Hoạ sĩ thương binh Lê Duy Ứng qua hồi ức của một nhà ngoại giao

Đại sứ Lương Thanh Nghị/Phó chủ nhiệm UBNNVNVNONN
Chia sẻ
(VOV5) - "Anh nói chỉ nhìn thấy lờ mờ nên phải lấy tay sờ lên khuôn mặt. Lạ kỳ là chỉ chưa đầy 30 phút, anh đã phác thảo xong, tô màu và ký tặng tôi bức chân dung."

Nghe âm thanh bài viết tại đây qua giọng đọc PTV Phượng Minh:

Suốt cuộc đời mình, họa sĩ, thương binh Lê Duy Ứng đã sáng tác hàng nghìn bức tranh, tượng, giành nhiều giải thưởng nghệ thuật trong và ngoài nước, trong đó phần lớn là những bức tranh, tượng về Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ông nổi tiếng với bức hoạ “Ánh sáng niềm tin” vẽ chân dung chủ tịch Hồ Chí Minh bằng máu của mình khi bị thương mù cả hai mắt ngày 28/4/1975 trên đường tiến vào Sài Gòn. Ngày ấy, khi gặp người họa sĩ thương binh nổi tiếng này, nhà ngoại giao trẻ tuổi LươngThanh Nghị đang là Phó Tổng lãnh sự, Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Osaka, Nhật Bản.

Hoạ sĩ thương binh Lê Duy Ứng qua hồi ức của một nhà ngoại giao - ảnh 1 Họa sĩ Lê Duy Ứng (bên phải) bên tác phẩm vẽ chân dung Bác Hồ bằng máu của mình - Ảnh: viendocban.com

Lê Duy Ứng (sinh ngày 8 tháng 7 năm 1947) là đại tá Quân đội nhân dân Việt Nam, họa sĩ, nhà điêu khắc, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân của Việt Nam. Cuối tháng 6/2005, anh được đưa sang bệnh viện Baptist ở Kyoto để chữa mắt. Các bác sĩ Nhật đã thay cho anh giác mạc lấy từ mắt của một cháu bé người Mỹ. Thị lực đã dần khá hơn, anh có thể nhìn thấy lờ mờ cảnh vật xung quanh và mặc dù trong thời gian nằm viện nhưng anh vẫn không ngừng sáng tác. Lúc đầu, khi nhìn qua cửa sổ và được chị Lê (vợ anh) miêu tả, anh đã vẽ nhiều bức tranh về sinh hoạt đường phố ở Kyoto rất sống động.

Hồi đó, anh em lưu học sinh Việt Nam tại vùng Kansai (bao gồm các trường Đại học tại Kyoto, Kobe và Osaka) đã tổ chức quyên góp để giúp anh và gia đình trang trải một phần chi phí, đồng thời tổ chức các cuộc giao lưu với anh chị hết sức cảm động. Các bạn sinh viên Việt Nam tại Kyoto còn mời anh chị về ở cùng trong ký túc xá cả tuần lễ để giúp anh chị vơi đi nỗi nhớ nhà. Những câu chuyện của anh về nghị lực sống và cống hiến cho nghệ thuật, chuyện tình lãng mạn thuỷ chung của anh chị đã truyền cảm hứng, tạo động lực để các bạn sinh viên Việt Nam hồi đó phấn đấu và học tập tốt.

Hoạ sĩ thương binh Lê Duy Ứng qua hồi ức của một nhà ngoại giao - ảnh 2 Nhà ngoại giao trẻ tuổi Lương Thanh Nghị ngày ấy, qua nét vẽ của họa sĩ thương binh Lê Duy Ứng.

Trong một lần đến thăm anh tại bệnh viện, mặc dù mới được tháo băng ở mắt, nhưng anh rất phấn khích đề nghị vẽ chân dung tôi. Anh nói chỉ nhìn thấy lờ mờ nên phải lấy tay sờ lên khuôn mặt. Lạ kỳ là chỉ chưa đầy 30 phút, anh đã phác thảo xong, tô màu và ký tặng tôi bức chân dung. Tôi đã đóng khung cẩn thận và vẫn lưu giữ bức chân dung đó đến tận bây giờ.

Khoảng một tháng sau khi đã điều trị tại bệnh viện Kyoto, sức khoẻ và thị lực của anh khá dần nhưng anh vẫn phải chờ tái khám. Thể theo nguyện vọng của anh chị, đúng dịp 27/7/2005, chúng tôi thu xếp mời anh chị đi Tokyo, thăm Đại sứ quán và giao lưu với các bạn sinh viên Việt Nam cũng như với một số tổ chức, cá nhân Nhật Bản.

Tôi còn nhớ đón anh chị ở ga Kyoto, đi tàu Shinkansen lên Tokyo. Hành lý ngoài 2 va li quần áo và vật dụng cần thiết còn lỉnh kỉnh những ống ngắn ống dài đựng giấy và tranh anh vẽ trong thời gian nằm viện, nghe đâu khoảng 200 bức vẽ. Ngay tối đó, anh chị có buổi giao lưu với toàn thể cán bộ nhân viên Đại sứ quán. Anh đã hát bài “Nếu yêu nhau thì về Buôn Ma Thuột” của nhạc sĩ Nguyễn Cường. Chất phóng khoáng của người nghệ sĩ và “chất thép” của người lính được anh thể hiện qua tiếng hát làm tất cả mọi người hôm đó rất xúc động.

Anh kể, nhiều người Nhật khi gặp anh thường đặt câu hỏi: “Tại sao lúc ngã xuống trong bom đạn ác liệt như vậy mà hoạ sĩ không nghĩ đến cha mẹ mà lại vẽ Chủ tịch Hồ Chí Minh?” Anh trả lời rằng: "Bác Hồ của chúng tôi là một vị lãnh tụ vĩ đại, một người giúp gia đình tôi có cơm no, áo ấm và Bác Hồ là điều thiêng liêng đối với tôi. Khi nghĩ đến Bác Hồ, trong tâm khảm bừng lên nguồn sáng bất diệt. Nguồn sáng đó đã thôi thúc tôi, đã cho tôi nhiều cảm hứng để sáng tạo nghệ thuật. Cho nên sau này tôi mới vẽ Bác Hồ, cũng như tạc tượng Bác Hồ nhiều đến như vậy”.

Kể từ đó, tôi không gặp lại anh nhưng vẫn dõi theo sức khoẻ của anh. Được biết anh vẫn sáng tác đều đặn về Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp, không chỉ vẽ mà còn nặn tượng và điêu khắc. Bất ngờ dịp cuối năm 2013, anh điện thoại cho tôi để chia tay khi biết tôi chuẩn bị đi công tác nhiệm kỳ. Anh bảo mắt anh dạo đó kém lắm, hầu như không còn nhìn thấy gì nữa, nhưng niềm đam mê vẽ bằng ký ức của anh vẫn còn nguyên vẹn. Tôi cũng chúc mừng anh đã được phong tặng Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, mặc dù hơi muộn (vào tháng 10 năm 2013).

Kể lại một kỷ niệm với anh Lê Duy Ứng nhân dịp này cũng là lời tri ân tới anh và những người con đất Việt đã hy sinh xương máu vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu