Đạo diễn Tạ Quỳnh Tư hiện đang công tác tại Trung tâm phim Tài liệu & Phóng sự - Đài truyền hình Việt Nam với cương vị là đạo diễn phim tài liệu. Vốn xuất thân là một quay phim, sau những ngày tháng miệt mài và tình yêu nhen nhóm với nghề, Tạ Quỳnh Tư đã chủ động và nỗ lực để trở thành một đạo diễn phim tài liệu.
Được công chúng nhớ đến với vai trò là đạo diễn của những bộ phim tài liệu không lời bình như “Cây đời”, “Lời nhắn” và đặc biệt “Hai đứa trẻ” – đem về cho anh hai giải thưởng Cánh diều Vàng năm 2016 cho Phim tài liệu xuất sắc và cho Đạo diễn Phim tài liệu xuất sắc. Những bộ phim tiếp nối của anh nói về thân phận những cô dâu Đài Loan trong “Miền đất hứa” và “Chông chênh” hay về quá trình tìm hài cốt của các liệt sĩ trong phim “Đường về” cũng tạo được tiếng vang lớn trong dư luận...
Nghe âm thanh phỏng vấn tại đây:
Đạo diễn Tạ Quỳnh Tư. - Ảnh do nhân vật cung cấp |
PV: Nhiều tác phẩm từng gây dư luận của anh như “Hai đứa trẻ”, “Miền đất hứa”, “Chông chênh”… luôn nhận thấy thấu hiểu, thương cảm của anh với những thân phận người éo le, anh có thể chia sẻ về điều này không?
Đạo diễn Tạ Quỳnh Tư: Trước nay tôi là quay phim tôi có làm một chương trình vì người nghèo, vai trò đi làm phóng viên được tiếp xúc rất nhiều nơi và với nhiều người. Quá trình đi đến những vùng quê để quay những thân phận nghèo khó, trao những món quà hảo tâm, từ đó tôi thấy quanh mình có quá nhiều thân phận ở thôn quê nhỏ bé. Người ta sống hồn hậu nhưng cuộc sống lại không may mắn. Quá trình ấy tôi thực sự rất nhiều ám ảnh. Và nhận được sự đồng cảm chia sẻ, nên khi có cơ hội là đạo diễn tôi dễ dàng thẩm thấu và có những đồng cảm. Thông qua đó tôi muốn mượn chuyện người để nói chuyện đời.
PV: Phim tài liệu không lời bình dường như một thế mạnh của anh, anh có thể chia sẻ vì sao anh lại chọn cách làm phim như thế này?
Đạo diễn Tạ Quỳnh Tư: Khi mình bắt đầu chập chững bước vào làm phim tài liệu mình làm phim có lời bình. Anh Hạo trực tiếp hướng dẫn mình có chia sẻ xu hướng làm việc trên thế giới là làm phim không có lời bình, làm sao mình phải làm được. Đó là lí do trực tiếp từ lãnh đạo. Lí do thứ hai, lời bình mình viết không phải là mạnh. Trước đó mình đã xem những phim có lời bình, lời bình có thể mạnh hơn. Một trong những điểm yếu của mình là lời bình có thể sẽ át hết hình ảnh.
Chính vì thế mình nghĩ cần phải tiệm cận với cách làm của thế giới, làm sao để bộ phim tài liệu của mình có cảm xúc và chân thật nhất, từ tiếng nói của nhân vật có khả năng truyền tải đến khán giả nhiều nhất. Nó phải mạnh từ hình ảnh đến biểu cảm cảm, cảm xúc của nhân vật chứ không thể chỉ qua lời bình được. Viết lời bình không mạnh và không khéo sẽ mang tính áp đặt chủ quan, đôi khi có sự sáo rỗng nên mình quyết tâm theo đuổi việc thực hiện phim tài liệu không lời bình.
PV: Vậy thì một bộ phim tài liệu không lời bình có làm khó anh không và quá trình thực hiện nó như thế nào?
Đạo diễn Tạ Quỳnh Tư: Cách làm này ban đầu khá khó, làm, người ta tâm sự biểu cảm trước ống kính mà không có sự ngượng ngùng. Người ta bộc một cách chân thật tự nhiên. Cái đó là cái khó. Mình nghĩ đến cách làm sao giữa mình và nhân vật không có khoảng cách. Ống kính của người quay phim chính là người thân trong gia đình của những người đó.
Thứ hai là ý tưởng, truyền tải để bố cục, kết cấu trong phim phải được chắt lọc. Từ khâu tiền kỳ đến khâu hậu kỳ là cả một quá trình. Chính vì thế khi mình làm những phim như thế này thường không có kịch bản chi tiết cụ thể nào mà chỉ là ý tưởng ban đầu chỉ là một câu chuyện mình nghe đâu đó, một tít bài báo…, mình sẽ mang máy đi làm. Quá trình làm việc chính là quá trình biên tập, viết kịch bản. Phần hậu kỳ chính là phần quan trọng nhất đối với cá nhân mình. Phần hậu kỳ là phần cắt gọt cuối cùng.
PV: Hiện tại anh có thực hiện một dự án phim tài liệu nào không?
Đạo diễn Tạ Quỳnh Tư: Hiện tại mình đang làm một đề tài về vượt biên trái phép bằng đường biển. Đề tài này đã được lên báo – câu chuyện về 17 người vượt biên bằng đường biển sang Australia. Lần đầu tiên sau rất nhiều năm có một tàu đánh cá vượt biên sang ở nước Úc. Sau đó họ bị bắt giữ ở một đảo. Sau khi bị bắt giữ họ bị trao trả về Việt Nam. Ngày xưa bắt giữ trao trả về là xong nhưng bộ luật của mình đã thay đổi, phải đứng ra xét xử cho những người vượt biên trái phép bằng đường biển. 17 người này đối diện với án phạt di cư trái phép. Trong đó có 3 người phải bị nhận án phạt tổ chức cho người di cư bằng đường biển.
Phiên tòa đã và đang diễn ra, mình muốn truyền tải một câu chuyện thực trong cuộc sống. Bạn muốn làm giàu, di cư nhưng khi không hợp pháp bạn phải đối mặt với hệ lụy, luật pháp đất nước sở tại bạn đang sinh sống. Câu chuyện còn kéo theo rất nhiều hệ lụy, cuộc sống gia đình mất đi trụ cột, toàn bộ diễn biến đó mình vẫn đang theo đuổi và sang năm 2021.
PV: Vâng xin chân thành cảm ơn những chia sẻ của anh. Chúc anh thành công với bộ phim sắp tới.