Ý nghĩa nghi lễ chồng chải của người Dao quần chẹt Hoà Bình

Chẻo Thu
Chia sẻ
(VOV5) - Đây là một nghi lễ thể hiện lòng thành kính với tổ tiên những người đã khuất.

Nghi lễ chồng chải của người Dao quần chẹt Hoà Bình là một nghi lễ truyền thống có từ lâu đời. Theo quan niệm của đồng bào, chồng chải có nghĩa là tạ mả, không có tạ mả là không có nguồn gốc ông cha. Đây là một nghi lễ thể hiện lòng thành kính với tổ tiên những người đã khuất, là dịp để mỗi dòng họ củng cố, sửa sang mồ mả của của tổ tiên.

Ý nghĩa nghi lễ chồng chải của người Dao quần chẹt Hoà Bình - ảnh 1

Thày cúng trong nghi lễ chồng chải của người Dao quần chẹt ở Hòa Bình

Nghe âm thanh bài viết tại đây:

Những ngày cuối tháng chạp, gia đình ông Triệu Sinh Đường ở xóm Tiến Lâm, huyện Cao Phong, tỉnh Hoà Bình rộn rã tiếng chiêng, tiếng trống. Ngoài sân, gia đình đã lập đàn để treo bộ tranh tam thanh và hoàn tất công việc chuẩn bị mộ đường. Những lễ vật truyền thống được gia chủ chuẩn bị chu đáo, sẵn sàng làm lễ. Mỗi lễ vật trong nghi lễ quan trọng này là do các thành viên trong gia đình, dòng họ tự tay chuẩn bị trong một năm, thể hiện sự trân trọng và lòng thành kính với tổ tiên những người đã khuất:

Ông Triệu Sinh Đường cho biết: “Gia đình tôi tổ chức lễ chồng chải, tạ mộ cho các cụ ngày xưa. Để tổ chức lễ này gia đình tôi đã chuẩn bị kỳ công từ khá lâu, từ chăn nuôi gia súc, gia cầm, và ủ những chum rượu thơm nồng nhất rồi đi mời thầy cúng và nhạc chiêng trống, lập ban thờ, làm một đường, rồi mượn tranh bàn vương của họ khác làm lễ chồng chải cho gia đình mình thật chu toàn, đây là phong tục tập quán không thể bỏ được”.

Đồ lễ vật cúng tạ mả của người Dao quần chẹt Hoà Bình, nếu tổ tiên có bao nhiêu âm thì chuẩn bị gà tương ứng một lão thái ông hai con gà. Ngoài ra, gia chủ còn phải có đủ lễ vật là gạo, rượu, một đôi chim câu để truyền tin cho lão thái tổ về dự lễ, một đôi vịt, một đôi ngỗng … Đặc biệt, trong nghi lễ này chỉ sát những con gia súc, gia cầm chăn nuôi, kỵ sát thịt thú rừng. Anh Triệu Duy Long, dân tộc Dao quần chẹt ở xóm Đồng Chụa, xã Thống Nhất, thành phố Hoà Bình cho biết: “Đây là một nghi lễ  ý nghĩa của dân tộc dao. Thứ nhất là dịp để con cháu nhớ ơn dâng lễ vật lên các cụ. Thứ hai là xây lại mồ mả cho các cụ mà ngày xưa mình không thể đến và  tìm được, chiêu hồn về đây để cho con cháu nhớ đến những lão tháo thái ông có công với gia tộc. Rồi khai đàn tế lễ mời các vị thần thánh tam thanh và gia thần về uống một bữa rượu chứng giám cho công việc này. Đây là một nét đẹp phóng tục dân tộc dao riêng biệt của người Dao quần chẹt, cần được phát huy và bảo tồn để con cháu mai sau có thể nhớ được những lão thái ông ấy”.

Nghi lễ chồng chải của đồng bào Dao quần chẹt được tổ chức hai ngày một đêm, theo quan niệm của đồng bào phải sang giờ tý. Để làm lễ chồng chải bắt buộc phải lập hai đàn, phần mộ đường và đàn treo tranh phật phẳng gọi là tam thanh và Bàn Vương (Bàn vương và thuỷ tổ của người Dao). Tại mộ đường sẽ làm các ngôi mộ giả, có bia mộ bằng chữ nho ghi rõ họ tên và nơi an táng xưa kia của “Lồ Thải Châuz” – tức lão thái ông. Mỗi phần mộ sẽ có một cái lọng và một đèn lồng, mỗi một màu đèn lồng tương ứng với một lão thái ông.  Người thầy cúng phải mặc áo long bào, bên trong là áo lụa, đầu đội mũ tam thanh, có khả năng nói chuyện âm.

Các nghi thức được người thầy cúng thực hiện trong tiếng chuông, tiếng trống chiêng rộn rã. Người thầy cả chiêu hồn ông tổ về mộ đường nhận lễ vật của con cháu. Các thầy cúng bái bộ tranh tam thanh, mời các ông tổ chứng kiến gia chủ làm công việc chồng chải. Bắt đầu khai đàn tễ lễ xin thần linh phù hộ gia chủ mùa màng bội thu, gia đình khỏe mạnh. Các thần linh được mời chứng giám cho hàng xóm láng giềng giúp gia chủ làm lễ sát sinh gia súc. Sau đó các lễ vật được dâng lên mộ đường lão thái ông. Người thầy cúng lúc này trèo lên đài tâu mời ngọc hoàng xuống chứng kiến cho lão thái tổ. Tiếp đến thầy cúng làm lễ  bắc cầu âm đến nơi an táng của lão thái tổ khi xưa, tôn tạo thêm phần mộ, xây tường bao xung quanh, đóng cổng không cho ngoại nhập. Nghi thức này có ý nghĩa với mong muốn những người đã khuất an nghỉ và linh thiêng phù hộ độ trì dương cơ âm mộ, mọi chỗ tốt lành, con cháu tốt lành, gia đạo hưng long thịnh vượng. Sau khi làm lễ xong ở mộ đường, thầy cúng mời thần thánh về đàn uống rượu nhận lễ chia tay.

Thầy cúng Trịnh Duyên Chính thực hiện nghi lễ chồng chải nói: “Gia tiên của bất kể dòng họ nào khi lập bàn thờ thì đều phải qua vài bận làm các nghi lễ. Nghi lễ chồng chải là dịp để con cháu tìm về cội nguồi, chiêu hồn, dâng lên tổ tiên và các vị lão thái ông những lễ vật nhưng mong tổ tiên phù hộ cho con cháu, gia đình làm ăn phát tài phát lộc”.

Từ xưa đến nay, người Dao quần chẹt Hòa Bình đều gìn giữ truyền thống cúng chồng chải bắt đầu vào những ngày tháng chạp để củng cố, tìm lại, sửa sang mồ mả của ông cha. Đây cũng là dịp để họ cảm tạ các vị gia tiên, thần linh đã phù hộ, bảo vệ họ suốt năm qua, cầu mong cho một năm mới mưa thuận gío hoà, gia đình, làng trên xóm dưới ấm no, hạnh phúc.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu