Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Trên cung đường dài chừng hơn 300 km từ phía Nam Tasmania lên vùng Đông Bắc, xe dừng lại nghỉ ở thị trấn Avoca. Nắng nóng đầu năm khiến ai nấy đều mệt nhoài. Ghé vào căn nhà nhỏ ven đường bên cạnh công viên vắng hoe mới phát hiện đó là Nhà bảo tàng Avoca, nhưng hiện đang đóng cửa. Rất ít xe chạy trên đường. Nhà thờ bên kia bãi cỏ cũng vắng lặng, không một bóng người cũng chẳng có tiếng chuông.
Đằng sau tác giả là cây cột treo những bức tranh tại Avoca. |
Sau khi nạp năng lượng bằng bánh mỳ, cơm nắm, mình rủ trẻ con đi khám phá chung quanh. Thật tiếc vì bảo tàng lại đóng cửa không thì mình đã có cơ hội xem họ lưu giữ những gì. Thường thì các bảo tàng dân dã này được trông nom rất tốt không phải vì xây mới hay bổ sung hiện vật mà chúng thường được đầu tư vào trang thiết bị kỹ thuật, như máy chiếu, đường điện. Khách du lịch có thể dễ dàng thực hiện vài thao tác đơn giản để xem. Mình đã mấy lần vào xem ở vùng núi Craidle Mountain hay Sommer Set cũng ở Tasmania nên biết vậy. Khách tham quan có thể xem những thước phim tư liệu hoặc hình ảnh đen trắng về những con người đặc biệt đã sống và đóng góp cho cuộc sống ở vùng đất ấy. Bên cạnh các ngôi nhà gỗ gần như nguyên bản kiến trúc thời đó còn có khu mộ giản dị với tấm bảng rất nhiều thông tin…
Nhưng chuyến này thì phèo rồi!
Cửa im ỉm khóa. Nắng chang chang. Cái cây gì đầy quả tưởng là cherry nhưng không phải. Đi loanh quanh chụp vài tấm ảnh làm kỷ niệm. Chợt ngước lên hai cây cột cao chói nắng, mình phát hiện mấy bức tranh của trẻ con được chụp in lại. Có một bức nét vẽ bằng sáp màu đơn giản, vẽ lá cờ Việt Nam. Thật ngạc nhiên!
Mình bảo con gái, đây là tranh vẽ của một em bé học cấp 1 người Bắc. Trong đầu em bé nghĩ gì, nhớ gì em vẽ cái đó. Và bức tranh đang được treo ở đâu đó quanh đây. Trong căn nhà nhỏ này chăng? Hay ở trường học gần đây? Chẳng gặp ai để mà hỏi.
Ở một vùng xa xôi, hoang vắng như thế này cũng có dấu hiệu của cuộc sống người Việt. Họ có thể đang làm một công việc gì đó để sinh sống, làm farm, làm bánh mỳ, giáo viên , bán hàng hay gì đó? Con cháu họ sang đây, trong đầu óc non nớt trẻ thơ vẫn nhớ hình ảnh lá cờ Tổ quốc. Mình cũng đã gặp một số hình ảnh nước Việt ở một vài nơi trên đất Úc, ở tượng đài, tranh tường... mỗi thứ mang một niềm tâm sự riêng, nửa thầm kín, nửa giãi bày. Cũng như trong lớp mình dạy có một cô bé nói giọng Bắc (ngọng chữ n và l) rất hay giơ tay phát biểu và mình lại sửa câu thơ cô bé đọc: “Tôi yêu nước Việt của tôi. Nói chẳng hết lời yêu vẫn cứ yêu. Yêu từ những mái nhà xiêu. Con sông uốn khúc, bóng chiều thướt tha…” (Cuốn Em học Tiếng Việt – lớp 9). Nhớ lời thầy giáo dạy khóa nghiệp vụ sư phạm ở trường Victoria Uni: “ Các em dạy tiếng Việt là dạy về văn hóa Việt Nam”. Đi xem hội chợ Tết, đi thăm nơi này nơi nọ và thời gian đi làm trước đây mình cũng tích lũy được một chút để đưa vào bài giảng.
Dạo mới có dịch Covid, đi tàu hỏa người ta có vẻ e ngại người châu Á vì có lẽ họ nghĩ giống người Tàu. Có đến mấy lần trên tàu mình thấy người ta đọc lại cuốn “Dịch hạch” của Albert Camus, hay là họ muốn lý giải, tìm câu trả lời cho hiện tại?
Bầu trời thì cao không sao với tới. Không gian thì rộng không thể nhìn được nơi nào mang bóng hình quê hương. Đất liền thì có biên giới nên không thể chạm vào. Chỉ có biển. Đúng, chỉ có nước biển mênh mông là có thể đưa tay ta chạm vào quê hương. Có dịp tới một số bãi biển, có lúc sợ cá mập từ đâu lao tới… Nhưng mình cũng chợt nghĩ, chạm vào nước biển là chạm vào quê hương. Như hôm ấy nhìn thấy hình ảnh nét vẽ lá cờ, chỉ hơi tiếc nắng chói quá nên không thể chụp rõ hình hài.