Lễ trao Giải thưởng “Bùi Xuân Phái – Vì tình yêu Hà Nội” lần thứ 12 năm 2019 diễn ra ngày 27/8 tại Hà Nội. Giải thưởng do Báo Thể thao và Văn hóa (Thông tấn xã Việt Nam) và Quỹ Bùi Xuân Phái thực hiện từ năm 2008 nhằm tìm tòi, phát hiện, tôn vinh các tác giả, tác phẩm, việc làm, ý tưởng “có hàm lượng nghệ thuật và khoa học cao, gắn bó với các mặt của đời sống Hà Nội, thấm đượm một tình yêu Hà Nội".
Có 5 giải thưởng được chọn lựa từ 10 đề cử chính thức trước đó.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cùng các vị lãnh đạo Thông tấn xã Việt Nam, báo Thể thao& Văn hóa trước giờ cắt băng khai mạc buổi Lễ trao giải và Triển lãm. |
PGS. TS. NGƯT Nguyễn Thừa Hỷ đã được trao Giải thưởng Lớn dành cho các tác phẩm, ý tưởng, việc làm xuất sắc, bằng sự gắn bó máu thịt với Hà Nội trong cả cuộc đời và sự nghiệp của mình.
PGS. TS. NGƯT Nguyễn Thừa Hỷ trong khoảnh khắc nhận Giải thưởng Lớn. |
Cùng những tên tuổi lớn khác như Hữu Ngọc, Nguyễn Vinh Phúc, PGS. TS. NGƯT Nguyễn Thừa Hỷ là người có nhiều đóng góp cho ngành Hà Nội học. Các công trình nghiên cứu của ông trải theo chiều dài lịch sử: Thăng Long - Hà Nội thế kỷ 17, 18, 19 (1993), Kinh tế - xã hội đô thị Thăng Long - Hà Nội thế kỷ 17, 18, 19 (2010), Tư liệu văn hiến Thăng Long - Hà Nội: Tuyển tập tư liệu phương Tây(2010), Văn hóa Việt Nam truyền thống, một góc nhìn (2011), Lịch sử và văn hóa Việt Nam từ góc nhìn đổi mới (2018), Thăng Long - Hà Nội trong mắt một người Hà Nội (2018)…
Trong những công trình của PGS Nguyễn Thừa Hỷ, Thăng Long - Hà Nội thế kỷ 17, 18, 19 được coi là một trong những cuốn sách công cụ quan trọng và hữu ích dành cho giới nghiên cứu cả trong và ngoài nước khi tìm hiểu về Thăng Long - Hà Nội thời kỳ trung đại.
Không chỉ là nhà nghiên cứu đào sâu vào thư tịch cổ, PGS Nguyễn Thừa Hỷ thông thạo hai ngoại ngữ nên tiếp cận các tư liệu viết bằng tiếng Anh, Pháp về Thăng Long - Hà Nội.
Đặc biệt năm nay có tới 2 giải thưởng trao cho Ý tưởng vì tình yêu Hà Nội.
Ở hạng mục đề cử Giải Tác phẩm – Vì tình yêu Hà Nội, năm nay có tác phẩm của 3 gương mặt rất sung sức là Nguyễn Trương Quý, Vũ Công Chiến và Uông Triều. Họ mang đến những góc nhìn hết sức mới lạ về chủ đề Hà Nội, cả về mặt tư liệu lẫn văn chương.
Cuốn sách Một thời Hà Nội hát – Tim cũng không ngờ làm nên lời ca của Nguyễn Trương Quý được đánh giá "là một công trình khảo cứu độc đáo về lịch sử văn hóa Hà Nội, có lẽ chỉ có ở một con người vừa tỉ mỉ, chi tiết vừa phóng khoáng, tài hoa và đầy đam mê như Nguyễn Trương Quý.
Thông qua những sáng tác âm nhạc của nhạc sĩ Đoàn Chuẩn trong khoảng thời gian trước và sau năm 1954, anh đã tái dựng một mảng tinh tế của đời sống đô thị Hà Nội và giải mã sự hình thành của cái chất Hà Nội trong một giai đoạn lịch sử đang gấp gáp chuyển đổi. Cuốn sách đã khảo sát cơ chế tạo dựng nền các huyền thoại đô thị, thông qua nhân vật nhạc sĩ Đoàn Chuẩn và không gian văn nghệ giai đoạn Hà Nội trước và sau năm 1954, khẳng định rằng, đô thị Hà Nội quyến rũ nhiều thế hệ, kể cả những người không ở đây, là nhờ những huyền thoại văn nghệ có khả năng thắp lên những cảm xúc đẹp đẽ, vun đắp một phẩm chất lãng mạn tổng hòa và kết tinh từ nhiều yếu tố... "
Bên cạnh Lễ tổng kết, trao giải còn có phần Triển lãm thông tin hình ảnh về các đề cử xuất sắc nhất của mùa giải năm nay. Triển lãm giới thiệu bộ sách quý về Thăng Long – Hà Nội của PGS.TS.NGƯT Nguyễn Thừa Hỷ cùng các cuốn sách được đề cử như: Một thời Hà Nội hát – Tim cũng không ngờ làm nên lời ca của Nguyễn Trương Quý; Kim Liên một thuở của Vũ Công Chiến; Hà Nội quán xá phố phường của Uông Triều...
Các tác phẩm được trưng bày tại triển lãm. |
Khoảng 60 bức ký họa về một Hà Nội dịu dàng, đầy thương nhớ do các thành viên Nhóm Ký họa đô thị Hà Nội sáng tác đã được lựa chọn, trưng bày tại Triển lãm. Đây là là những tác phẩm xuất sắc mà 4.000 thành viên của nhóm đã đi đến các khu tập thể cũ của Hà Nội để chuyển tải nhịp sống yên bình, những đường nét kiến trúc cũ kỹ, thân thuộc, đầy hoài niệm. Họ tin rằng, du khách khi nhìn thấy những bức ký họa ấy sẽ ngay lập tức bị hút hồn bởi vẻ cũ xưa xen lẫn hiện đại của Hà Nội ngày nay.
Tại Triển lãm cũng có phần trưng bày về Dự án đào tạo, nghiên cứu Diện mạo mới cho chợ truyền thống của Hà Nội, với 3 đồ án thiết kế chợ Châu Long, chợ Ngọc Lâm và chợ Hạ trong triển lãm sẽ đưa ra một diện mạo mới về chợ truyền thống, khiến chúng ta phải ngạc nhiên, vì chúng quá gần gũi, thân thiện, và đẹp.
Triển lãm sẽ kéo dài đến hết ngày thứ Sáu, 30/8/2019
Một số hình ảnh tại Lễ trao giải:
Lễ trao giải diễn ra trang trọng. |
Nhà văn Nguyễn Trương Quý nhận Giải Tác phẩm - Vì tình yêu Hà Nội "vì đã có góc tiếp cận độc đáo về đời sống Hà Nội thông qua âm nhạc Đoàn Chuẩn". Các nhà văn Uông Triều, Vũ Công Chiến nhận chứng nhận vào đề cử chính thức giải thưởng này. |
Lãnh đạo Hà Nội đại diện nhận giải thưởng cho đề xuất làm hồi sinh sông Tô Lịch; và việc xây dựng đường đua F! Hà Nội cũng như đăng cai tổ chức giải đua vào năm 2020. |
Nhà văn Nguyễn Trương Quý (giữa) tại góc trưng bày những hình ảnh trong quá trình thực hiện tác phẩm Một thời Hà Nội hát - Tim cũng không ngờ làm nên lời ca. |
Một góc triển lãm. |
Giải Tác phẩm - Vì tình yêu Hà Nội:
1. Sách Một thời Hà Nội hát của Nguyễn Trương Quý - góc tiếp cận độc đáo về đời sống Hà Nội qua âm nhạc của Đoàn Chuẩn.
Giải Việc làm - Vì tình yêu Hà Nội:
1. Nhóm ký họa đô thị Hà Nội với các hoạt động nhằm lưu giữ ký ức Hà Nội bằng tranh.
Giải Ý tưởng - Vì tình yêu Hà Nội:
1. Quyết tâm làm "hồi sinh" sông Tô Lịch của các cơ quan chức năng và cộng đồng người dân Hà Nội.
2. Xây dựng đường đua xe Công thức 1 và đăng cai tổ chức giải đua vào 4/2020.