Nghe âm thanh bài viết tại đây qua giọng đọc PTV Sơn Tùng:
Một cuộc thi được đầu tư
Liên hoan sân khấu về hình tượng người chiến sỹ CAND là một sự kiện sân khấu được tổ chức theo định kỳ 5 năm một lần tại Hà Nội với sự chủ trì của Bộ Công an phối hợp cùng Hội nghệ sỹ sân khấu Việt Nam, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch. Có 27 Đoàn nghệ thuật và đơn vị sân khấu chuyên nghiệp tham gia gồm 33 vở diễn dự thi.
Cảnh trong vở diễn Vẫn sống của Nhà hát công an nhân dân - Ảnh: Báo Hà Nội mới. |
Để chuẩn bị cho sự kiện này, trước đó Bộ Công an cũng đã mở trại sáng tác kịch bản về đề tài: Vì an ninh tổ quốc và bình yên cuộc sống thu hút nhiều cây viết chuyên nghiệp tham gia. Bên cạnh đó tổ chức các chuyến đi thực tế để các tác giả có thêm tư liệu phục vụ cho việc sáng tác. Đến với kỳ liên hoan để dự thi các đơn vị đều nhận được kinh phí hỗ trợ cho việc dàn dựng tác phẩm và nghệ sỹ ăn nghỉ, di chuyển…
Ban giám khảo - những người cầm cân nảy mực trong cuộc liên hoan lần này đều là các tác giả, đạo diễn, người làm nghiên cứu, chuyên môn uy tín. Các hạng mục giải thưởng bao gồm: Giải thưởng dành cho vở diễn, giải thưởng dành cho các thành phần khác như đạo diễn, tác giả, thiết kế mỹ thuật, âm nhạc và các huy chương dành cho diễn viên. Kết thúc phần trình thi của các đơn vị sẽ có một cuộc tọa đàm xoay quanh chủ đề: “Hình tượng người chiến sỹ Công an nhân dân” để các tác giả, đạo diễn cùng nghệ sỹ người làm nghiên cứu có thể cùng nhau nhìn lại, trao đổi về những sáng tạo đạt được nắm bắt những yêu cầu thách thức mới đặt ra.
Sự tỏa sáng của những gương mặt trẻ
Với liên hoan sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc về hình tượng người chiến sỹ Công an nhân dân lần này điều đáng mừng nhất chính là sự tham gia ngày càng đông đảo của lực lượng trẻ, ở hầu hết các khâu như kịch bản, đạo diễn và diễn viên.
Nhà hát kịch Quân đội tham gia hai vở diễn đều do các cây viết trẻ làm việc tại đơn vị là tác giả Hồng Vân và Thu Phong thực hiện; Tác giả Lê Thanh Tăng lần đầu tham gia với kịch bản Búp bê không biết khóc của Hero Film dự thi; Nguyên Phương cũng là một cái tên mới khi là người chuyển thể cải lương cho tác phẩm Đóa Sen Việt của Nhà hát Thế giới trẻ.
Sự xuất hiện của các bạn trẻ trong ê - kip diễn viên trong các vở tham gia dự thi cũng mang đến những sắc màu thật tươi mới cho cuộc thi. Khi xem những vở như Yêu của Nhà hát kịch VN, vở chèo Vụ án am bụt mọc của đoàn chèo Thanh Hóa, Lằn ranh của Nhà hát kịch TP HCM hay vở Chuyện của Dung của đoàn cải lương Long An có thể thấy sự hứa hẹn về một lứa nghệ sỹ tài năng mới cho sân khấu.
Cảnh trong vở “Bộ cảnh phục” của Nhà hát Tuổi trẻ Việt Nam – 1 trong số 33 vở diễn dự Liên hoan. - Ảnh: Báo Công an nhân dân. |
Các đạo diễn trẻ trong liên hoan lần này cũng đã thể hiện được những màu sắc riêng của thể tài mà họ đang theo đuổi. Đạo diễn Hồ Ngọc Trinh đã khéo léo truyền tải thông điệp về tính nhân văn thông qua khắc họa sự tận tụy, bao dung của người cán bộ quản giáo với những câu chuyện đời éo le của các nữ phạm nhân. Tính chất tự sự của cải lương đã được cô sử dụng hiệu quả khi phát triển tuyến truyện qua sự dồn nén cảm xúc của các nhân vật. Từng câu chuyện nhỏ được mở ra là mỗi lúc hình ảnh của người cán bộ quản giáo lại càng được tô đậm.
Đạo diễn Bùi Như Lai tỏ ra khá chắc tay với vở kịch Vụ án am bụt mọc của Trung tâm sân khấu và phát triển Hà Nội. Khai thác cốt truyện về vụ án nhưng đã tiết chế được căng thẳng làm nổi bật được chủ đề ca ngợi người chiến sỹ Công an hơn là sa đà vào chuyện phá án. Đặc biệt những mảng miếng sân khấu được anh sử dụng khá ăn nhập với mạch truyện nên lại tạo thêm được một sự hấp dẫn khác cho vở diễn. Đạo diễn Hoàng Quỳnh Mai khá dụng công khi sáng tạo ra những hình ảnh giàu tính biểu tượng trong vở Bão ngầm của Nhà hát cải lương Việt Nam…
Góc nhìn mới
Hình tượng đẹp và những chiến công của người chiến sỹ Công an không còn là điều gì quá mới mẻ với sân khấu biểu diễn. Thế nhưng để có thể tạo ra được một điểm nhìn mới, một cách tiếp cận mới cho đề tài vẫn luôn là niềm ao ước của những người trong nghề. Và trong Liên hoan sân khấu về hình tượng người chiến sỹ Công an nhân dân lần này đã thấy được những lăng kính mới.
Để ca ngợi sự kiên trung, dũng cảm của những chiến sỹ đánh án không chỉ là việc miêu tả bộ mặt gớm ghiếc của tội phạm, sự tha hóa đến cực điểm của họ mà thay vào đó là sự lý giải về tâm lý nhân vật mang tính đời thường hơn. Cách thể hiện sai phạm có phần được làm nhẹ đi như thế không có nghĩa là dung túng mà thực tế lại có giá trị cảnh tỉnh. Cái xấu, cái ác đôi khi lại ở trong một dung dạng bình thường, nó hiện hữu và vây bủa xung quanh cuộc sống yên bình của nhiều gia đình nhiều góc phố.
Vở diễn Lằn ranh của Nhà hát kịch TP HCM do tác giả Kiến Bình mang đến những nét mới khi miêu tả chân dung và tâm lý tội phạm theo hướng đa chiều, nhiều sắc thái hơn. Vạch mặt một ông trùm ma túy gian ngoan nhưng mặt khác vẫn làm khắc họa được hình ảnh một người chồng một người cha hết mực yêu thương vợ con. Kịch bản như Vụ án am Bụt mọc của tác giả Nguyễn Thị Minh Nguyệt được ba đơn vị dàn dựng theo ba thể tài khác nhau cũng là một kịch bản tốt có cách lý giải sâu sắc và đa chiều về góc khuất của cuộc sống hiện đại.
Cách thể hiện mới là điều mà các khán giả mong chờ mỗi khi thưởng thức một tác phẩm nghệ thuật. Trong liên hoan sân khấu về hình tượng người chiến sỹ Công an lần này hẳn là họ đã phần nào được toại nguyện. Khá nhiều vở diễn chọn được cách thể hiện mới mẻ vì vậy hình ảnh người chiến sỹ Công an hiện lên dung dị và mang nhiều nét đời thường hơn. Diễn xuất theo kỹ thuật mới, chú trọng vào tình tiết giúp cho các vở diễn tránh được tình trạng khuôn mẫu giáo điều.
Việc tìm cho vở diễn một kết cấu chặt chẽ đồng thời trau chuốt và chỉn chu hơn khi miêu tả tâm lí nhân vật cũng có thể giúp cho vở diễn chạm đến trái tim của người xem. Các thủ pháp sân khấu cũng đã được chú ý để làm tăng hiệu ứng sân khấu
Liều lượng vừa đủ
Nói đến đề tài về người công an sẽ chạm đến những vấn đề nhức nhối các biểu hiện tiêu cực của xã hội mà họ phải đối diện hàng ngày. Đó là một mảng hiện thực gay gắt, phức tạp mà khi đưa vào tác phẩm nếu không khéo sẽ rất dễ khiến người xem cảm thấy nặng nề, u ám. Chính vì vậy liều lượng vùa đủ khi miêu tả các tình tiết vụ án nhằm khắc họa sự gan dạ, trí dũng của các chiến sỹ Công an sẽ là công thức đảm bảo cho sự thành công. Với tiêu chí này hầu hết các vở diễn tham gia dự thi đều đã đạt được.
Đặc biệt với Liên hoan lần này các vở diễn đã rất cố gắng để chân dung các chiến sỹ cảnh sát trở nên gần gũi, đời thường hơn như các vở Chuyện của Dung, Hải âu trắng của kịch nói Nam Định, Những đứa con thời loạn của Nhà hát ca kịch Huế. Gánh nặng áp lực của họ được miêu tả không chỉ là việc hoàn thành các chuyên án, khống chế những tội phạm nguy hiểm mà có lúc phải vượt lên chính những mất mát tổn thương của mình vì sự hiểu lầm của người thân sự thiếu tin tưởng của đồng đội.
Và một trong những điểm sáng nữa là nhiều tác phẩm trong liên hoan lần này đã thể hiện được là sự chiến thắng của công lý, lẽ phải và cái đẹp nhằm lan tỏa giá trị của tính nhân văn. Và đôi khi đẩy tới những tổn thất, bi thương càng làm tăng thêm những giá trị cần được được gìn giữ.