Bìa sách "Mùa chinh chiến ấy" |
“Mùa chinh chiến ấy” là nhan đề cuốn hồi ký của nhà văn, nhà biên kịch Đoàn Tuấn, nguyên chiến sỹ trung đoàn 29, sư đoàn 307, tham gia chiến đấu tại chiến trường Campuchia từ năm 1978 đến năm 1983. Sách do nhà xuất bản Trẻ ấn hành, có độ dày gần 500 trang, với kết cấu 7 chương và một phần vỹ thanh, mỗi chương gồm nhiều câu chuyện vừa tồn tại độc lập vừa đan kết với nhau, như những thước phim tư liệu sống động, tái hiện cuộc sống - chiến đấu của người lính tình nguyện trên đất Campuchia, với rất nhiều gian nan, thử thách, rất nhiều hy sinh chịu đựng, là một bản hùng ca đầy bi tráng về tình đồng đội và tình yêu Tổ quốc…
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
"Chúng tôi hy sinh rất nhiều. Đơn vị tôi thì vào chốt một đại đội. Bọn tôi cũng biết là… Nhưng mà tôi không sợ… Chúng tôi rất lạc quan…Mảnh đất này cha ông đã gìn giữ hàng nghìn năm rồi. Cho nên khi chiến đấu, chúng tôi cảm thấy rất tự hào được là một thế hệ sinh ra lấy ngực của mình che chở cho Tổ quốc khi Tổ quốc đang bị lâm nguy" - Nhà văn, nhà biên kịch Đoàn Tuấn chia sẻ. - "Thực ra viết là trách nhiệm của mình thôi. Vì không ai kể. Mà mình không kể thì nói như ông Nam Cao là những câu chuyện này sẽ mục ra, mốc lên, ruỗng ra, gỉ ra và biến mất".
"Một ngày mùa chinh chiến ấy/ Chim đã xa bầy mịt mờ bên trời bay…"Những câu hát trong bài “Hướng về Hà Nội” của nhạc sỹ Hoàng Dương thi thoảng lại thầm thì bên tai, ngân lên trong lòng người lính trẻ Đoàn Tuấn trên bước đường hành quân 40 năm về trước. Và nay, lời hát ấy vẫn được nhắc lại trong những lần anh và đồng đội gặp nhau, dù mỗi người đang sống tiếp những mảnh đời khác nhau và mái tóc họ đã ngả màu sương muối.
Những người lính thuộc thế hệ thứ ba này kế tiếp truyền thống của thế hệ chống Pháp chống Mỹ, có học thức, có ý thức về cái tôi cá nhân, song luôn đặt vận mệnh của Tổ quốc lên trên tất cả, tự hào được lấy ngực mình che chở cho Tổ quốc…
Nhập ngũ một cách tự nhiên, như phải thế, chàng trai Hà thành 18 tuổi hăm hở đeo ba lô vào chiến trường, lòng ấp ủ dự định sẽ đi nhiều nơi, gặp gỡ nhiều người, chứng kiến nhiều sự việc, để sau này, thực hiện tiếp ước mơ giảng đường, trở thành nhà văn, viết tiếp bài ca thời đại mình đã sống. Uớc mơ vô cùng trong trẻo, không hề xa lạ với thế hệ thanh niên xếp bút nghiên lên đường ra trận. Nhưng có lẽ, chính chàng trai ấy cũng không lường hết được những khó khăn đang chờ đợi mình và đồng đội ở phía trước.
Chiến tranh, trận mạc, những nhiệm vụ triền miên đã đặt người lính ở thế bị cuốn theo dòng chảy đó dữ dội đó, cho đến khi được trở về nhà, được ngủ trên chiếc giường quen thuộc, thì vẫn giật mình, vẫn day dứt, lạc vào những giấc mơ về đồng đội.
Nhà văn Đoàn Tuấn bộc bạch "Tôi viết cuốn này hơi khó, lúc đầu tôi cảm thấy giọng văn của mình dài và không có nét riêng, giọng giống cha anh mình viết về kháng chiến chống Mỹ, tôi lại bỏ đi. Lần thứ hai tôi viết lại, người lính thông tin kể từng bức điện một nhưng không truyền tải hết được tôi lại bỏ đi. Lần thứ ba tôi lại thắc mắc, mình phải tìm giọng điệu nào kể bây giờ...
Những lần anh em họp mặt, tôi nghe người này kể việc này thì tôi nhận ra giọng lính đây rồi. Giọng kể của người lính vừa thật, vừa mang chút gì đó hài hước, mang một chút đau đớn, nhưng không bao giờ bi luỵ".
Mang hình ảnh của người lính trong thơ Chính Hữu, thơ Quang Dũng vào chiến trường: “Rách tả tơi rồi đôi giày vạn dặm/ bụi trường chinh phai bạc áo hào hoa”,… “đêm mơ Hà Nội dáng Kiều thơm”, Đoàn Tuấn dần dần làm quen với khốc liệt của đời lính, dằn lòng lại, kìm lòng lại, lanh lợi, bình tĩnh trong mọi tình huống, đồng thời cũng phải chai sạn đi. Có như thế mới tồn tại được, trong một cuộc chiến hết sức đặc biệt, chiến đấu với kẻ thù giấu mặt, đánh lén, đánh phục kích, trà trộn trong dân thường.
Cuộc chiến ấy lại diễn ra trên đất bạn. Nghĩa là những người lính thiếu một điểm tựa hậu phương, có ngã xuống cũng không được ngã trên đất mẹ, không có vòng tay che chở của quê hương. Vì thế, họ phải cố gắng nỗ lực gấp nhiều lần. Họ chỉ có một lựa chọn là hoàn thành nhiệm vụ. Mỗi bước di chuyển có thể vấp mìn. Mìn cài ở mọi nơi. Những khẩu súng bắn tỉa như bao con mắt nấp sau lá rừng.
Bị thương là chuyện thường tình. Sống và chết chỉ là khoảnh khắc. Chết bất cứ lúc nào, chết vì đủ mọi nguyên do: vì trúng đạn, trúng mìn, vì vũ khí sát thương, vì sốt rét, vì đỉa, vì nước lũ, vì khát, vì sét đánh, chết vì chính phát súng của đồng đội… Bao nhiêu cái chết bấy nhiêu cảnh huống. Có cái chết bi hùng, có cái chết vô lý, có cái chết tức tưởi. Mỗi chương truyện như một vòng sóng đồng tâm, càng về sau càng thu hẹp lại, xiết lại, tạo cảm giác ngột ngạt, nặng trĩu, như tâm tư người lính đi qua cuộc chiến.
"Người viết hồi ký cần phải trung thực. Trung thực với chính bản thân mình là khó nhất. Thứ hai trung thực với đồng đội mình, thứ ba trung thực với sự thật mình phản ánh. Nhưng sự thật này phải được khúc xạ để nâng lên vẻ đẹp của con người, câu chuyện. Đôi khi có những câu chuyện người bình thường không thấy vẻ đẹp. Và nhà văn cần khúc xạ thêm vẻ đẹp đó. Thể loại hồi ký có sức mạnh riêng, vẻ đẹp như nam châm hút độc giả như mạt sắt..." - nhà văn Đoàn Tuấn chia sẻ thêm.
Khao khát được viết lại kể lại sự thực, những sự thực thuộc về bản chất, được khúc xạ để gọi thành tên vẻ đẹp - phẩm chất người lính, gọi thành tên vẻ đẹp cuộc sống – đó là điều mà nhà văn nhà biên kịch Đoàn Tuấn tâm niệm và theo đuổi. Bởi anh yêu cuộc sống, yêu con người, yêu Tổ quốc này.
Tình yêu ấy đã truyền cho anh và đồng đội sức mạnh, nguồn năng lượng tuổi trẻ, giúp họ bước qua những khó khăn, thậm chí cả cám dỗ để thực hiện trọn vẹn nhiệm vụ người lính tình nguyện, mang một phần hình ảnh Tổ quốc trên đất bạn.
"Chiến đấu ở chiến trường bạn, đất bạn, dân bạn, phải làm sao thể hiện là những người lính rất đàng hoàng, rất tử tế, giúp dân tận lòng, và không làm điều gì ảnh hưởng đến đất nước của họ. Bởi vì đây là danh dự đất nước, dân tộc. Cho nên mình đối xử với người dân, tù binh quân đội nước họ mình phải luôn giữ được vẻ đẹp, truyền thống văn hiến của người Việt Nam mình" - Đoàn Tuấn nói.
“Mùa chinh chiến ấy” dành nhiều trang để nói về sự hy sinh của đồng đội. Song âm hưởng chủ đạo của tác phẩm là sự lạc quan, tinh thần hiến dâng cho Tổ quốc. Một cuốn hồi ký có độ lùi thời gian, được kể bằng giọng lính, đậm chất lính, vừa tận cùng yêu thương xa xót, vừa hóm hỉnh, giản dị, vừa thấm thía trải nghiệm lại vừa lãng mạn, trong sáng - cái trong sáng mà chỉ tuổi trẻ mới có được.
Tác giả không có tham vọng khái quát, đại diện hay tuyên ngôn. Nhưng có lẽ chính anh cũng không ngờ được những câu chuyện ấy lại sinh động đến thế, với rất nhiều chi tiết đắt giá, ám ảnh. Có thể ví ngòi bút của anh giống như chiếc máy quay phim, lúc trực diện, lúc lia nhanh, lúc quay chậm, lúc bao quát, lúc tạo điểm nhấn... Sự linh hoạt của giọng kể, sức mạnh của chi tiết hình ảnh là điểm nổi bật, giúp cho “Mùa chinh chiến ấy” xứng đáng là một hồi ký xuất sắc về cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam.