Chung khảo cuộc thi Sáng tác văn tế Đại thi hào Nguyễn Du

Dương Hà
Chia sẻ
(VOV5) - Gần 30 bài văn tế được tuyển trọn thì đều là những tác phẩm rất hiểu về con người Nguyễn Du, hiểu về các sáng tác bằng chữ Hán của Cụ.

Nghe âm thanh bài viết tại đây:

Vừa qua tại trụ sở Hội Kiều học Việt Nam, Ban tổ chức Cuộc thi “Sáng tác Văn tế Đại thi hào Nguyễn Du” đã tiến hành họp hội đồng Chung khảo. Ban tổ chức nhận được nhiều bài dự thi của các cây bút trong nước và nước ngoài thể hiện rõ sự công phu trong việc sưu tầm tư liệu, được sáng tác theo thể Văn tế (tức là bài viết gồm hầu hết các cặp câu biền ngẫu và gieo một vần trắc từ đầu đến cuối bài) nhằm tôn vinh và tái hiện lại cuộc đời, thân thế và sự nghiệp của Đại thi hào Nguyễn Du.

Chung khảo cuộc thi Sáng tác văn tế Đại thi hào Nguyễn Du - ảnh 1 Các nhà thơ, nhà nghiên cứu thảo luận về Truyện Kiều tại Khu di tích Nguyễn Du, tỉnh Hà Tĩnh  - Ảnh: Doãn Hòa/ Báo Tuổi trẻ

Nhiều bài dự thi đã lấy 2 câu thơ cảm thán trong bài thơ “Độc Tiểu Thanh ký” của Nguyễn Du làm mở đầu, đó là “Bất tri tam bách dư niên hậu/ Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như” )Không biết hơn ba trăm năm sau/ Thiên hạ ai người khóc Tố Như)…

Nhà thơ Vương Trọng- Trưởng Ban tổ chức cuộc thi khá bất ngờ vì nhiều bài viết chất lượng được gửi về tương đối sớm: "Tôi rất ngạc vì nhiều tác giả có thể viết văn tế hay đến như vậy. Văn Tế là thể loại văn chương cho phép người viết chuyển tải được nhiều sự kiện, chi tiết và đồng thời cũng chuyển tải được cảm xúc, nên rất có giá trị. Thể loại này có 2 phần chính là Thích thực và Ai vãn. Thích thực là phần ca ngợi thân thế sự nghiệp của người mình tế. Còn Ai vãn là phần nhớ nhung thương tiếc người quá cố. Đại thi hào Nguyễn Du có hai điểm đáng chú ý là Tài và Tâm. Tài trong sáng tác văn chương. Tâm chính là tình yêu thương số phận con người, đặc biệt những người yếu thế trong xã hội. Cụ Nguyễn Du có một tinh thần dân tộc rất lớn. Cụ rất tôn trọng các danh nhân của Trung Quốc, nhưng đồng thời cũng lên án những kẻ nào của Trung Quốc sang xâm lược Việt Nam. Vàì những bài văn tế hay đều đề cập điều này. Về nghệ thuật thì các bài tế đều phải đúng thể loại, tức là toàn bài đều là cặp câu biền ngẫu và gieo một vần trắc từ đầu đến cuối bài."

Cuộc thi “Sáng tác Văn tế Đại thi hào Nguyễn Du” do Hội Kiều học Việt Nam phối hợp với Đài Tiếng nói Việt Nam, Hội Nhà văn Việt Nam và Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh tổ chức từ tháng 2 năm 2019 đến tháng 7 năm 2020 nhằm hướng tới Lễ kỷ niệm 200 năm ngày mất của đại thi hào Nguyễn Du. Chính vì thế nhiều tác phẩm tham dự đã chứng tỏ được hiểu biết không chỉ về thân thế sự nghiệp của Nguyễn Du, mà còn hiểu rất rõ về Truyện Kiều, về thể Văn tế cùng 3 tập thơ chữ Hán của Cụ là: Thanh Hiên Thi Tập, Nam Trung Tạp Ngâm và Bắc Hành Thi Tập.

Giáo sư Phong Lê- Chủ tịch Hội Kiều học Việt Nam khi thẩm định bài dự thi không khỏi bất ngờ các tác giả đã sử dụng thể thơ biền ngẫu nhuần nhuyễn và hiệu quả: "Gần 30 bài văn tế được tuyển trọn thì đều là những tác phẩm rất hiểu về con người Nguyễn Du, hiểu về các sáng tác bằng chữ Hán của Cụ. Họ có thể tương đương với các nhà giáo, giáo sư nổi tiếng về văn học Trung đại, nghiên cứu về Đại thi hào. Những bài viết này đã thể hiện được niềm kính trọng Đại thi hào của chúng ta. Quan trọng là các tác phẩm đã truyền xúc động đến cho người đọc. Kèm theo sự xúc động là tinh thần tự hào, tự hào vì là người dân Việt, tự hào về một đại thi hào dân tộc hai lần được vinh danh danh nhân văn hóa thế giới. Cuộc thi này đã chứng minh, nói như nhà thơ Tố Hữu: Nghìn năm sau chúng ta vẫn nhớ Nguyễn Du."

Còn Giáo sư, Nhà giáo nhân dân Nguyễn Đình Chú khi đọc các tác phẩm gửi về dự thi cũng lấy làm thán phục bởi những chi tiết và lời văn thấu cảm lòng người, đề cao ý nghĩa và tầm quan trọng của chữ “Tâm” trong bối cảnh xã hội hiện nay: "Chủ trương mở cuộc thi rất hay, rất cần thiết cho tinh thần và đời sống văn hóa của đất nước hôm nay. Tôi là người đọc đi đọc lại rất nhiều lần các bài viết dự thi. Ấn tượng của tôi là rất bất ngờ vì nhiều tác giả viết văn tế hay. Vì thể văn tế là gắn với tư duy nghệ thuật, kết hợp giữa cảm xúc và trí tuệ. Tất nhiên là có bài thấp, có bài cao, nhưng khả năng thẩm cuộc đời, văn nghiệp của Nguyễn Du là rất tốt."

Nhà thơ Trần Đăng Khoa- cũng rất đồng cảm với nhiều bài viết đi sâu vào từng tác phẩm chữ Hán cụ thể của Nguyễn Du: "Cuộc thi nhận được sự hưởng ứng của nhiều bậc đại bút. Bởi đây là cuộc thi văn chương rất đặc biệt, vừa nói được thân thế, sự nghiệp, giá trị, niềm tiếc thương của hậu thế đối với Người chúng ta tưởng niệm. Nhưng nó lại phải khúc thức của một bài văn tế có đối thanh, đối ý. Vì thế điều này khó vô cùng, mà lại viết được tự nhiên, thanh thoát. Gần 30 tác phẩm được lựa chọn có nhiều bài viết rất hay, vừa thấy được cuộc đời, tài năng của cụ Nguyễn Du, vừa thấy được thời thế, sự ngưỡng mộ của hậu thế cả ở trong nước và ngước ngoài."

Vẫn biết rằng trong văn chương, thì Văn tế là gần với thể khóc nhất, là để tưởng nhớ, ai vãn, luyến nhớ người quá cố. Văn tế mặc dù không được phổ biến rộng rãi trên văn đàn, trên các phương tiện truyền thông, nhưng nó lại được lưu truyền trong dân gian một cách phong phú và giàu cảm xúc. Các bài viết tham dự cuộc thi một lần nữa chính tỏ rằng thể loại Văn tế còn rất tiềm tàng trong dân gian.

Điều này đã được thạc sĩ Nguyễn Hằng Thanh chia sẻ trong quá trình chấm giải: "Nhiều bài dự thi cho thấy rằng các tác giả rất dụng công, giàu cảm hứng và bám sát thể thơ biền ngẫu. Đặc biệt là nhiều bài viết đã thể hiện niềm kính trọng và đầy tự hào về Đại văn hào Nguyễn Du, đồng thời cũng cảm thương ai oán cho cuộc đời ít nhiều trắc trở của Đại thi hà,  với cảm hứng chủ đạo là ngợi ca sự nghiệp, cuộc đời, tấm lòng, cái tâm của Nguyễn Du thông qua Văn tế thập loại chúng sinh, qua thân phần nàng Kiều trong Truyện Kiều."

Những bài có chất lượng cao sẽ được chọn in trong Tuyển tập Văn tế Đại thi hào Nguyễn Du. Các tác giả đoạt giải cũng được mời tham gia “Cuộc hội ngộ và giao lưu những người thuộc Kiều” tổ chức tại quê hương Đại thi hào Nguyễn Du và tham dự đại lễ Kỷ niệm 200 năm ngày mất của Người dự kiến được tổ chức vào tháng 9 năm năm nay.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu