Đào tạo nhân lực du lịch gắn với các sản phẩm sân khấu truyền thống tại Hà Nội

Trần Văn Hiếu
Chia sẻ
(VOV5) - Cả hai phía đào tạo ngành nghề và các nhà hát đều có những nỗ lực trong việc đưa sân khấu truyền thống đến gần hơn với khán giả trẻ..

Nghe âm thanh bài viết tại đây:

Trước thực trạng khó khăn của sân khấu nhiều năm qua, việc xây dựng kế hoạch tiếp cận, thu hút khán giả trong và ngoài nước đã được nhiều đơn vị nghệ thuật sân khấu truyền thống tại Hà Nội thực hiện, với nhiều cách tiếp cận khác biệt và thực tiễn hơn trước kia.

Và ở chiều hướng ngược lại, sân khấu truyền thống cũng được khơi mở và định hướng tqua môi trường giáo dục đào tạo.

Đào tạo nhân lực du lịch gắn với các sản phẩm sân khấu truyền thống tại Hà Nội - ảnh 1Cảnh trong vở tuồng Xử án Mộc Đài Sơn, Nhà hát nghệ thuật truyền thống Bình Định trình diễn - Ảnh: svhtt.binhdinh.gov.vn

Đơn cử như tại Nhà hát Tuồng Việt Nam, cách thức truyền thông và tạo điều kiện kếp hợp với nhân lực của ngành du lịch để giúp họ hiểu từ đó quảng bá tới du khách những nét đẹp, tính đặc trưng độc đáo cảu sân khấu kịch hát dân tộc Việt Nam.

Nói về việc xây dựng tiết mục và coi sân khấu là một sản phẩm văn hóa phục vụ du khách, ông Phạm Ngọc Tuấn chia sẻ về cách thức mà Nhà hát Tuồng đang làm hiện nay: "Bản thân nghệ thuật coi như là một sản phẩm văn hóa, bởi vì sản phẩm là của thị trường. Trong cơ chế thị trường mà không tạo ra sản phẩm thì không thể nào có được công chúng đến xem - cũng như không có người tiêu dùng đến với sản phẩm đấy. Chính vì ý thức điều ấy, chúng tôi muốn tạo ra một cách làm để đầu tư cho công tác quảng bá rất cao.

Trong giai đoạn hội nhập và phát triển hôm nay, nếu chúng ta ít đầu tư,  ít quan tâm đến nó thì khán giả sẽ không biết đến Việt Nam có một loại hình nghệ thuật độc đáo là nghệ thuật tuồng. Và khán giả trẻ của Việt Nam sẽ dần dần sẽ quay lưng lại với nghệ thuật truyền thống của ông cha. Họ không hiểu được nó. Và khi họ không hiểu được nó thì họ sẽ không đến xem nó và không yêu nó. Và như thế có nghĩa là chúng ta mất đi giá trị bản sắc trong tâm thức của khán giả trẻ hôm nay.

Chúng tôi tập trung rất cao độ nhân lực và đội ngũ marketing, phải hiểu được những giá trị văn hóa truyền thống của Việt Nam, trong đó có nghệ thuật tuồng. Có hiểu được văn hóa của Việt Nam, hiểu được tuổng thì mới chuyển tải được tất cả những kiến thức, những cái hay cái đẹp đến với khán giả trong nước và khán giả quốc tế."

Đào tạo nhân lực du lịch gắn với các sản phẩm sân khấu truyền thống tại Hà Nội - ảnh 2Các nghệ sĩ Nhà hát tuồng Việt Nam - Ảnh: Báo điện tử Tổ quốc

Việc xây dựng chiến lược phát triển các ngành công công nghiệp văn hóa trong đó đưa nghệ thuật sân khấu truyền thống vào hoạt động phục vụ phát triển du lịch đã được chính phủ, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch ban hành cụ thể.

Thực hiện theo chiến lược này của chính phủ, nhiều năm trở lại đây những người làm công tác nghiên cứu sân khấu tham gia giảng dạy tại khoa Du lịch trường Đại học Văn hóa Hà Nội đã chủ động kết hợp với nhiều đơn vị sân khấu kịch hát truyền thống, trong đó có các buổi biểu diễn để sinh viên được học hỏi, tìm hiểu phục vụ công tác truyền bá văn hóa cho du khách là người trong nước và nước ngoài. Là người làm công tác nghiên cứu và giảng dạy,

Tiến sỹ Trần Minh Thu cho biết về sự quan trọng trong việc hướng dẫn các em sinh viên ngành du lịch tiếp cận với sân khấu kịch hát truyền thống ngay từ những năm đầu, từ đó giúp các em có kiến thức giới thiệu tới du khách trong và ngoài nước sau khi các em ra trường: "Tôi giảng dạy sinh viên khoa du lịch môn nghệ thuật diễn xướng dân gian. Môn này nhằm tiếp cận cho các em sinh viên hiểu nghệ thuật sân khấu cổ truyền của dân tộc chúng ta có những cái gì hay, những gì đặc sắc và tinh hoa ở đâu, bản sắc dân tộc ở đâu, để từ đó các em thẩm thấu và các em hiểu được giá trị của văn hóa nghệ thuật truyền thống của chúng ta như thế nào. Từ đó sẽ có nền tảng để sau này khi ra trường hướng dẫn du khách hoặc tổ chức các gói tour du lịch đối với các khách nội địa và quốc tế.

Thường khi tôi hỏi, các em nói rằng chưa bao giờ được đi xem, tôi mới hiểu rằng chưa bao giờ xem thì làm sao các em biết được, chưa biết thì làm sao hiểu được và khi chưa hiểu được thì làm các em yêu được nghệ thuật sân khấu truyền thống của dân tộc, để từ đó các em tiếp cận với nó và dẫn khách đến giới thiệu với du khách? Bởi vậy những buổi thực tế này vô cùng thiết thực."

 Việc đi thực tế xem và tiếp cận với các hình thức sân khấu kịch hát truyền thống dân tộc là sinh hoạt được tổ chức định kỳ giúp các em sinh viên hiểu về những nét đặc trưng cơ bản của loại hình này, từ đấy có thể truyền tải cái hay, cái đẹp tới du khách của mình sau này.

Có mặt tại một buổi thực tế đi xem biểu diễn sân khấu tuồng, bạn Trần Quỳnh, sinh viên năm thứ 2 lớp Văn hóa – Du lịch – khoa Du lịch – Trường Đại học Văn hóa Hà Nội chia sẻ: "Khi đến với sân khấu tuồng bọn em cũng thông qua môn nghệ thuật diễn xướng dân gian. Khi bọn em được trải nghiệm những vở tuồng chèo trước khi ra trường như thế này, sẽ giúp rất nhiều cho bọn em có thể hiểu hơn và nắm được rõ hơn, để từ đó có thể đưa những vở tuồng chèo đến với du khách."

Những buổi biểu diễn của sân khấu kịch hát truyền thống luôn tạo được sự thu hút, hứng khởi ở các sinh viên trẻ. Bắt đầu từ năm thứ hai đại học sinh viên ngành du lịch đã được tiếp cận, tìm hiểu sâu về sân khấu kịch hát truyền thống một cách cặn kẽ nhất. Cách làm này không chỉ nuôi dưỡng thế hệ trẻ đến với sân khấu kịch hát truyền thống mà nó còn ý nghĩa hơn khi đóng góp với tư cách là một sản phẩm văn hóa cụ thể cho phát triển du lịch.

Nói về cảm nhận mỗi khi đến xem sân khấu kịch hát truyền thống cũng như ý nghĩa của loại hình sân khấu này đối với công việc sau này của mình, bạn Thu Dung sinh viên năm thứ 2 lớp Quản trị Du lịch, khoa Du Lịch– Trường Đại học Văn hóa Hà Nội cho biết: " Khi bước vào rạp em cảm thấy không khí ở đây mang một hơi hướng dân gian, đưa em vào một trải nghiệm rất thiết thực với bộ môn em học. Bản thân em là sinh viên ngành du lịch, em rất mong muốn sau khi ra trường có thể đưa được những nét văn hóa dân gian của Việt Nam đến được với bạn bè quốc tế để nó được lan rộng hơn nữa, nhiều người biết đến hơn nữa."

Bằng cách tạo điều kiện cho thế hệ trẻ tiếp cận sớm với sân khấu kịch hát truyền thống từ đó nuôi dưỡng, truyền lửa đam mê tới họ, sân khấu sẽ có được lớp khán giả trong tương lai, cả hai phía đào tạo ngành nghề và các nhà hát đều có những nỗ lực trong việc đưa sân khấu truyền thống đến gần hơn với khán giả trẻ..
Việc sân khấu, đặc biệt là sân khấu truyền thống dân tộc xây dựng nhiều hơn nữa các sản phẩm văn hóa là những vở diễn, tiết mục đặc sắc phục vụ du khách trong và ngoài nước, cũng là bước đệm để sân khấu truyền thống tồn tại và phát triển

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu