Nghe âm thanh bài viết tại đây qua giọng đọc PTV Sơn Tùng:
Sau những đình trệ thời gian dài do ảnh hưởng của dịch bệnh khiến nguồn khách du lịch bị hạn chế, làm ảnh hưởng nặng nề tới hoạt động biểu diễn của Nhà hát Múa rối Thăng Long, đến nay, trở lại với nhịp sống bình thường cũng là lúc lãnh đạo nhà hát nằm ngay giữa trung tâm Hà Nội này phải tìm kiếm phương thức hoạt động mới, đưa hoạt động biểu diễn trở lại bình thường, dần tạo trở lại thói quen đến với sân khấu múa rối Thăng Long- địa chỉ quen thuộc của khách du lịch trong nước và quốc tế.
Các nghệ sĩ Nhà hát múa rối Thăng Long - Ảnh: Báo Hà nội mới |
Nhà hát Múa rối Thăng Long đã chủ động tìm tới các phường rối dân gian, sưu tầm vở diễn ngắn, những trò rối độc đáo để dàn dựng cũng như phục dựng lại, từ đó làm mới các tiết mục để đưa đến công chúng trong và ngoài nước.
Chia sẻ về cách làm mà Nhà hát Múa rối Thăng Long đang thực hiện, NSƯT Trần Thanh Hiền – Giám đốc Nhà hát Múa rối Thăng Long chia sẻ: "Chúng tôi vẫn tìm tòi khai thác học hỏi, xuống các phường rối học tập các nghệ nhân những tích trò mới. Để từ đó chúng tôi đưa về Nhà hát, xây dựng, làm mới hơn nữa và phù hợp với sân khấu hóa, để quảng bá tới du khách quốc tế."
Làm mới và quảng bá nhiều hơn các tiết mục, vở diễn đến với du khách là điều Nhà hát Múa rối Thăng Long đã và đang thực hiên tốt trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, với sự gia tăng trở lại khách du lịch quốc tế khi chúng ta đã mở cửa bình thường thì không thể giữ nguyên cách làm quảng bá cũ, lúc này đòi hỏi phải có sự thay đổi, hướng tiếp cận mới trong cách làm để thu hút khán giả đến với sân khấu rối nhiều hơn nữa.
Không chỉ đảm trách trong công tác tổ chức – biểu diễn, NSƯT Võ Thùy Dương – Phó Trưởng đoàn Diễn viên 1 - Nhà hát Múa rối Thăng Long còn tham gia trong công tác truyền thông, quảng bá những tiết mục cho nhà hát qua nhiều kênh truyền thông trong nước và quốc tế. Về việc tăng cường công tác quảng bá này mà nhà hát đang tiến hành, NSUT Võ Thùy Dương cho biết, Nhà hát chú trọng đưa những hình ảnh, những chương trình kịch mục đến với các kênh truyền thông, các cổng thông tin đại chúng nhiều hơn”
Việc song song tiến hành quảng bá đến cả hai đối tượng khán giả bảo gồm cả khán giả trong nước và nước ngoài là bước đi cần thiết để duy trì nguồn khán giả cho sân khấu múa rối. Việc bảo tồn, phát triển sân khấu múa rối suy cho cùng phải đến từ hai phía, người nghệ sỹ và khán giả. Nếu người nghệ sỹ tâm huyết bảo tồn nghệ thuật múa rối từ thế hệ này qua thế hệ khác nhưng sân khấu rối không có khán giả hiểu và yêu nó thì sẽ không thể thúc đẩy loại hình sân khấu này phát triển.
Đồng cảm về cách làm hiện nay mà Nhà hát Múa rối Thăng Long đang thực hiện để vượt khó, NSUT Bạch Quốc Khanh – Nghệ sỹ Nhà hát Múa rối Thăng Long bộc bạch: “Đối với các nghệ sĩ làm nghề lâu năm như bọn mình, lúc nào cũng có cảm giác chỉ sợ rằng hết thế hệ của mình rồi, thì sau này làm thế nào để có được các thế hệ kế tiếp. Và không chỉ là các nghệ sĩ kế tiếp kể cả khán giả. Mình cũng rất mong muốn sẽ có được các thế hệ khán giả là người Việt Nam tiếp tục thưởng thức và gìn giữ nghệ thuật truyền thống của dân tộc.”
Vở Tám Cám của Nhà hát múa rối Thăng Long - Ảnh: Nhiếp ảnh gia Lê Bích |
Nhà hát Múa rối Thăng Long là đơn vị nghệ thuật hàng đầu của Thủ đô, từng giữ kỷ lục “Nhà hát duy nhất tại châu Á biểu diễn múa rối nước 365 ngày trong năm”. Nhà hát đặc biệt có sức hút đối với du khách quốc tế, đã từng là một trong những điểm đến được rất nhiều bạn bè trong nước và quốc tế ưa thích tại Hà Nội, trung bình đón tiếp hơn 1.000 khán giả mỗi ngày.
Đổi mới để phát triển là điều tất yếu không chỉ ở lĩnh vực sân khấu, suy cho cùng khi trong khó khăn chung mọi lĩnh vực biểu diễn nghệ thuật đều phải tìm hướng thay đổi để thích ứng.Việc khán giả đang dần quay trở lại là tín hiệu vui với những nỗ lực đổi mới mà Nhà hát Múa rối Thăng Long đang thực hiện.