Cà phê thứ bảy và các hoạt động khơi nguồn văn hóa

Thanh Giang
Chia sẻ
(VOV5) - Salon văn hoá Cà Phê Thứ Bảy đã tổ chức rất nhiều chương trình giao lưu, gặp gỡ định kỳ giữa các nhân vật hàng đầu trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật.

Nghe âm thanh bài viết tại đây: 

Có một chuỗi không gian văn hóa phi lợi nhuận mang tên Cà phê Thứ bảy đã hình thành và phát triển qua hơn 10 năm 2009-2021. Đây là “chặng đường kiên trì và bền bỉ của Tập đoàn Trung Nguyên Legend và nhạc sĩ Dương Thụ nhằm tạo dựng nên điểm hẹn của những người có cùng đam mê, nơi trao đổi tri thức, sẻ chia ý tưởng lớn, nơi tôn vinh, lan tỏa giá trị văn hóa – nghệ thuật và phụng sự cộng đồng.”
Cà phê thứ bảy là một, trong số không nhiều các không gian văn hóa sáng tạo phi lợi nhuận được mở ra, và đem đến những hoạt động văn hóa hữu ích, có chiều sâu. 
Cà phê thứ bảy và các hoạt động khơi nguồn văn hóa - ảnh 1

Kể từ không gian đầu tiên được hình thành năm 2009 tại thành phố Hồ Chí Minh, rất thu hút bởi tên tuổi và uy tín của nhạc sĩ Dương Thụ, sau thời gian dài hoạt động, làm cầu nối cho các chương trình về âm nhạc, điện ảnh và sách, đến giờ, đã hình thành một chuỗi ba không gian Cà phê thứ bảy: Salon Văn hoá Cà phê thứ Bảy (79A Phan Kế Bính, Quận 1, TP. HCM), Cà phê thứ Bảy Trẻ (264A Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 3, TP. HCM) và Cà phê thứ Bảy Hà Nội (45-47 Trần Xuân Soạn, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội). “Vào năm 2018 Hội đồng Anh và Liên minh Châu Âu đã làm cuộc khảo sát về Những không gian sáng tạo ở Việt Nam. Cà phê thứ 7 được xếp hàng đầu trong Dự án không gian văn hóa của Hội đồng Anh….”

Ngoài Cà phê điện ảnh và Salon âm nhạc, tại Cà phê thứ bảy, với sự chủ trì của nhạc sĩ Dương Thụ ở cả Hà Nội và TP.HCM, còn có Cà phê gặp gỡ và đối thoại với sự tham gia tọa đàm của nhiều nhân sĩ, trí thức trong nhiều lĩnh. Vì thế, trước khi bị ảnh hưởng bởi dịch covid 19, vào mỗi thứ bảy cuối tuần, những không gian này thường xuyên diễn ra các hoạt động giao lưu văn hoá nghệ thuật với nhiều chủ đề hấp dẫn, phong phú: Cà phê Gặp gỡ và đối thoại, Cà phê sách, Cà phê văn học, Cà phê Mỹ thuật, Cà phê kiến trúc, Cà phê Âm nhạc, Cà phê Điện ảnh, Đối thoại Trẻ, Câu chuyện Khởi nghiệp, Điện ảnh mở, vv… Tất cả những hoạt động này đều mở cửa tự do và không có phụ thu.

Đặc biệt, Thư viện Cà phê Thứ bảy Trẻ cũng được ra mắt từ năm 2020 gồm những đầu sách quý thuộc nhiều lĩnh vực mà hiện nay bên ngoài đã không còn nữa, bạn đọc có thể truy cập tại các máy tính ở đây. 

Cà phê thứ bảy và các hoạt động khơi nguồn văn hóa - ảnh 2Nhạc sĩ Dương Thụ trong một buổi nói chuyện tại Cà phê thứ bảy - Ảnh: doanhnhanplus

Nhạc sĩ Dương Thụ cho biết, hiện nay, với không gian số, văn hóa Việt, văn hóa thế giới được mở rộng trong mắt giới trẻ, việc tiếp cận tri thức dễ dàng, nhanh chóng, nhưng lại cũng quá xô bồ, quá nhiều lựa chọn, thiếu định hướng: “Làm thế nào để người ta đến với không khí xung quanh là sách hết, bây giờ sách là mênh mông và cũng được số hóa rất nhiều, người ta có thể đọc dễ dàng với một cái điện thoại bé tí. Cho nên chúng ta cần có sự lựa chọn. Chính vì thế mới ra đời tủ sách này, các chuyên gia sẽ giúp người đọc hiểu biết nhiều hơn.

Salon văn hoá Cà Phê Thứ Bảy đã tổ chức rất nhiều chương trình giao lưu, gặp gỡ định kỳ giữa các nhân vật hàng đầu trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật (triết học, giáo dục, văn học, kiến trúc, mỹ thuật, âm nhạc, điện ảnh), kinh tế, khoa học, công nghệ và môi trường… với cộng đồng, cùng thảo luận các chủ đề thu hút sự quan tâm của xã hội, đặc biệt là chuỗi sự kiện đồng hành cùng Hành trình Lập Chí Vĩ Đại – Khởi Nghiệp Kiến Quốc thanh niên đã góp phần truyền cảm hứng khởi nghiệp, kiến quốc cho thế hệ trẻ Việt Nam.

Tại sao lại là với người trẻ? nhạc sĩ Dương Thụ, người sáng lập Cà phê thứ bảy bày tỏ: “Tôi thích mói chuyện với bạn trẻ. Giới trẻ có một nhu cầu rất cao cho việc xây dựng nền tảng văn hóa."

Cà phê thứ bảy và các hoạt động khơi nguồn văn hóa - ảnh 3Trong không gian Cà phê thứ bảy ở 38 Võ Văn Tần - TP HCM - Ảnh: nguoidothi

Từ tháng 8/2021, các sự kiện văn hoá thường kỳ của Cà phê Thứ Bảy vẫn nỗ lực được tổ chức trở lại với hình thức trực tuyến miễn phí (trên nền tảng Zoom) vào các ngày cuối tuần. Những người đến với Cà phê thứ bảy hàng tuần, trực tiếp hay trực tuyến, đều vì nhu cầu kết nối hoặc tìm hiểu văn hóa tự thân. Như MC Ngọc Loan chia sẻ: “Từ thời sinh viên,mình đã thường lui tới Cà phê thứ bảy vì đây là không gian rất hiếm hoi mà mình có cảm giác mỗi lần từ đây bước ra, như có cái gì đó nảy nở trong lòng mình, những suy nghĩ mới hoặc những cảm xúc mới sau khi mình thưởng thức những tác phẩm nghệ thuật, được nghe nhạc, được xem phim. Rất cảm ơn tất cả những người đã làm nên Cà phê thứ bảy để cho những người trẻ như mình có một không gian để có thể học hỏi."

Kỷ yếu “Dự án Không gian Văn hóa Sáng tạo Việt Nam” của Hội đồng Anh và Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam ghi nhận: “Văn hóa là một trong những nhân tố thúc đẩy sự phát triển bền vững bởi văn hóa tạo ra sự gắn kết giữa các cộng đồng để cùng tiến lên một xã hội cởi mở và phát triển đồng đều trong tương lai. Các cách tiếp cận sử dụng yếu tố nghệ thuật và văn hóa tạo điều kiện cho các nhóm đối tượng khác nhau cùng giao lưu, trao đổi, tìm ra hướng giải quyết vấn đề một cách sáng tạo, và cùng nâng cao năng lực cho các bên. Văn hóa cũng trao cơ hội cho những biểu đạt sáng tạo, cho tiếng nói”

Khởi nguồn là “kết nối và sáng tạo”, trong chừng ấy năm thực hiện, nỗ lực thúc đẩy giao lưu văn hóa, khai thác các sức mạnh của văn hóa và sự sáng tạo, các hoạt động từ không gian văn hóa nhỏ này đã khiến Cà phê thứ bảy trở thành điểm gặp gỡ của những ý tưởng sáng tạo, cùng xây dựng một môi trường văn hóa sáng tạo, cởi mở hơn nhất là với giới trẻ Việt Nam.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu