Trong bộ ba tiểu thuyết nổi tiếng của Hungary về đề tài lò thiêu trong chiến tranh thế giới thứ hai, do dịch giả Giáp Văn Chung đã chọn giới thiệu với bạn đọc Việt Nam, cùng với "Không số phận", và "Kinh cầu cho một đứa trẻ không ra đời" của Imre Kertész , thì tiểu thuyết “Cơn sốt lúc bình minh” của Gárdos Péter là cuốn sách đặc biệt hấp dẫn về tình yêu, dễ đọc nhất với độc giả đại chúng.
Tại Festival sách London do Publisher Weekly tổ chức cuối năm 2015, tác phẩm văn học Hungary Cơn sốt lúc bình minh được đánh giá là tác phẩm quan trọng nhất.
Tại Việt Nam, tác phẩm đã được NXB Lao Đông xuất bản, dịch giả Giáp Văn Chung, người Việt ở Hungary chuyển ngữ.
Khi nói về tác phẩm này, nhà văn Jennifer Clement từng nhận xét “Câu chuyện khác thường về tình yêu, chiến tranh, và sức mạnh của những lá thư.” Chiến tranh thế giới lần kết thúc chưa đầy ba tuần. Gió Bắc thổi dữ dội, con tàu nghiêng ngả giữa những đợt sóng cao hai, ba mét trên biển Baltic hướng tới Stockholm. Chàng trai Hungary Miklós 25 tuổi may mắn thoát khỏi lò thiêu của phát xít Đức đã đến Thụy Điển trên con tàu này, cùng chiếc bóng tử thần bám riết. Với hai lá phổi tàn hoại, thời hạn sống tối đa của Miklós chỉ còn 6 tháng. Nhưng anh muốn sống, và đã tuyên chiến với số mệnh theo một cách thật nên thơ. 117 lá thư viết nắn nót bằng nét chữ trang nhã được gửi đến tay các cô gái Hung không quen đang chữa bệnh trên đất Thụy Điển. Và từ bên bờ vực tăm tối của cái chết đã nảy mầm xanh hy vọng cho hai người trẻ tuổi…
Đây là một câu chuyện tình rất hấp dẫn và xúc động, mà như dịch giả Giáp Văn Chung cho biết, ông đã tình cờ biết đến nó: “Lúc đầu tôi cũng không biết đến cuốn tiểu thuyết này, nhưng có một dịp tôi tới dự trại dịch thuật của Hunggary. Trao đổi với những người bạn nước ngoài, người ta nói ông nên tìm dịch cuốn này, cũng về đề tài lò thiêu, nhưng dễ đọc hơn “Không số phân” hay “Kinh cầu cho một đứa trẻ không ra đời”. Tôi đã tìm đọc, và rất xúc động. Vì tác giả tuy không phải là một nhà văn chuyên nghiệp, nhưng với con mắt một đạo diễn nổi tiếng thì ông đã xây dựng tiểu thuyết này gần như một kịch bản điện ảnh.
Và xuyên suốt cuốn tiểu thuyết là những trích đoạn từ những lá thư mà bố mẹ ông để lại. Những lá thư sau 70 năm mới được đưa ra ánh sáng. Và ông đưa tiểu thuyết này cho 1 người bạn đọc vì không tin tưởng ở khả năng viết văn của mình. Người bạn ấy khuyên ông ngay lập tức đưa in và chắc chắn sẽ thành công. Và đúng vậy khi đưa đi triển lãm cuốn sách ở Anh, thì cuốn sách đã được đánh giá là một tác phẩm quan trọng về đề tài lò thiêu.
Rất nhanh nó đã được dịch ở hơn 30 nước, trong đó có những nước mà người ta ít hiểu biết về văn hóa lò thiêu như Trung Quốc, Hàn Quốc vv… Tôi quyết định dịch và cũng làm tương đối nhanh."
Nhà văn Gárdos Péter. |
Gárdos Péter sinh năm 1948 tại Budapesst, là đạo diễn phim nổi tiếng của Hungary, đã giành được hơn 20 giải thưởng quốc tế tại các Liên hoan phim quan trọng. Cha mẹ Gárdos Péter có một câu chuyện tình yêu lạ thường, đầy kịch tính mà một thời gian dài ông không hề biết. Sau khi cha ông mất vào năm 1998, bà mẹ trao cho con những xấp thư trao đổi giữa hai người. Gárdos Péter đọc hết chúng trong một đêm, nhưng tiểu thuyết Cơn sốt lúc bình minh chỉ ra đời sau đó mười năm. Với cuộc dấn thân đầu tiên vào văn chương này, vị thế của Gárdos Péter trên văn đàn Hungary hiện đại đã được xác lập. Cơn sốt lúc bình minh đã được chính Gárdos Péter dựng phim, công chiếu vào tháng 12-2015.
Dịch giả Giáp Văn Chung nhận xét: “Thực ra ông không phải là một nhà văn chuyên nghiệp, nhưng là một đạo diễn tương đối nổi tiếng ở Hungary. Văn phong của cuốn này tương đối nhẹ nhàng, với cách kể chuyện gần như của người trong cuộc. kể về bố mẹ mình, những kỷ niệm rất gắn bó. Thế cho nên người đọc gần như có thể tham gia và câu chuyện của tác giả, đi suốt từ đầu đến cuối bố mẹ ông chỉ quen nhau qua những lá thư, rổi trao đổi, gặp gỡ nhau, và tình yêu đó kéo dài hơn 60 năm, cho đến năm 1998 khi bố ông mất. bà mẹ trao cho con những lá thư. Ông đã đọc và xúc động đến mức 10 năm sau ông không dám động đến tập thư đó nữa. Sau 10 năm suy ngẫm ông mới viết thành tiểu thuyết này.
Tôi nghĩ sức hấp dẫn của tác phẩm chính là sự chân thực của câu chuyện. Mối tình kỳ lạ, chung thủy mà cũng rất đẹp, nói lên niềm tin, niềm hy vọng của con người. Nếu có tình yêu cuộc sống thì con người ta có thể vượt qua được tất cả trở ngại trên chặng đường trong cuộc đời của mình.”
Khi đọc Cơn sốt lúc bình minh, nhà văn Julie Orringer nhận xét: “một hành trình cuốn hút và tươi sáng từ bờ vực cái chết tới sự sống, cuốn tiểu thuyết khẳng định sức mạnh của tình yêu giữa thế giới vừa qua cơn hoang tàn thù hận. Gárdos Péter đã soi sáng sức mạnh vô biên của ý chí con người – không chỉ là động lực để sống sót, mà còn để chạm đến cuộc sống đáng tôn vinh”.
Và với Giáp Văn Chung, thì: “Tôi muốn với bộ ba tiểu thuyết về đề tài lò thiêu thì độc giả Việt Nam có điều kiện tìm hiểu và hiểu biết về một góc khuất của chiến tranh thế giới lần 2, để biết nhân loại đã trảu qua những nỗi đau đớn, những tàn phá như thế nào. Và khả năng vô biên của con người có thể vượt lên trên số phận, vượt lên trên cái chết để sống yêu thương và tạo lập tương lai cho mình.”