Nghe âm thanh bài tại đây:
Sự đông đảo về số lượng phim dự thi, thể hiện rõ ngành điện ảnh trong nước đang trên đà phục hồi sau dịch covid 19, và đồng thời, cũng bộc lộ rõ cả điểm mạnh và điểm yếu.
Tối 29/10 vừa qua, Liên hoan phim ngắn TPHCM lần thứ lần thứ nhất năm 2023 đã trao giải cho 3 bộ phim xuất sắc nhất ở 3 thể loại phim tài liệu, phim hoạt hình và phim truyện, từ có số 96 tác phẩm phim gửi về dự thi, trong đó có 60 phim truyện, 23 phim tài liệu và 13 phim hoạt hình. Các bộ phim đều thể hiện sự đa dạng, phong phú của cuộc sống, nội dung trong sáng, có tính giáo dục, tính nhân văn, phù hợp với truyền thống văn hóa, đạo đức của đất nước và đề cao con người Việt Nam.
Ban tổ chức đã trao 24 giải cho các hạng mục phim gồm 3 giải Vàng thuộc về phim tài liệu “Ký ức không phai” (Kịch bản, đạo diễn: Nguyễn Hoàng); Phim hoạt hình “Phù du” (Kịch bản, đạo diễn Chu Tất Thắng); Phim truyện “Người đàn bà ở trạm xe” (Kịch bản: Linh Na, đạo diễn Linh Chi Na).
Các tác giả đoạt giải Vàng Liên hoan phim ngắn TP Hồ Chí Minh lần thứ nhất - Ảnh: Vũ Hương/VOV-TPHCM |
Tuy nhiên, nhà làm phim ngắn ở Việt Nam cần môi trường cũng như chính sách hỗ trợ nhiều hơn để phát triển, là những thông tin được đưa ra tại Toạ đàm "Sức mạnh của phim ngắn trong thúc đẩy biến đổi, phát triển xã hội tại TP.HCM", sự kiện nằm trong khuôn khổ Liên hoan phim ngắn. Theo đạo diễn Bùi Thạc Chuyên, hiện nay, nhiều quốc gia có nền điện ảnh mạnh đều thể hiện sự quan tâm và hỗ trợ mạnh mẽ cho nhà làm phim trẻ thông qua các hoạt động hỗ trợ làm phim ngắn. Nhiều tổ chức phi chính phủ tài trợ cho các hoạt động làm phim ngắn. Các liên hoan phim lớn nhất trên thế giới đều có hạng mục giải thưởng dành cho phim ngắn. Tiền thưởng cho phim ngắn đoạt giải có khi còn lớn hơn cả phim dài đoạt giải.
Phim ngắn là nơi để thể nghiệm câu nói: "Cái khó ló cái khôn", thế nên đạo diễn Bùi Thạc Chuyên cho rằng, nhiều bộ phim ngắn có cách thực hiện rất sáng tạo, hiệu quả mà không tốn quá nhiều tiền; là cuộc chơi vừa sức cho những người mới bắt đầu sự nghiệp:“Sau khi đi làm khá nhiều phim, kể cả phim ngắn, phim tài liệu, phim truyền hình sau đó thì mới đi học và con đường như vậy thì tôi nhận thấy rằng là phim ngắn chính là những bài học mà thực sự mang lại giá trị rất lớn đối với một người làm phim.”
Nhà làm phim trẻ Lưu Ly cho biết, khi đưa phim ngắn của Việt Nam ra nước ngoài để kêu gọi đầu tư phát triển, nhà đầu tư quan tâm đầu tiên là hành trình của bộ phim đã đi qua những quỹ đầu tư nào, giải thưởng ra sao. Và quan trọng hơn, họ quan tâm và đánh giá cao những bộ phim nhận được sự đầu tư từ chính những quỹ làm phim trong nước. Đây là điểm thiệt thòi đối với nhà làm phim ngắn của Việt Nam.
Nhà làm phim trẻ Lưu Ly, cựu sinh viên Đại học Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM chia sẻ tại toạ đàm Sức mạnh của phim ngắn trong thúc đẩy biến đổi, phát triển xã hội tại TP.HCM |
Chia sẻ thêm về việc đưa phim ngắn ra nước ngoài, Lưu Ly cho hay, các nước Đông Nam Á, gần nhất là Singapore rất quan tâm, khuyến khích và bỏ tiền ra đầu tư những bộ phim kể được những câu chuyện về lịch sử, văn hóa và con người bản địa. Đây có lẽ là điều tạo được sự hứng thú đối với người làm phim: “Em cũng mong là chúng ta sẽ ở trong một một hệ sinh thái, mọi người cũng hỗ trợ nhau trong việc làm phim Việt Nam, nó hài hòa hơn để tất cả mọi người đều có thể có đầu ra với phim ở Việt Nam và phim quốc tế”.
Một sự kiện lớn khác cũng được giới điện ảnh trông chờ, đó là Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 23 sẽ diễn ra tại TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng từ ngày 21 đến 25-11 với thông điệp “Xây dựng công nghiệp điện ảnh Việt Nam giàu bản sắc dân tộc, hiện đại và nhân văn”. Từ gần 200 phim gửi về tham gia, hội đồng tuyển chọn đã chọn ra 91 phim (16 phim truyện, 31 phim tài liệu, 19 phim khoa học, 25 phim hoạt hình) tham dự ở hạng mục dự thi và chương trình phim toàn cảnh.
Thứ trưởng Tạ Quang Đông nhấn mạnh.“Nhiều về số lượng, phong phú về thể loại, LHP năm nay “được mùa” nhất trong nhiều năm trở lại đây. Danh mục tham dự LHP năm nay khá đa dạng với sự góp mặt của nhiều thế hệ điện ảnh Việt.
Ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Điện ảnh, nhận định, những phim được hội đồng tuyển chọn đưa vào chương trình phim dự thi và chương trình phim toàn cảnh có chất lượng rất đồng đều… Bên cạnh những phim có doanh thu phòng vé từ vài chục đến cả trăm tỷ đồng như Nhà Bà Nữ, Đất rừng phương Nam…, phim đã đoạt giải quốc tế như Tro tàn rực rỡ; là những phim mới ra rạp, thậm chí chưa ra rạp như Đào, phở và piano hay Nữ sĩ Hồng Hà…Ngoài ra, LHP cũng ghi nhận sự song hành giữa những “cây đa, cây đề” của điện ảnh Việt như đạo diễn - NSND Đặng Nhật Minh với phim Hoa nhài và lớp đạo diễn trẻ thậm chí còn đang ngồi trên ghế giảng đường của Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội với phim 9.
6 tháng đầu năm với 10 dự án điện ảnh nội địa trình làng, tổng doanh thu của phim Việt đã vượt 1.000 tỉ đồng (theo thống kê từ Box Office Vietnam). Đây có thể xem như thành tích tốt nhất của thị trường điện ảnh nước nhà trong vòng 5 năm qua. Giải Camera Vàng của Bên trong vỏ kén vàng và đạo diễn Phạm Thiên Ân tại Liên hoan phim Cannes danh giá cũng nhiều phần khiến cho điện ảnh Việt được thăng hạng trên bản đồ điện ảnh thế giới.
Tuy nhiên nửa cuối năm, thị trường phim Việt chững lại, với nhiều bộ phim xuất hiện nhưng doanh thu cầm chừng hoặc không gây được tiếng vang, cũng như những lùm xùm không đáng có với bộ phim Đất rừng phương Nam. Vì thế, những giám khảo cầm cân nảy mực của LHP Việt Nam lần thứ 23 này, cũng sẽ có những bài toán khó phải giải không chỉ giữa yếu tố nghệ thuật hay thị trường của điện ảnh. Hãy chờ xem!