Cùng với những đóng góp của nghệ thuật chèo chuyên nghiệp, thì hiện nay khắp các làng quê Hà Nam đâu đâu cũng hiện hữu những chiếu chèo truyền thống. Chính vì vậy, những làn điệu chèo trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống của mỗi người dân trên mảnh đất này. Tất cả đã dệt nên một nét đẹp độc đáo, một bản sắc rất riêng trong sinh hoạt văn hoá của Hà Nam.
Các tiết mục của tỉnh Hà Nam tham gia Liên hoan chèo toàn quốc 2022 |
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Hơn 25 năm xây dựng và phát triển từ Đoàn nghệ thuật chèo cho đến Trung Tâm văn hóa nghệ thuật Hà Nam, các nghệ sĩ, diễn viên, nhạc công Đoàn nghệ thuật chèo Hà Nam luôn nỗ lực phấn đấu để giữ lửa cho những làn điệu chèo truyền thống luôn được ngân vang trong đời sống.
Hàng chục vở diễn, hàng trăm chương trình nghệ thuật tổng hợp phục vụ các nhiệm vụ chính trị văn hóa, các ngày lễ lớn của quê hương, đất nước được các diễn viên, nghệ sĩ nỗ lực tập luyện thực hiện, góp phần làm phong phú đời sống văn hóa tinh thần cho mọi tầng lớp nhân dân trong tỉnh, đồng thời mang tiếng hát vang xa tại các Hội diễn sân khấu chuyên nghiệp, Liên hoan sân khấu chèo toàn quốc… Nhiều nghệ sĩ, diễn viên được vinh danh và khẳng định tài năng của mình trong lòng công chúng. Nghệ sĩ Minh Quang chia sẻ: "Chúng tôi được cọ xát từ những vai diễn, dù là những vai rất nhỏ như quần chúng dân làng, lính, sau đó kỹ năng dần phát triển lên được ban lãnh đạo nhìn nhận giao các vai tham gia vào các vở diễn tại các hội diễn chuyên nghiệp toàn quốc".
Song song việc duy trì thành tích trong Hội thi, liên hoan, Đoàn còn tích cực bồi dưỡng cho lớp diễn viên trẻ, đào tạo, phát hiện và bồi dưỡng đội ngũ kế cận để bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống. Ông Nguyễn Khắc Hiển, trưởng đoàn nghệ thuật chèo, Phó Giám đốc Trung tâm văn hóa nghệ thuật tỉnh Hà Nam, khẳng định: "Chúng tôi có tư duy tư tưởng là phải gìn giữ và phát triển những gì mà cha ông để lại. Mỗi người tự trau dồi bản thân, yêu nghề, gìn giữ nghệ thuật truyền thống của cha ông".
Một buổi sinh hoạt chèo ở Hà Nam |
Cùng với sự phát triển của sân khấu chèo chuyên nghiệp, trong thời gian qua hoạt động hát chèo trong quần chúng cùng được người dân Hà Nam cũng được phát triển sôi nổi và rộng khắp. Ngoài câu lạc bộ chèo và dân ca tỉnh Hà Nam do Trung tâm văn hóa nghệ thuật thành lập năm 2021, tại 6 huyện, thị xã, thành phố còn có hàng trăm câu lạc bộ chèo thu hút đông đảo người dân ở đủ mọi tầng lớp tham gia, sinh hoạt. Nhiều câu lạc bộ được duy trì qua nhiều thế hệ và trở thành điểm sáng của phong trào văn nghệ quần chúng hàng chục năm qua. Một điểm chung ở các câu lạc bộ chèo này là đều được thành lập từ những hạt nhân yêu hát chèo tiêu biểu ở các làng quê. Họ là những nông dân, công nhân không chuyên, nhưng cùng có chung niềm đam mê và yêu thích những làn điệu chèo truyền thống. Tuy nhiều khó khăn, vất vả nhưng ai ai cũng say mê và hứng khởi vì được góp sức giữ gìn và phát huy văn hóa truyền thống của quê hương.
Để gìn giữ, phát huy giá trị nghệ thuật chèo truyền thống còn có sự quan tâm, hỗ trợ của chính quyền địa phương. Ông Ngô Thanh Tuân, Phó giám đốc Sở Văn hoá Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Nam, cho biết: "Trong những năm qua Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch luôn quan tâm gìn giữ và phát triển nghệ thuật Chèo chuyên nghiệp. Năm 2020, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đăng cai Liên hoan tài năng trẻ diễn viên Chèo toàn quốc, kết quả rất tốt. có hằng trăm câu lach bộ Chèo ở các thôn, các tổ dân phố tham gia và nghệ thuật Chèo thực sự được bà con rất yêu quý. Trung tâm văn hóa Nghệ thuật cũng đã thành lập Câu lạc bộ hát dân ca và Chèo của tỉnh, hiện nay hoạt động của câu lạc bộ đã thường xuyên biểu diễn trong thành phố Phủ lý, đặc biệt về các làng quê, chương trình biểu diễn của đơn vị rất đông khán giả xem và cổ vũ".
Hình thành từ thế kỷ thứ 10, hàng trăm năm qua, nghệ thuật chèo truyền thống đã ăn sâu bám rễ trong đời sống, tâm hồn của mỗi người dân đất Việt. Ngày nay diễn chèo và hát chèo đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu mỗi dịp hội làng, hay những ngày lễ tết, kỷ niệm của nhiều miền quê quê trong cả nước. Và ở Hà Nam, nghệ thuật chèo còn được sử dụng như một phương thức tuyên truyền linh hoạt những nghị quyết, chủ chương, đường lối của Đảng, Nhà Nước và của địa phương. Bằng lời ca mộc mạc, gần gũi, đằm thắm, chứa đựng nhiều ý nghĩa nhân văn sâu sắc nghệ thuật chèo không chỉ phản ảnh được tâm tư tình cảm trong đời sống mà còn truyền lửa cho các thế hệ về tình yêu quê hương, niềm tự hào, tự tôn dân tộc…