Trong sáng tác về thân phận người tha hương của văn học thế giới những năm gần đây, có một số tác phẩm lấy chủ đề cô dâu Việt hay thế hệ thứ hai, thứ ba người Việt ở nước ngoài, đã được giới thiệu và xuất bản liên tục tại Việt Nam.
Vừa ra mắt, “Cậu bé Sài Gòn” của nhà văn Đài Loan Trương Hữu Ngư, do NXB Kim Đồng ấn hành, là một câu chuyện hay không chỉ dành cho trẻ em, dẫu có pha chút dư vị chua chát của những phận đời xa xứ, nhưng vẫn ấm áp như tia nắng mặt trời vào ngày cuối xuân sang hạ. Nếu có gì gợi nhắc tới cái hay của văn học kinh điển, thì chính là phảng phất tinh thần nhân bản cao thượng của con người như trong “Những tấm lòng cao cả” của Edmondo de Amicis.
|
Chị Nguyễn Thúy Loan, biên tập viên NXB Kim Đồng cho biết: "Cậu bé Sài Gòn được NXB Kim Đồng mua bản quyền từ đối tác Đài Loan. Đây là một cuốn sách đã được đạt được rất nhiều giải thưởng ở Đài Loan và được đưa vào chương trình Khuyến đọc của giáo dục Đài Loan. Câu chuyện liên quan đến một người mẹ Việt Nam và hai người con có bố là người Đài Loan. Khi đọc thẩm định, Nhà xuất bản nhận thấy cuốn sách rất nhân văn, giúp mọi người cũng như các bạn nhỏ Việt Nam hiểu thêm về con người, cuộc sống sinh hoạt của các bạn có một nửa dòng máu Việt của mình ở bên Đài Loan và cùng có được sự cảm thông chia sẻ từ bản địa.”
Cậu bé Thiếu Khoan cùng em gái sinh đôi Thiếu Nam được kể đến trong cuốn sách này có mẹ gốc miền Tây. Họ cùng ba và bà nội người Đài Loan tại thành phố Cao Hùng. Những trắc trở, bất hòa, hiểu lầm, khoảng cách trong nhận thức, giao tiếp, tư duy thường ngày nhiều lúc tưởng như đã tách lìa các thành viên của gia đình ấy thành những cá thể đơn độc, lẻ loi giữa những cộng đồng đa sắc thái:
"Chuyện cuốn hút ngay từ đầu. Mở đầu là những dòng tâm sự của em nhỏ, giới thiệu em là Thiếu Khoan. Nhưng khi tưởng là câu chuyện của một em nhỏ, thực ra sau đó lại là chuyện kể của người mẹ, kế tiếp nhau như hai mạch tư duy liên tiếp nhưng lại ghép vào thành một mạch ngầm chảy, như là con và mẹ cùng bổ sung cho nhau. Tâm sự này còn hiểu rộng được hơn, đấy là sự lẻ loi đơn độc người ta sẽ vượt lên được hết bởi vì muốn hòa hợp với nhau. Chính từ những tâm sự của mẹ của con mà bắt đầu hiểu về cha, về bà nội, về Đài Loan và về Việt Nam. Và sự kết nối nhiều hơn khi Thiếu Khoan nói rằng chúng ta là người Trái Đất chứ không cần phải phân biệt là người Việt Nam hay người Đài Loan nữa, Người Trái Đất cùng ở với nhau và cùng có chung một ước mơ về tình thương yêu và hạnh phúc." - Chị Thúy Loan nói.
|
Với con mắt của người biên tập tác phẩm, chị Nguyễn Thúy Loan cho rằng Cậu bé Sài Gòn thực sự là tâm tình từ nữ nhà văn Đài Loan với niềm cảm thông sâu sắc với số phận của người mẹ trong cuốn sách - là người phụ nữ Việt Nam đi làm dâu xa xứ và cả nỗi cảm thông với các em nhỏ thế hệ thứ hai, thứ ba di dân. Đây là tình yêu thương của những người Đài Loan thấu hiểu, luôn giúp đỡ những người phụ nữ từ các quốc gia khác lấy chồng Đài Loan: "Nhà văn tiếp cận thực tiễn và kể câu chuyện chân thật: vừa có những mặt trái là những mâu thuẫn trong gia đình giữa mẹ chồng nàng dâu, giữa bà nội với các cháu, giữa những cái chưa được hòa hợp với nhau về ngôn ngữ, về nhận thức, về phong tục nữa, nhưng sau tất cả những hiểu lầm, những mâu thuẫn ấy đều được hóa giải. Cuối cùng họ hóa giải và kết nối lại được tình cảm bằng sự chân thành của mình. Tôi thấy câu chuyện rất là cảm động."
Dịch giả Phạm Thanh Vân, người chuyển ngữ cuốn sách cho biết, nếu như chị đã đọc nhiều câu chuyện về những người phụ nữ lấy chồng nước ngoài, thì Cậu bé Sài Gòn lại là cuốn sách đầu tiên chị đọc và dịch nói về những đứa trẻ mang hai dòng máu Việt. Trong quá trình dịch, chị mới hiểu không chỉ những người mẹ mà ngay cả con cái của họ sống không dễ dàng gì: "Nhưng sau những nỗi trăn trở rốt cuộc mình thuộc về nơi nào là người Đài Loan hay người Việt Nam, là cậu bé Sài Gòn hay là thế hệ mới của người Đài Loan, trong đó có những lúc đã đi sai đường, thì cậu bé Thiếu Khoan cũng đã tìm ra được đáp án phù hợp với mình, khẳng định được giá trị bản thân, tìm ra sở thhích hứng thú và biết quan tâm giúp đỡ người khác. Tôi cảm thấy cậu bé là con trai nhưng sống rất nội tâm và tình cảm, ra dáng là một người anh. một người con lớn đáng tin cậy trong gia đình, là nơi gửi gắm niềm tin và hy vọng vào tương lai của người mẹ."
Tác phẩm đã được bạn đọc ở Đài Loan đón nhận nồng nhiệt, đặc biệt với việc được lựa chọn vào chương trình “khuyến đọc” của ngành giáo dục Đài Loan, tinh thần nhân bản của câu chuyện được lan tỏa.
Chị Nguyễn Thúy Loan chia sẻ: “Tôi xin đọc lời một người giáo viên tên là Lão Tư Ngũ của trường tiểu học Đại Nguyên, Đài Trung, Đài Loan viết về cuốn sách: Tôi sinh ra và lớn lên ở nông thôn, đã từng chứng kiến và từng được nghe không ít câu chuyện về những cô dâu nước ngoài. Sau khi đọc xong Cậu bé Sài Gòn khóe mắt tôi đỏ hoe và tâm trí lại hiện lên một câu chuyện bất hạnh của những người dân nhập cư mà tôi đã được biết. Tôi giật mình nhận ra thật sự chúng ta chưa đủ bao dung thân thiện với họ. Việc sinh sinh sống ở một đất nước xa lạ vốn đã rất khổ sở rồi. Vậy mà chỉ vì sự khác biệt về quốc tịch chúng ta lại còn có những hành vi kỳ thị khiến họ thêm tổn thương. Cậu bé Sài Gòn là một cuốn sách hay các thầy cô và các em nhỏ đều nên đọc.”
Nhà văn Trương Hữu Ngư. |
Tác giả Trương Hữu Ngư kể lại bà viết Cậu bé Sài Gòn: “từ năm 2005 đến 2008, mất bốn năm mới hoàn thành. Xã hội bấy giờ không có thiện cảm với người nhập cư mới, thế hiện thái độ căng thẳng và kì thị”.
Nhưng đã hơn chục năm trôi qua. Những ai đã biết Đài Loan hôm nay và những nỗ lực của chính quyền, của người dân bản địa trong công cuộc giúp tân di dân từ các nước hòa nhập, sẽ càng kinh ngạc trước tinh thần nhân bản, sự sẻ chia và tính dự báo mà “Cậu bé Sài Gòn” đã mang tới cho bạn đọc.
Thật trùng hợp khi "Cậu bé Sài Gòn" đến với bạn đọc Việt Nam trong những ngày một con virus bé nhỏ đang làm thay đổi cả thế giới, cả về cuộc sống và những cách nhìn về cuộc sống ấy. Những ước mơ của tuổi thơ ngây lại phản ánh được đời sống thuần chất mà thế giới người lớn đã đánh mất, như khi “Bộ chỉ huy người Trái Đất” của Thiếu Khoan và các bạn cùng bàn bạc chủ đề “quan trọng” đầu tiên là làm thế nào để người Trái Đất có thể chung sống hòa bình với nhau”: “Em ngẩng đầu nhìn bầu trời rồi nêu ý kiến: “Người ngoài hành tinh chọc thủng tầng ozon, gieo rắc một loại bột kiểm soát, khống chế người Trái Đất, con người đều phải bị người ngoài hành tinh cai trị, nên đành phải chung sống hòa bình với nhau thôi”.