay, trò chơi tương tác… dành cho bạn đọc. Hoặc kịch diễn đọc “Woyzeck” trích đoạn kịch nổi tiếng thế giới của nhà thơ Đức Georg Büchner, do dịch giả Thái Kim Lan, người Việt ở Đức chuyển ngữ được các nghệ sĩ Nhà hát tuổi trẻ biểu diễn lần đầu tiên….
Xem các tác phẩm được trao giải cuộc thi Sáng tác các nhân vật Châu Âu - Ảnh: Tuần báo Văn nghệ TPHCM |
Cũng phải kể đến việc trao giải cuộc thi “Sáng tác các nhân vật châu Âu” bằng hình thức vẽ và tạo lời cho các nhân vật châu Âu như Don Quixote, Harry Potter, Tí (Xì Trum), Heidi, Nhóc Nicolas, Chú mèo đi hia, Medardo…cũng thành công lớn khi ban tổ chức nhận được khoảng 1.500 bài thi và chọn lọc được 108 bài thi. Các bài thi xuất sắc nhất này được trao giải thưởng và trưng bày tại Trung tâm Văn hóa Pháp và Viện Goethe (Hà Nội) đến hết 30/6 tùy thuộc vào địa điểm triển lãm. Những cánh cửa mở đối với văn hóa Châu Âu, đã có tiếng vang trong lòng bạn đọc rất nhiều lứa tuổi.