Có một con đường của thơ ca

Chia sẻ
(VOV5) - Con đường số 7, mặt trận từ Nậm Cắn đến cánh đồng Chum là con đường của thơ ca, con đường của văn học.

Nghe âm thanh bài viết tại đây:

Trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, từ con đường mang tên đường số 7, bộ đội tình nguyện Việt Nam đã sang giúp đỡ quân đội Pathet Lào, góp phần giải phóng cánh đồng Chum – Xiêng Khoảng. Cùng với đường 6, đường 7, đường 8, đường 9, con đường 7 là con đường của tình hữu nghị, con đường của khát vọng hòa bình và thơ ca. Đường số 7 đi vào thi ca như một nhân chứng lịch sử của một thời không được phép lãng quên. 

Ngày nay, quốc lộ 7 là tuyến giao thông quan trọng của nhiều xã miền Tây Nghệ An, nối với Lào qua cửa khẩu Nậm Cắn, cũng là tuyến giao thông liên quốc gia  Việt Nam - Lào. Ở trong nước, điểm đầu của quốc lộ 7 tại thị trấn Diễn Châu, huyện Diễn Châu (giao với Quốc lộ 1A); điểm cuối tại cửa khẩu Nậm Cắn (biên giới Việt - Lào thuộc xã Nậm Cắn, huyện Kỳ Sơn). Tuyến đường này bên Lào cũng được gọi là Quốc lộ 7.

Có một con đường của thơ ca - ảnh 1Rừng săng lẻ bên đường 7 - hình ảnh thường gặp trong nhiều tác phẩm thơ văn thời kháng chiến chống Mỹ. 

Năm mươi năm trước, chàng trai Lê Khánh Hoài rời ghế nhà trường phổ thông, từ Hà Nội hành quân qua đường số 7, trở thành chiến sỹ của binh trạm 13 - mặt trận Lào. 5 năm quân ngũ là khoảng thời gian ác liệt nhất và cũng là khoảng thời gian vô giá, để khi trở thành nhà báo nhà thơ với bút danh Châu La Việt, thì chính con đường này, khoảng thời gian này là nguồn cảm xúc, vốn sống và điểm tựa tinh thần cho ông trong đời thường cũng như trang viết:

“Tôi là một chiến sỹ gắn bó cả tuổi trẻ của mình ở đường 7 Lào. Đường 7 Lào lúc ấy được tính từ Mường Xén, tức là đồn biên phòng Nậm Cắn, cho đến Khang Khay Cánh đồng Chum. Tôi xa chiến trường đến nay là 45 năm, nhưng khi tôi trở lại thì tất cả vẫn rất thân thuộc, dù là không gian, dù là thời gian đã thay đổi rất nhiều. Mỗi đoạn đường đều có những kỉ niệm của chính tôi và đồng đội. Nơi đó có những người bạn tuổi thanh xuân của tôi đã nằm xuống vĩnh viễn. Cho nên khi trở lại, như mọi người lính khác, điều đầu tiên chúng tôi đều rất xúc động và rất nhớ những đồng đội đã nằm xuống ở đây.” - Châu La Việt tâm sự.

Có một con đường của thơ ca - ảnh 2 Nhà thơ Châu La Việt (thứ hai từ phải sang) cùng đồng đội.

Với đại tá – nhà thơ Lê Hoài Nguyên, cái duyên gắn kết ông với con đường số 7 bắt đầu từ những ngày tháng 10 năm 1971, khi ông là chiến sỹ của trung đoàn pháo cao xạ 226. Trung đoàn được tăng cường hành quân bảo vệ tuyến đường giao thông và bảo vệ chiến dịch giải phóng cánh đồng Chum. Tại đây, những cuộc chiến đấu với máy bay Mỹ rất ác liệt. Trung đoàn 226 đã hoàn thành nhiệm vụ, bắn rơi hơn 50 máy bay của Mỹ và Thái Lan, góp phần giải phóng cánh đồng Chum. Cuộc chiến đấu vô cùng ác liệt, cận kề cái sống cái chết, nhưng các chiến sỹ rất lạc quan, yêu đời, phong trào văn hóa văn nghệ của trung đoàn luôn sôi nổi.

Những sáng tác đầu tiên của anh chiến sỹ Lê Hoài Nguyên ra đời từ đây, khét mùi thuốc pháo và mồ hôi lính. Dù sau này trải qua nhiều địa vị công tác, nhiều môi trường làm việc, nhưng nhà thơ Lê Hoài Nguyên vẫn trở đi trở lại con đường 7, với ký ức vẹn nguyên về đồng đội: “ Vì chúng tôi là những sinh viên, trong đó tôi là sinh viên khoa ngữ văn Đại học Tổng hợp Hà Nội, cho nên tôi cũng được giao nhiệm vụ thiết kế các chương trình văn hóa văn nghệ cho đơn vị và cho trung đoàn. Tôi vừa chiến đấu, vừa hoạt động văn nghệ, vừa ghi chép lại được nhiều kỉ niệm sâu sắc. Thời gian chiến đấu ở đây không nhiều, nhưng đó thực sự là những năm tháng đẹp đẽ nhất của tuổi trẻ chúng tôi, như một nguồn sống, nguồn sức mạnh theo chúng tôi đi, giúp chúng tôi làm tiếp nhiệm vụ của những tháng năm sau này, nhiệt tình hơn, hăng hái hơn, và cùng với đồng đội giữ gìn những kỉ niệm của mình”.

Có một con đường của thơ ca - ảnh 3 Đoàn cựu chiến binh thăm lại mặt trận Lào đường 7.

Dù không đóng quân ở mặt trận đường số 7, nhưng công việc của một chiến sỹ cục vận tải quân sự đưa nhà thơ Trần Nhương đi lại nhiều lần trên tuyến đường này, và ông cũng thừa nhận chính vùng đất này đã giúp ông có nhiều tác phẩm, cả thơ và văn xuôi: “Trên con đường số 7, tôi cũng đi về Xiêng Khoảng và Sầm Nưa nhiều lần. Vùng đất này đã cho tôi chất liệu, giúp tôi viết tiểu thuyết “Bến đỗ đời anh” vừa rồi được giải thưởng văn học sông Mê Kông.Tôi cũng làm rất nhiều thơ về con đường này. Có những bài thơ ra đời đến năm này là 49 năm, cả nữa thế kỷ.”

Cũng như nhiều con đường khác từ Việt Nam sang Lào, như đường 6, đường 8, đường 9, đường 7  là con đường mà nhiều văn nghệ sỹ ngoài Bắc vào mặt trận để phục vụ bộ đội chiến sỹ, phục vụ nhân dân Lào anh em.

Nhà thơ Châu La Việt luôn nghĩ về điều này với những cảm xúc tự hào, trân trọng: “Con đường số 7, mặt trận từ Nậm Cắn đến cánh đồng Chum này hóa ra lại là con đường của thơ ca, con đường của văn học. Trên con đường này, nhà văn Nguyễn Minh Châu đã viết truyện ngắn rất nổi tiếng “Mảnh trăng cuối rừng”. Trên con đường này, những chiến sỹ pháo thủ như Lê Hoài Nguyên đã có những vần thơ rất đẹp. Ở cương vị một sỹ quan tuyên huấn, tôi cũng sung sướng nhận ra rằng, trong đội ngũ thơ ca của đường 7, trong đội ngũ thơ ca của mặt trận cánh đồng Chum, mình cũng được đứng sau những tên tuổi ấy”.

Nguyễn Minh Châu, Phạm Tiến Duật, Bùi Bình Thi, Trần Nhương, Châu La Việt, Lê Hoài Nguyên, Ngô Xuân Thông, Phạm Trung Nhân… và rất nhiều tên tuổi khác trưởng thành từ quân ngũ đã gắn bó với con đường số 7, cho ra đời nhiều tác phẩm, phục vụ đời sống tinh thần của chiến sỹ và nhân dân trong những ngày tháng ác liệt đó, không ít tác phẩm được giữ lại cùng thời gian.

Đi trên con đường số 7 của hôm nay đã nhiều đổi khác, nhà thơ Trần Nhương bùi ngùi: “Chiến sỹ của chúng ta hy sinh quá nhiều. Nhân dân chúng ta hy sinh quá nhiều. Dù có viết bao nhiêu cũng không thể trả hết công lao của họ. Con đường 7, đường 9 hay các con đường khác đến với đất nước Lào đều góp những tiếng nói và góp vào văn chương nhiều gương mặt người cầm bút. Riêng anh Phạm Tiến Duật đã viết rất nhiều thơ về con đường này, mà tiêu biểu là bài “Tiếng cười trong hang đá”. Trong hang đá nước không có, mùa khô rồi mùa mưa sẽ ra sao,sinh hoạt, chiến đấu thế nào, nhưng câu kết lại là “Không có tiếng cười nào vang hơn tiếng cười trong hang đá”. Tuy nhiên, thời gian cũng khỏa lấp nhiều thứ. Cho nên những tác phẩm về chiến tranh, ra đời trong chiến tranh bây giờ cũng ít được nhắc đến”

Nếu nhắc đến những con đường kháng chiến, có thể kể ngay đến những con đường nổi tiếng như  đường mòn Hồ Chí Minh, đường 9 Khe Sanh Quảng Trị, đường lên Tây Bắc, đường thống nhất Bắc Nam…, bao con đường đã được định danh trong lịch sử, trong thơ ca nghệ thuật.

Dấu tích chiến tranh hầu như đã xóa nhòa trên con đường 7 hôm nay. Song nghĩa trang quốc tế Việt Lào, nơi có hơn 11 nghìn ngôi mộ liệt sỹ là lời nhắc nhở thật ý nghĩa và xúc động. Những người lính của đường 7 năm xưa tiếp tục trở lại, nới dài những tháng ngày quân ngũ bằng cách viết tiếp câu chuyện của mình và đồng đội. Viết, để giữ lại với thời gian một bảo tàng chữ, để gió không thể cuốn đi.

Đèo Đất 

Lê Hoài Nguyên

Ngọn gió nào mang tiếng hát đến đây

Để anh biết em ở đồi trọng điểm

Nơi bom đạn đêm ngày không xuể đếm

Có các em đang phá đá sửa đường

 

 Trận địa ở chân đồi suốt cả mùa khô

Nắng đốt bãi bằng cỏ cây trụi cả

Cái nóng gió Lào cứ như hun lửa

Con đèo đỏ hằn trong bụi chơi vơi

 

Anh nhìn lên đường chót vót lưng trời

Giặc càng đánh đường càng lên cao cao mãi

Mười cây số đường đèo của những người con gái

In trong tim những chiến sỹ qua đường

 

Đến đây rồi không xa nữa tiền phương

Tiếng súng nổ vọng về rõ lắm

 Lại gặp em ánh đèn xanh tỏa sáng

Và tiếng cười đêm lạnh ấm không gian

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu