Lối đi nào cho kinh doanh sách thời Covid?

Nguyễn Hà
Chia sẻ
(VOV5) - Các NXB không nằm ngoài cuộc đua khi tăng cường quảng bá và mua bán sách qua các kênh online.

Khi những nhà sách đóng cửa vì giãn cách xã hội, các tọa đàm bị hủy hoặc hoãn vô thời hạn, kinh doanh sách theo kiểu truyền thống đối diện với nhiều nguy cơ thất thủ. Tuy nhiên, đây cũng chính là thời điểm để số hóa toàn diện các khâu quảng bá, giới thiệu và mua bán sách.

Nghe âm thanh bài viết tại đây:
 

Nhà thơ Đặng Thiên Sơn, người gắn bó nhiều năm với ngành xuất bản trong vai trò là biên tập viên của Nhà sách Đông Tây và giờ là Giám đốc Thiên Sơn books cũng cho rằng đã qua thời hữu xạ tự nhiên hương. Dù trong thời gian dịch bệnh hay không, một cuốn sách để có thể thu hút sự chú ý của độc giả và để có thể bán được cần đến các hoạt động quảng bá, nhất là quảng bá online: “Bây giờ đang ở giai đoạn bão hòa. Người ta không biết đến đâu để mua được sản phẩm tốt nhất thì riêng tác giả và những người làm sách phải có sự truyền thông. Nó cũng như một sản phẩm bình thường, và chúng ta phải guồng truyền thông của thời đại công nghệ thông tin cũng như thương mại điện tử. Người bán với người mua không còn gặp nhau. Thậm chí, người ta có thể mua ngay từ lúc ý tưởng.”

Lối đi nào cho kinh doanh sách thời Covid? - ảnh 1Hội sách online gồm các gian hàng giới thiệu sách trực tuyến của các nhà xuất bản, công ty phát hành. Ảnh: VGP/Nhật Nam

Năm vừa qua, Bộ Thông tin và Truyền thông lần đầu tổ chức hội sách trực tuyến quốc gia, giới thiệu khoảng 10.000 đầu sách, cùng một số tọa đàm trực tuyến, thu hút sự quan tâm của nhiều bạn đọc. Bản thân các nhà sách, nhà xuất bản như NXB Trẻ, NXB Kim Đồng, NXB Phụ nữ, Alphabooks, Công ty sách AZ…  cũng không nằm ngoài cuộc đua khi tăng cường quảng bá và mua bán sách qua các kênh online.

Anh Nguyễn Văn Tuân, Giám đốc của Công ti sách 1980 book chia sẻ: “Khi mà giãn cách xã hội thì chúng tôi bắt buộc phải làm truyền thông mạnh về marketing online. Ngoài những nền tảng của chúng tôi đang có thì chúng tôi phải kết hợp với Tiki, Shopee, hay là Lazada, Fahasa. Có thể chúng tôi sẽ phải nghĩ ra những chương trình như tháng sách online, hay là làm ra mắt sách online. Ngoài những vấn đề marketing, bản thân chúng tôi cũng phải thay đổi liên quan tới sản phẩm. Chúng tôi có thể làm nhiều hơn sách về sức khỏe, nhiều hơn sách để cải tiến kĩ năng làm việc từ xa”

“Thay bằng các hình thức offline như trước, chúng tôi đẩy mạnh quảng bá trên những kênh mà giới trẻ đang sử dụng phổ biến như Facebook, Tiktok, Instagram, Youtube. Bên cạnh đó, chúng tôi đẩy mạnh quay các video, audio, livestream quảng bá và giới thiệu các cuốn sách mới đến độc giả. Nếu như trước đây các hội sách offline tốn nhiều chi phí như thuê gian hàng, người bán hàng, mà lại chỉ hướng đến một lượng độc giả trong một vùng nhất định thì bây giờ, đối tượng đã được mở rộng hơn trên phạm vi toàn quốc và tiết kiệm được các chi phí về tổ chức. Do đó, các hội sách online thường có doanh thu cao gấp hai đến ba lần hội sách offline bình thường.”  - Anh Đinh Huy, Giám đốc Truyền thông Công ty sách AZ cho biết.

Bù lại sự ảm đạm của các cửa hàng sách, hệ thống phát hành online của nhiều nhà xuất bản cùng các sàn thương mại điện tử như Tiki, Fahasa, Shopee… đã trở nên sôi động. Việc chuyển dịch từ offline sang online trong ngành sách không phải giờ đây mới có nhưng trong bối cảnh dịch bệnh, xu hướng này lại càng trở nên mạnh mẽ, thậm chí có ý nghĩa sống còn với nhiều đơn vị xuất bản.

Theo nhà văn Uông Triều, giờ đây, một cuốn sách mà không được lên sàn thương mại điện tử gần như cầm chắc phần thất bại: “Các sàn điện tử có một cái hay là họ thường có chương trình khuyến mãi. Và cách đóng gói, hậu mãi… rất là tích cực. Đó là một kênh giúp cho mọi người có thể tiếp cận một cách rất là dễ dàng và có thể tự chọn theo ý mình. Bây giờ cuốn sách nào không lên được sàn điện tử thì tôi nghĩ là cơ bản sẽ thất bại.”

Trước thách thức lớn, kinh doanh sách thời Covid vẫn có những cơ hội riêng. Tuy nhiên, vẫn sẽ cần thời gian để sự chuyển dịch từ offline sang online hoàn thiện hơn khi phát hành sách truyền thống vẫn chiếm trên 50% thị phần. Thành công hay thất bại, dường như vẫn tùy thuộc vào độ nhanh nhạy của từng đơn vị xuất bản.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu