Làm gì để sáng tạo hay sáng tạo để làm gì

Nguyễn Hà
Chia sẻ
(VOV5) -  Sáng tạo là con đường tất yếu, nhưng không dễ dàng gì để đi đúng hướng, nhất là với những nghệ sĩ trẻ luôn băn khoăn “Làm gì để sáng tạo?

Nghe âm thanh bài viết tại đây qua giọng đọc PTV Phượng MInh:

 

Nhà phê bình Hoài Thanh, trong “Văn chương và hành động”, đã sớm đề cao cá tính sáng tạo của người nghệ sĩ: “Cây trên rừng muôn ngàn lá không có hai lá giống nhau. Trong rừng người cũng vậy, chưa từng thấy hai người hình dung giống hệt nhau. Hình dung có thế huống nữa tinh thần”. Rõ ràng, trong văn chương nghệ thuật, nếu không đổi mới sáng tạo thì khó mà rõ ràng bản sắc. Tuy nhiên, sáng tạo ra sao và đổi mới với điều gì lại là một câu chuyện khó tìm lời đáp với cả người trong cuộc lẫn đối tượng thụ hưởng. .

Sáng tạo là câu chuyện “biết rồi, khổ lắm, nói mãi” của người nghệ sĩ. Nhưng sáng tạo là gì, làm sao để sáng tạo vẫn là câu chuyện đau đầu với nhiều nghệ sĩ. Nhà phê bình Hoàng Đăng Khoa lẫn đạo diễn, NSND Việt Hương đều cho rằng sáng tạo là con đường tất yếu, nhưng không dễ dàng gì để đi đúng hướng, nhất là với những nghệ sĩ trẻ luôn băn khoăn “Làm gì để sáng tạo?”

Làm gì để sáng tạo hay sáng tạo để làm gì - ảnh 1Nhà phê bình Hoàng Đăng Khoa. - Ảnh: Báo Quảng Bình

Nhà phê bình Hoàng Đăng Khoa cho rằng: "Muốn văn học phát triển thì không có cách nào khác là phải tìm tòi, thử nghiệm, đổi mới, phải là sáng tạo, phải là làm khác người khác đi và khác cả chính mình trước đó. Đội ngũ sáng tác trẻ hôm nay thì có nhiều hướng tìm tòi, sáng tạo, ví dụ như hư cấu ra một cái hiện thực ngoài hiện thực hoặc là họ tìm về các đề tài lịch sử. Tiểu thuyết của họ là có sự lồng phối giữa tiểu thuyết tiểu luận và tản văn chẳng hạn. Theo tôi, đấy là những sự tìm tòi rất là thú vị."

"Các sự sáng tạo của các bạn nhiều khi khiến chúng tôi rất là bất ngờ, và rất là thích và cảm thấy tại sao các bạn có thể nghĩ ra cái điều đó. Còn tất nhiên, không phải sự sáng tạo nào cũng hiệu quả cả. Sự sáng tạo khác, còn sự để mà khác người khác. Trong cuộc sống người ta cũng bảo là nghệ sĩ. Nghệ sĩ thực sự của họ rất đẹp. Nhưng có những người mượn chữ nghệ sĩ, người ta đã làm ô uế cả chữ nghệ sĩ đi. Sáng tạo, đổi mới phải mang tính tích cực. Nó phải giúp xã hội tiến bộ và khích lệ những cái hay, cái đẹp về mĩ học của cuộc sống. Trong đời, sống, ăn cơm cũng vậy thôi. Nếu ta không biết nấu, cứ nghĩ bảo món mới nhưng món mới nấu không ngon thì thà ăn món cũ còn hơn." - Đạo diễn Việt Hương khẳng định.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự loay hoay trong đổi mới sáng tạo, đặc biệt là khi có nhiều quan điểm khác nhau về vấn đề này. Sáng tạo là gì? Là mới, là khác, là độc đáo. Nhưng mới với điều gì, khác với ai, độc đáo theo tiêu chuẩn nào lại mỗi người mỗi ý. Chính vì vậy, những tranh cãi về sáng tạo trong nghệ thuật đã là chuyện thường ngày ở huyện. Làm gì để sáng tạo? Và sáng tạo để làm gì? Chỉ hai câu hỏi đó đủ để gây ra những luồng tranh cãi dữ dội. Với nhiều người, sáng tạo phải đặt trong một hệ thống cũ-mới, giữa người ta với mình, giữa Tây với Ta, giữa có ích và vô ích thì mới rõ ra góc cạnh, đường nét, mới thấy được “dày dày sẵn đúc một tòa thiên nhiên”.

Làm gì để sáng tạo hay sáng tạo để làm gì - ảnh 2Nhà văn Uông Triều - Ảnh: vanhocsaigon
Nhưng với nhà văn Uông Triều, sáng tạo là một chuyện riêng tư của người viết. Và trong quá trình “thai nghén”, rất có thể đấy là một “chuyện không quá quan trọng, không cần chú ý.” "Sáng tạo là vấn đề rất cá nhân. Khi một nhà văn viết tiểu thuyết lịch sử về một nhân vật nào đó, không thể tránh khỏi việc anh ta có những thiên kiến về nhân vật đấy, yêu hoặc ghét theo nhân vật cá nhân. Ví dụ như về Trần Khánh Dư chẳng hạn. Tôi yêu nhưng có một số người khác lại ghét. Chính đấy là mảnh đất màu mỡ cho nhà văn và sẽ không chỉ có một người viết về quyển đấy. Ví dụ cùng về Trần Khánh Dư, tôi biết ít nhất là có Lưu Sơn Minh và tôi thì Lưu Sơn Minh sẽ nhìn Trần Khánh Dư theo một cái góc của anh ấy, còn tôi thì tôi nhìn theo cái góc của mình.

Phải mới, phải lạ, phải hay – đó là yêu cầu của khán giả lẫn độc giả đối với người nghệ sĩ. Nhưng rất khó để định nghĩa chi tiết cụ thể về cái mới, cái lạ, cái hay. Hoặc đúng hơn, câu chuyện lại rơi vào cảnh mỗi người mỗi ý. Ai cũng có lí lẽ riêng. Sáng tạo phải có ích, đó là quan điểm của đạo diễn, NSND Việt Hương.

Làm gì để sáng tạo hay sáng tạo để làm gì - ảnh 3Đạo diễn Lê Quý Dương - Ảnh: Báo Thể thao & văn hóa

Hoặc sáng tạo trước hết phải “giải quyết” câu chuyện cá nhân, còn có ích hay không, có đóng góp hay sâu – cứ để “hồi sau sẽ rõ”, đó là quan điểm của đạo diễn Lê Quý Dương: "Chúng ta phải nhìn nhận cuộc sống tự nhiên như cỏ cây, hoa lá hướng về phía mặt trời. Tôi không phản đối gì ý kiến của các nhà phê bình. Tuy nhiên, ở đây, chúng ta phải đặt tiếp câu hỏi: Ta sáng tạo nên những cái mới mà những cái mới đấy không góp phần để làm cho tiến bộ xã hội hơn thì tiến bộ xã hội đấy là tiến bộ như thế nào, và theo hướng nào. Và như thế nào là không làm cho xã hội tiến bộ? Vấn đề là cái mà chúng ta coi nó là giá trị của ngày hôm nay, có khi nó không phải là giá trị của ngày mai hoặc có khi nó không phải là giá trị của tương lai, và ngược lại. Đầu tiên, chúng ta phải tôn trọng cá tính sáng tạo, cảm xúc cá nhân của con người đấy. Còn những cái đó có giúp gì cho cuộc đời này không thì chính cuộc đời sẽ là người đánh giá."

Việc đặt ra những tiêu chuẩn, thước đo, thậm chí định nghĩa cho sáng tạo đôi khi lại là một rào cản tâm lý rất khó vượt qua với người nghệ sĩ. Chẳng hạn, một quan niệm phổ biển là sáng tạo phải khác với truyền thống, đã cho thấy nhiều mâu thuẫn và hạn chế. Nhà thơ Trần Quang Quý chia sẻ: "Sau này, có một số lớp trẻ, thế hệ thơ những năm 90, họ tuyên bố rất mạnh mồm là chôn truyền thống, nghĩa là họ hoàn toàn cách ly truyền thống. Nhưng bản thân tôi thấy những người đó có khi chẳng chôn được truyền thống và có khi lại còn quay lại truyền thống."

Làm gì để sáng tạo hay sáng tạo để làm gì - ảnh 4Tác giả Nhật Phi - Ảnh: Báo Tuổi trẻ.

Chia sẻ quan điểm này, tác giả trẻ Nhật Phi khẳng định chúng ta không nên bị ám ảnh với cái gì là cũ, cái gì là mới. Sáng tạo phải là nhu cầu tự thân của người viết: "Khi mà chúng ta suy nghĩ về sự đổi mới tức là chúng ta phải biết cái gì là cũ, và như vậy, trước hết, chúng ta đã bị ám ảnh bởi cái gì là cũ rồi. Tất cả mọi sự sáng tạo là đi từ bên trong con người của người nghệ sĩ. Và nếu mà họ có mong muốn đổi mới thì đó là nhu cầu tự thân của việc làm mới chính mình hay là thể nghiệm các cách thức sáng tạo khác."

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu