Hãy yêu khi đời mang đến, một cành hoa giữa tâm hồn

Nguyễn Trương Quý
Chia sẻ
(VOV5) - Ca sĩ đầu tiên thể hiện "Đời gọi em biết bao lần" trên phim là Lâm Xuân, một giọng nữ trầm của Sài Gòn những năm 1980.

Nghe âm thanh bài viết tại đây:


Hãy yêu khi đời mang đến, một cành hoa giữa tâm hồn - ảnh 1 NSƯT Phương Thanh - Ảnh Thế giới điện ảnh

Đúng 40 năm trước, bộ phim "Tộilỗi cuối cùng" ra đời năm 1980 đã gây một tiếng vang lớn khi ấy, với đề tài táo bạo: câu chuyện của một nữ trại viên trại phục hồi nhân phẩm miền Nam khi đất nước vừa thống nhất.

Từng có quá khứ giang hồ, Hiền "cá sấu" vốn nổi tiếng có thành tích bất hảo, song lại có nhan sắc nổi bật. Cô bỏ trốn khỏi trại nhưng rồi bị Tuấn, một cán bộ quản giáo bắt lại. Anh thuyết phục cô nên cải tạo tốt để trở về xã hội sớm. Tuy nhiên, khi Hiền trở về, cô không dễ thoát được vòng vây của mạng lưới các anh chị giang hồ cũ, trong đó có tướng cướp Lê Vân, người tình cũ. Cuối cùng, Hiền đã chọn giải pháp hạ thủ tay tướng cướp và định đoạt lấy số phận mình cũng bằng cái chết. Bộ phim thật sự đem lại một cảm giác mới mẻ với công chúng vốn quen các phim tuyên truyền "ta thắng địch thua".

Điều khiến khán giả còn nhớ sau 40 năm là vẻ đẹp và diễn xuất đa diện của Phương Thanh, khi ấy 24 tuổi, một nữ diễn viên miền Bắc đã nỗ lực hóa thân vào vai một cô gái điếm Sài Gòn ở chế độ cũ. Vốn quen được coi như một vẻ đẹp chuyên đóng các vai trong sáng, đằm thắm, giờ đây Phương Thanh được đạo diễn Trần Phương chọn đóng một vai có nhiều đất diễn và nhiều trường tâm trạng khác nhau. Kiểu tóc của Hiền cá sấu đã trở thành mốt. Điều thứ hai là âm nhạc của Trịnh Công Sơn. Bài hát trong phim - "Đời gọi em biết bao lần" - đã trở thành một bài hát độc lập và được yêu thích cho đến giờ.

Trịnh Công Sơn đã từng bộc bạch trên một tờ báo rằng, khi bản nháp đầu tiên của phim "Tội lỗi cuối cùng" hoàn thành, được đạo diễn Trần Phương mời đến xem và viết bài hát cho phim, ngay từ lúc nhìn thấy những hình ảnh đầu tiên của nhân vật “Hiền cá sấu”, những nốt nhạc đầy cảm xúc đã vang lên trong sâu thẳm cũng những ca từ như tự nó phải thế:

Đi về đâu hỡi em
Khi trong lòng không chút nắng
Giấc mơ đời xa vắng
Bước chân không chờ ai đến
Một đời em mãi lang thang...
Em về đâu hỡi em
Hãy lau khô dòng nước mắt
Đời gọi em biết bao lần...

Rồi kết thúc buổi chiếu phim đầu tiên, nhạc sĩ bối rối quay sang bắt tay Phương Thanh, khi đó đang ngồi bên cạnh. Sau cặp kính trắng, đôi mắt của ông như ngấn nước. Ông nói: "Cám ơn em đã cho tôi xem một bộ phim thực sự xúc động".

"Tội lỗi cuối cùng" cũng là điểm bắt đầu cho tình bạn khá đặc biệt giữa người nhạc sĩ tài hoa và cô diễn viên tài năng tuổi đời còn rất trẻ. Phương Thanh từng tâm sự rằng: “Anh Sơn đối với tôi tình cảm trong sáng thánh thiện đúng như người anh với cô em gái nhỏ... Tôi cảm giác anh ấy yêu “Hiền cá sấu”, mê nhân vật trong phim thì đúng hơn. Tôi chỉ là hình ảnh rất nhạt nhòa của Hiền mà thôi... Chính trong quãng thời gian 5-6 năm thân với anh, tôi đã học được rất nhiều, đó là chất thiền trong con người anh đối lại những hệ lụy của cuộc sống". (Lan Dung, báo Thanh Niên, 2009).

Diễn viên Phương Thanh từng là ngôi sao của lớp đào tạo diễn viên điện ảnh khóa 2 trường Điện ảnh Việt Nam, ngoài vai diễn để đời Hiền cá sấu, cô để lại ấn tượng trong "Ai giận ai thương"," Lưu lạc" , "Bãi biển đời người", "Ông Hai Cũ", "Kỷ niệm đồi trăng"... Cô mất đột ngột năm 2009 khi mới 53 tuổi.

Hãy yêu khi đời mang đến, một cành hoa giữa tâm hồn - ảnh 2Hình ảnh hiếm hoi của ca sĩ Lâm Xuân trên mạng tìm kiếm. 

Ca sĩ đầu tiên thể hiện "Đời gọi em biết bao lần" trên phim là Lâm Xuân, một giọng nữ trầm của Sài Gòn những năm 1980. Cô để lại một ấn tượng về một giọng hát nhiều tâm trạng, đanh chắc và có đôi lúc phi giới tính như các ca khúc chính trị và thanh niên xung phong thời bấy giờ, cũng như các bài hát trữ tình như Trương Chi, Bắc Sơn, Nơi anh gặp em, Chiều trên quê hương tôi, Ngày mai anh lên đường...

Còn dĩ nhiên gắn với âm nhạc Trịnh Công Sơn không ai ngoài Khánh Ly. Sau này vào năm 1993, bà đã phát hành CD Tôi ơi đừng tuyệt vọng, lúc này Trịnh Công Sơn đi Canada thăm em gái Trịnh Vĩnh Trinh và Khánh Ly cũng hội ngộ tại đó, để rồi ba người cùng hát trong một CD nhạc Trịnh gồm các bài sáng tác sau 1975, trong đó có "Đời gọi em biết bao lần".

Trịnh Công Sơn (1939-2001) để lại 600 ca khúc, trong đó có khoảng 220 bài đã phổ biến. "Đời gọi em biết bao lần" như hoàn cảnh và lời ca đã bày tỏ, là một khúc hát về tình người, nhẹ nhàng và thấm thía, mang một sắc thái mới của nhạc Trịnh sau 1975: "Hãy yêu khi đời mang đến một cành hoa giữa tâm hồn"...

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu