Dự án sản xuất phim tài liệu về phát triển bền vững: một không gian mới cho các câu chuyện phim truyền cảm hứng

Phi Hà (ghi)
Chia sẻ
(VOV5) - Các nhà làm phim được khuyến khích hướng tới sản xuất những bộ phim có thể thu hút sự chú ý của quốc tế trong các liên hoan phim tài liệu được thực hiện ở Việt Nam.

Dự án sản xuất phim tài liệu về phát triển bền vững năm 2023 - 2024 được Viện Goethe công bố khởi động cùng lúc với Liên hoan phim khoa học (từ ngày 10-10 tới 31-12), diễn ra tại Hà Nội ngày 9-10.

Đây là sáng kiến thường niên của Viện Goethe nhằm thúc đẩy hợp tác giữa các tổ chức xã hội tại Việt Nam và các nhà làm phim tài liệu độc lập để kể những câu chuyện về phát triển bền vững. Dự án sẽ được triển khai trong năm 2023-2024, với những giám khảo được mời là những gương mặt trẻ nổi bật của điện ảnh tài liệu hiện nay như đạo diễn NSƯT Trịnh Quang Tùng - Phó Tổng Giám đốc Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương; đạo diễn Trịnh Đình Lê, đạo diễn Hà Lệ Diễm.

Nghe âm thanh bài tại đây: 

 
Dự án sản xuất phim tài liệu về phát triển bền vững: một không gian mới cho các câu chuyện phim truyền cảm hứng - ảnh 1Chị Tô Linh (cán bộ GreenHub) , đạo diễn Hà Lệ Diễm và ông Nguyễn Hoàng Phương (điều hành TPD) tại buổi họp báo giời thiệu Dự án.

Theo Giám đốc Viện Goethe, ông Oliver Brandt,  Dự án này được thực hiện, bởi qua hơn chục năm thực hiện liên hoan phim và hỗ trợ các nhà làm phim trẻ Việt Nam, nhưng vẫn chưa có một phim tài liệu nào của Việt Nam từ các dự án được tham gia Liên hoan phim quốc tế, vẫn thiếu tiếng nói của Việt Nam ở đó. Bởi vậy, như chị Lê Thị Loan, cán bộ Viện Goethe thông tin: "Bắt đầu từ năm 2021 Viện Goethe cùng với các đối tác địa phương là Trung tâm bảo tồn thiên nhiên và phát triển CCD và Cơ sở Bảo tồn Gấu Ninh Bình Four Paws Việt thực hiện hai bộ phim. Có một bộ phim trong đó là Bình yên về nào đã được lựa chọn cho Liên hoan phim khoa học năm nay.

Đối với Dự án sản xuất phim tài liệu về phát triển bền vững, chúng tôi mong muốn sẽ  tạo một không gian cho các tổ chức và các nhà làm phim tài liệu được cùng nhau xây dựng những câu chuyện truyền cảm hứng đến cho cộng đồng. Nó cũng xuất phát từ những nhu cầu thực tế của các tổ chức cũng như các nhà làm phim tài liệu. Năm nay có sự đồng hành của Trung tâm Hỗ trợ phát triển tài năng điện ảnh TDP và sự tham gia của 2 tổ chức là Green Việt và Green Hub, hai chủ đề tập trung về quản lý rác thải và bảo tồn đa dạng sinh học. Tuy nhiên, năm nay có một điều đặc biệt là chủ đề sẽ mở đối với một tổ chức thứ ba, mà chúng ta sẽ chờ đợi xem chủ đề đấy sẽ là gì và đối tác đấy là ai." 

Dự án sản xuất phim tài liệu về phát triển bền vững: một không gian mới cho các câu chuyện phim truyền cảm hứng - ảnh 2Chia sẻ của đại diện Trung tâm Green Việt trên màn hình tại họp báo.

 

Phó giám đốc của GreenViet Hoàng Quốc Huy chia sẻ: “Dự án sẽ góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng về giá trị quan và tầm quan trọng của việc bảo tồn loài Chà vá chân xám nói riêng và đa dạng sinh học nói chung. Đồng thời khơi dậy tình yêu thiên nhiên, tinh thần trách nhiệm, và sự sẵn sàng chung tay trong bảo tồn đa dạng sinh học tại Việt Nam”. Ông cho biết:"Trung tâm Green Việt chọn chủ đề Hành trình nghiên cứu, bảo tồn loài vượn chà vá chân xám tại Việt Nam,  vì đây là loài đầu tiên mà các nhà khoa học, các nhà sáng lập Green Việt đã nghiên cứu từ năm 2006, và cũng là cơ duyên để hình thành nên Trung tâm bảo tồn đa dạng sinh học Green Việt.

Qua bộ phim này chúng tôi muốn lan tỏa tới cộng đồng những giá trị quý báu, vẻ đẹp của thiên nhiên từ loài vượn chà vá chân xám - một loài linh trưởng đặc hữu của Việt Nam, từ đó xây dựng tình yêu thiên nhiên, trách nhiệm làm sao giữ được bền vững đa dạng sinh học tại Việt Nam."

Mỗi dự án được chọn, các nhà làm phim sẽ nhận được số tiền 210 triệu VND. Ban tổ chức sẽ hỗ trợ những phim này tham gia vào các liên hoan phim quốc tế hoặc phát trong Liên hoan phim khoa học do Viện Goethe tổ chức.  

Chị Tô Linh, cán bộ Trung tâm hỗ trợ phát triển xanh Green Hub cho biết: "Green Hub mong muốn sẽ mang lại góc nhìn từ chính những đối tác của Green Hub, từ chính những người đã tham gia các dự án trước đây của Green Hub đã được Green Hub hỗ trợ, kết nố và những con người đó sẽ kể lại câu chuyện của mình, lồng ghép câu chuyện của mình vào nghệ thuật.

Chúng tôi rất mong muốn những nhà làm phim giúp chúng tôi kể về câu chuyện của mình. Hãy đưa câu chuyện của chúng tôi đến với thế giới và hãy làm cho tất cả mọi người đều cảm thấy được rằng, câu chuyện của chúng tôi không chỉ đơn thuần là hỗ trợ kết nối cộng đồng thực hiện các hoạt động, mà chúng tôi tạo không gian để cho các đối tượng tham gia sáng tạo và được thể hiện chính bản thân của họ. Khi được Viện Goethe cho phép thì Green Hub đã xây dựng chủ đề cho dự án phim về mối liên kết giữa học sinh, sinh viên và nhà trường và rộng hơn nữa là gia đình của họ.

Trong chủ đề này GreenHub mong muốn là các góc nhìn của các bạn trẻ được phản ánh. Trong bộ phim đó các bạn trẻ tham gia có thể thể hiện sự cảm nhận của mình về thế giới xung quanh các bạn ấy, bắt đầu từ lúc mà xung quanh các bạn vẫn đang còn ngập tràn rác thải cho đến những hoạt động mà các bạn ấy đã được tham gia, đã được thực hiện. Qua những hoạt động đó,  thì các bạn ấy đã học được những điều gì, đã thay đổi được những suy nghĩ gì và các bạn ấy đã nhận ra được những điều gì mới. Từ những điều đã nhận ra, đã học hỏi được, thì các bạn ấy thay đổi thế giới như thế nào."

Năm nay, Viện Goethe và Trung tâm TPD (Hội Điện ảnh Việt Nam) sẽ cùng hỗ trợ sản xuất phim trong dự án Sản xuất Phim tài liệu về Phát triển bền vững; đồng tổ chức hai hội thảo với các nhà làm phim tài liệu của Đức để trao đổi kinh nghiệm và nâng cao năng lực về cách kể chuyện sáng tạo cũng như cách làm phim.

Ông Nguyễn Hoàng Phương - điều hành Trung tâm hỗ trợ phát triển tài năng điện ảnh TPD - nói với phim tài liệu, cách kể chuyện là quan trọng nhất. Tuy nhiên, trong thực tế: "Rất tiếc là phim tài liệu so với phim truyện chưa được quan tâm đúng mức. Các nhà làm phim tài liệu trong nước ít có cơ hội để thực hành cũng như trình chiếu bộ phim tài liệu của mình (ở rạp chiếu - p/v). Mọi người gần như là xông xáo tự tìm đường ra nước ngoài. Rất ít các tổ chức, các Quỹ hỗ trợ cho phim tài liệu. Dự án này ngoài ý nghĩa làm những bộ phim tài liệu về những đề tài xã hội, tạo tác động xã hội, những đề tài về sinh thái, mang lại một góc nhìn mới cho khán giả, đặc biệt là khán giả trẻ; ý nghĩa nữa là mang lại những cơ hội tốt cho các nhà làm phim tài liệu có cơ hội thực hành. Phần tài trợ cũng không ít, chỉ cần lăn xả để làm thôi."

Chia sẻ kinh nghiệm về việc làm phim, nữ đạo diễn Hà Lệ Diễm nói: "Thông tin của Viện Goethe có những nội dung thú vị và hay riêng, mà đặt trong bối cảnh riêng của Việt Nam thì có rất nhiều về bối cảnh kinh tế xã hội của mình, về văn hóa rồi về nỗ lực mà các tổ chức họ đang thực hiện. Rõ ràng có những cơ hội cho các bạn làm phim trẻ cùng nhau làm, có những câu chuyện hay đặt trong bối cảnh đặc thù của Việt Nam và đưa đến thế giới."

Theo Giám đốc Viện Goethe Oliver Brandt, thông qua Dự án sản xuất phim tài liệu về phát triển bền vững, các nhà làm phim được khuyến khích cung cấp kiến thức, kỹ năng tốt nhất của mình và sử dụng những chất liệu do các tổ chức xã hội cung cấp, để tạo ra những tác phẩm góp phần thúc đẩy xã hội thực hiện các mục tiêu bền vững toàn cầu. Các nhà làm phim được khuyến khích hướng tới sản xuất những bộ phim có thể thu hút sự chú ý của quốc tế trong các liên hoan phim tài liệu được thực hiện ở Việt Nam.

Dự án sản xuất phim tài liệu về phát triển bền vững trong năm 2023-2024 do Viện Goethe chủ trì có sự hợp tác giữa ba tổ chức xã hội tại Việt Nam GreenViet, Trung tâm Hỗ trợ Phát triển Xanh (GreenHub), Trung tâm TPD và các nhà làm phim tài liệu. Sẽ có 3 bộ phim được lựa chọn sản xuất trong các lĩnh vực bảo tồn đa dạng sinh học, quản lý rác thải và một đề tài mở  

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu